Huyện Chương Mỹ: Nước sông Bùi rút chậm, nhiều khu vực vẫn ngập sâu
Vào lúc 14h ngày 14/9, mực nước sông Bùi là 7m73, rút được 2 cm so với cùng giờ hôm qua. Mực nước ở các hồ Đồng Sương, Vân Sơn, Miễu vẫn trên ngưỡng tràn.
Theo thống kê của UBND huyện Chương Mỹ, hiện có 22.930 m đê bị ngập, 80m bị sạt lở, 33.860m đường giao thông nông thôn bị ngập, 23 m bị sạt lở, 5 trường học bị ngập. Số thôn xóm bị ngập đã tăng lên 54 (ngày hôm qua là 35), số hộ bị ảnh hưởng là 4692, số nhân khẩu bị ảnh hưởng là 21.709. Diện tích lúa bị ngập, đổ (2.793,8ha), ngô, rau màu các loại bị ngập, đổ (414,2ha), cây ăn quả bị ảnh hưởng (775,6ha), và 42.397m2 chuồng trai bị ngập…
Để ứng phó với mưa lũ, trong những ngày qua, huyện Chương Mỹ đã huy động 6.005 người (trong đó lực lượng tại chỗ 5.345; lực lượng quân sự huyện 10 người, và 650 cán bộ chiến sỹ các đơn vị quân đội, chuẩn bị 75.000 bao tải; 5.150m2 bạt; 9.419m3 đất đá, 178 phương tiện đắp chống tràn vào khu vực dân cư. Tổ chức sơ tán 1.950 hộ với 8.589 nhân khẩu đến nơi an toàn. Tiếp tục rà soát, tổ chức sơ tán ngay các hộ dân bị ngập lụt đến nơi an toàn.
Huyện đã tạm cấp hỗ trợ cho 11 xã bị ảnh hưởng bão số 3 số tiền 2.895 triệu đồng. Cấp phát 27.000 lọ/tuýp thuốc kháng sinh đường ruột, điều trị tiêu chảy, viêm ruột… và thuốc nhỏ mắt cho các xã, thị trấn vùng ngập lụt. UBND TP đã hỗ trợ huyện Chương Mỹ 10 tỷ đồng. Sở Công Thương hỗ trợ 3,5 tấn gạo, 400 thùng nước lọc (loại 24 chai/1 thùng) và 96 thùng lương khô. UBND các xã, thị trấn đã tổ chức tiếp nhận từ nguồn xã hội hóa, nguồn ngân sách của các đơn vị mua sắm cấp phát hỗ trợ đến các hộ trong vùng ngập úng, gồm 1.664 thùng mỳ tôm, lương khô 1027 thùng, 894 thùng sữa, 8.615 thùng nước uống, 429 áo phao, 40 phao cứu sinh, 903 đèn pin và 888.900.000 đồng tiền mặt.
Nước bắt đầu rút, nhưng Chương Mỹ vẫn duy trì chế độ trực 24/24h tại Ban Chỉ huy PCTT&TKCN huyện. UBND các xã, thị trấn, các điếm canh đê cũng như các đơn vị liên quan vẫn túc trực 24/24 giờ, để kịp thời xử lý các sự cố khi xảy ra.
Các xã, thị trấn triển khai ứng phó với ngập, lụt theo phương châm “4 tại chỗ” (kê kích tải sản, di dân ra khỏi khu vực có nguy cơ ngập sâu, dự trữ lương thực thực phẩm, thuốc men…). Cảnh báo nguy hiểm, không để người dân tắm, đánh bắt cá, vớt gỗ trên sông, tổ chức vệ sinh môi trường; đảm bảo an toàn điện khu vực ngập lụt.