Huyện Đà Bắc phát triển kinh tế rừng, nâng cao thu nhập

Phát huy tiềm năng, lợi thế của địa phương, những năm qua, đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) trên địa bàn huyện vùng cao Đà Bắc đã đẩy mạnh phát triển kinh tế rừng. Qua đó không chỉ bảo vệ rừng tốt hơn, mà còn giúp bà con nâng cao thu nhập.

Phát huy tiềm năng, lợi thế của địa phương, những năm qua, đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) trên địa bàn huyện vùng cao Đà Bắc đã đẩy mạnh phát triển kinh tế rừng. Qua đó không chỉ bảo vệ rừng tốt hơn, mà còn giúp bà con nâng cao thu nhập.

Bà con dân tộc Dao ở xóm Mạ, xã Tú Lý (Đà Bắc) phát triển kinh tế rừng, nâng cao thu nhập.

Bà con dân tộc Dao ở xóm Mạ, xã Tú Lý (Đà Bắc) phát triển kinh tế rừng, nâng cao thu nhập.

Tận dụng lợi thế về đồi rừng, bà con người Tày ở xã Giáp Đắt (Đà Bắc) đã phát triển nuôi dê đem lại hiệu quả kinh tế cao.

Tận dụng lợi thế về đồi rừng, bà con người Tày ở xã Giáp Đắt (Đà Bắc) đã phát triển nuôi dê đem lại hiệu quả kinh tế cao.

Đà Bắc là huyện nghèo với diện tích trên 77.976 ha, đất lâm nghiệp chiếm trên 79% diện tích. Trong đó, đất rừng đặc dụng hơn 5.026 ha, đất rừng phòng hộ hơn 28.574 ha và trên 28.348 ha đất rừng sản xuất. Giai đoạn 2019 - 2023, trên địa bàn huyện thực hiện giao đất của Công ty Lâm nghiệp Hòa Bình trả về cho địa phương quản lý với diện tích hơn 1.193 ha, huyện đã giao cho các hộ gia đình trên địa bàn. Với lợi thế rừng lớn, huyện Đà Bắc xác định, phát triển kinh tế rừng là một trong những giải pháp quan trọng để nâng cao thu nhập cho người dân. Do đó, hằng năm Huyện ủy, UBND huyện Đà Bắc đã quan tâm, chỉ đạo đẩy mạnh bảo vệ rừng, trồng mới rừng sản xuất, trồng lại rừng sản xuất sau khai thác, trồng rừng phòng hộ đầu nguồn. Bên cạnh đó, nỗ lực nâng cao chất lượng, năng suất rừng trồng, từng bước chuyển hóa rừng trồng gỗ nhỏ thành rừng kinh doanh gỗ lớn.

Từ năm 2019 đến nay, trên địa bàn huyện Đà Bắc đã trồng trên 3.489 ha rừng và trồng trên 1,5 triệu cây phân tán các loại. Như vậy, bình quân mỗi năm huyện trồng được 697 ha, chủ yếu là rừng sản xuất với các loại: keo tai tượng thực sinh, bồ đề, trẩu, mỡ, bạch đàn. Theo đồng chí Bùi Khắc Vinh, Trưởng phòng NN&PTNT huyện Đà Bắc cho biết: Những năm qua, người dân chú trọng lựa chọn những giống cây trồng đảm bảo nguồn gốc, chất lượng nên chất lượng rừng trên địa bàn huyện ngày một tăng lên. Hiện tượng khai thác rừng non cũng giảm, mô hình kinh doanh gỗ lớn dần được quan tâm, phát triển.

Xóm Mạ, xã Tú Lý là nơi sinh sống của trên 100 hộ dân người Dao quần chẹt. Những năm qua, bà con đã khai thác hiệu quả hơn 140 ha diện tích rừng để cải thiện, nâng cao thu nhập. Với 5 ha đất rừng, gia đình ông Dương Kim Tuất đã có nguồn thu nhập khá ổn định. Theo chia sẻ của ông Tuất, trước đây gia đình chủ yếu trồng ngô, sắn nên giá trị kinh tế không cao. Từ khi có đường thuận lợi vào khu sản xuất, gia đình đã chuyển sang trồng cây keo, bạch đàn. Với chu kỳ khai thác khoảng 5 năm, rừng keo, bạch đàn đã đem lại thu nhập hàng trăm triệu đồng cho gia đình ông. "Bên cạnh trồng rừng, gia đình tôi còn kết hợp chăn nuôi, đào ao thả cá. Nhờ đó có được nguồn thu nhập thường xuyên từ rừng, thay vì phải đợi 4 - 5 năm mới có thu nhập từ bán keo”, ông Tuất cho biết.

Tận dụng rừng trồng để phát triển chăn nuôi đang được nhiều hộ dân ở các xã vùng cao huyện Đà Bắc chú trọng. Mấy năm trước, gia đình anh Lò Văn Tuất (dân tộc Tày), xóm Khem, xã Đoàn Kết đã duy trì nuôi trâu, bò theo hình thức chăn thả trong khu đồi sản xuất rộng gần 3 ha của gia đình. Gần 2 năm trước, khi giá trâu, bò xuống thấp, anh Tuất đã quyết định chuyển sang nuôi lợn bản địa. Theo anh Tuất, nuôi lợn bản địa rất phù hợp vì có đất rộng, nguồn thức ăn sẵn có. Bên cạnh đó, việc tiêu thụ vật nuôi này khá thuận lợi với giá bán ổn định. Nhờ sự linh hoạt đó mà gia đình có được nguồn thu nhập ổn định hơn.

Theo đồng chí Bùi Khắc Vinh, Trưởng phòng NN&PTNT huyện Đà Bắc, phát triển kinh tế rừng trên địa bàn huyện đã có nhiều chuyển biến tích cực. Tuy nhiên, những hộ hoạt động sản xuất lâm nghiệp đa số là hộ nghèo, không có vốn để phát triển rừng theo hướng thâm canh. Do đó, thực trạng rừng bị khai thác non làm nguyên liệu và củi đốt vẫn còn phổ biến. Trong khi phát triển rừng cây gỗ lớn gặp khó khăn do chu kỳ dài, đòi hỏi nguồn vốn lớn hơn. Do đó, cần có chính sách khuyến khích, hỗ trợ người dân, nhất là hộ đồng bào dân tộc thiểu số trong bảo vệ và phát triển rừng để đem lại hiệu quả kinh tế cao hơn.

Viết Đào

Nguồn Hòa Bình: http://www.baohoabinh.com.vn/249/194890/huyen-da-bac-phat-trien-kinh-te-rung,-nang-cao-thu-nhap.htm
Zalo