Huyện Hướng Hóa: Làm tốt công tác xã hội hóa giáo dục
Nhằm chủ động từng bước khắc phục khó khăn đặc thù của vùng núi, nâng cao chất lượng giáo dục, thời gian qua, bằng nhiều giải pháp tích cực, ngành giáo dục huyện Hướng Hóa đã làm tốt công tác xã hội hóa. Qua đó, góp phần tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện thuận lợi cho công tác dạy và học, nhất là đối với các trường học vùng bản.
Điểm trường lẻ Cợp của Trường Tiểu học Hướng Phùng nằm cách trường chính gần 7 km, có 70 học sinh là người dân tộc Vân Kiều. Được xây dựng từ năm 2017, đến nay, điểm trường này đã xuống cấp nghiêm trọng. Với 4 phòng học không thể đảm bảo cho việc bố trí cho 5 lớp/70 học sinh nên nhà trường buộc phải tổ chức 1 lớp ghép.
Tháng 8/2024, qua sự kết nối của Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện, nhà trường đã được hỗ trợ gần 260 triệu đồng để tu sửa 3 phòng học đúng quy cách và 1 phòng họp của giáo viên và đã hoàn thành đưa vào sử dụng đúng vào dịp năm học mới.
Hiệu trưởng Trường Tiểu học Hướng Phùng Nguyễn Hữu Quảng cho biết: “Sau khi được tu sửa các phòng học tại điểm trường lẻ đã giúp cho nhà trường khắc phục được rất nhiều khó khăn. Giáo viên, phụ huynh và học sinh rất phấn khởi khi điểm trường đã được tu sửa, đảm bảo tốt hơn điều kiện dạy và học, đặc biệt học sinh đến trường chuyên cần hơn, chất lượng dạy và học của đơn vị được nâng lên đáng kể”.
Trường Tiểu học và THCS A Xing có 620 học sinh, trong đó gần 100% học sinh là người dân tộc Vân Kiều, Pa Kô. Đơn vị thiếu phòng học đã nhiều năm nay nhưng chưa được đầu tư xây dựng. Trước nhu cầu bức thiết, lãnh đạo nhà trường chủ động tìm cách kết nối với các nhà hảo tâm, kêu gọi hỗ trợ xây dựng phòng học. Nhờ vậy, tháng 11/2024, các nhà tài trợ đã đầu tư cho trường gần 400 triệu đồng để xây dựng 4 phòng học, dự kiến hoàn thành vào đầu năm 2025.
Hiệu trưởng nhà trường Nguyễn Mai Trọng cho hay: “Trong điều kiện khó khăn của một trường vùng bản, chúng tôi chủ động vận động, kêu gọi sự hỗ trợ của các cá nhân, đơn vị trong nước để phần nào khắc phục, giúp thầy, trò có thêm điều kiện dạy và học đảm bảo hơn. Sau khi các phòng học hoàn thành đưa vào sử dụng sẽ giải quyết được áp lực lớn của nhà trường, không còn phải tổ chức lớp ghép, chất lượng dạy và học được chắc chắn sẽ được nâng lên”.
Hướng Hóa có 60 đơn vị trường học, trong đó trên 50% là trường học vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Nguồn kinh phí đầu tư cho ngành giáo dục còn hạn chế, trong khi điều kiện dạy và học của các trường, nhất là trường học vùng bản trên địa bàn huyện còn quá nhiều khó khăn. Cơ sở vật chất trường lớp cũng như các điều kiện dạy và học chưa thể đảm bảo đáp ứng được nhu cầu thực thế, làm ảnh hưởng đến chất lượng dạy và học cũng như tỉ lệ chuyên cần của học sinh.
Trước tình hình đó, Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện chủ động đi đầu trong việc xã hội hóa, đồng thời kêu gọi, vận động tất cả các đơn vị trường học chung tay trong việc kêu gọi xã hội hóa đầu tư cho ngành. Đơn vị đã thực hiện phương châm “Mỗi cán bộ, giáo viên, mỗi phụ huynh là một kết nối viên”, thông qua các kênh kết nối khác nhau để tìm nhà tài trợ, như từ mối quan hệ công tác, bạn bè, người thân, các đơn vị kết nghĩa, hoặc thông qua các kênh mạng xã hội như facebook, zalo, youtobe... Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, các nền tảng mạng xã hội để chia sẻ thông tin của các nhà trường, học sinh đến với nhà tài trợ, trong đó thông tin địa chỉ, mục đích, ý nghĩa phải rõ ràng.
Trên cơ sở đề xuất từ các đơn vị trường học, lãnh đạo và chuyên viên Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện trực tiếp khảo sát, đánh giá thực trạng nhằm có cơ sở lựa chọn hạng mục, phần việc sát thực nhất để kêu gọi xã hội hóa. Phòng và các đơn vị trường học xây dựng kế hoạch phối hợp chặt chẽ với các đơn vị tài trợ trong suốt quá trình triển khai hỗ trợ các công trình, phần việc tại địa phương, như: giám sát, thống kê, báo cáo kết quả, tiến độ thực hiện, hiệu quả sử dụng...
Tất cả số liệu, hiệu quả sử dụng nguồn tài trợ đều được công khai, minh bạch cụ thể, rõ ràng trên các trang mạng xã hội do phòng và các đơn vị trường học quản lý, đồng thời lồng ghép sơ kết, tổng kết đánh giá kết quả xã hội hóa, biểu dương và cảm ơn nhà tài trợ.
Các nguồn xã hội hóa tập trung hỗ trợ cho các công trình, phần việc mang tính cấp thiết nhất. Ưu tiên cho đầu tư về cơ sở vật chất trường lớp; điều kiện dạy và học như: trang cấp máy vi tính, ti vi, hệ thống âm thanh loa máy, bàn ghế...; điều kiện chăm sóc học sinh được đảm bảo, như: giếng khoan, bếp ăn bán trú, tủ lạnh, máy bơm nước, bếp ga, nồi cơm điện, khay đĩa, hỗ trợ suất ăn thường xuyên, bánh, sữa và một số đồ dùng thiết yếu khác cho học sinh.
Nhờ triển khai công tác xã hội hóa chặt chẽ, khoa học và đồng bộ nên ngành giáo dục huyện kết nối ngày càng nhiều và thường xuyên hơn với các cá nhân, đơn vị tài trợ khắp cả nước. Riêng 2 năm học trở lại đây, ngành giáo dục Hướng Hóa đã huy động xã hội hóa được gần 35 tỉ đồng, trong đó năm 2024 gần 25 tỉ đồng.
Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Hướng Hóa Nguyễn Thị Thanh Nga thông tin: “Được sự quan tâm, đồng hành của các tổ chức cá nhân, sự tâm huyết và trách nhiệm của toàn ngành, công tác xã hội hóa đầu tư cho giáo dục thời gian qua đạt nhiều kết quá đáng phấn khởi.
Điều đó đã góp phần đáng kể vào việc tháo gỡ khó khăn cho công tác dạy và học, nhất là ở vùng bản và nâng cao chất lượng giáo dục. Tỉ lệ học sinh chuyên cần cũng tăng lên đáng kể, riêng năm 2024 đạt 100%, xếp thứ 4 trong toàn tỉnh. Thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục phát huy làm tốt công tác xã hội hóa, dần khắc phục khó khăn và đáp ứng nhu cầu bức thiết nhất cho công tác dạy và học ở vùng khó”.