Huyện Chương Mỹ: người dân 9/32 xã, thị trấn được sử dụng nước sạch
Tính đến nay mới có 9/32 xã, thị trấn của huyện Chương Mỹ được sử dụng nước sạch (thị trấn Xuân Mai, thị trấn Chúc Sơn các xã Đông Sơn, Đông Phương Yên, Phú Nghĩa, Ngọc Hòa, Thủy Xuân Tiên, Đại Yên, Tiên Phương).
Giám đốc Công ty CP Môi trường Đô thị Xuân Mai Nguyễn Ngọc Oanh thông tin, ngoài 9 xã, thị trấn đã được cung cấp nước sạch, hiện công ty đang thi công các tuyến ống truyền dẫn và phân phối tại 7 xã Thanh Bình, Tân Tiến, Nam Phương Tiến, Hoàng Văn Thụ, Hữu Văn, Hoàng Diệu, Thượng Vực. Đến hết năm 2025, Công ty Môi trường Đô thị Xuân Mai sẽ thực hiện cấp nước cho 36/36 xã, thị trấn trong phạm vi dự án (32 xã, thị trấn của huyện Chương Mỹ và 4 xã của huyện Quốc Oai).

Thi công đường ống dẫn nước sạch tại xã Hoàng Diệu, huyện Chương Mỹ.
Thực tế cũng cho thấy, do nhận thức của một số người dân về sử dụng nước sạch và trách nhiệm tham gia bảo vệ công trình cấp nước chưa phát huy được, phó mặc cho nhà đầu tư. Nhiều hộ gia đình có thói quen sử dụng nguồn nước khoan và giếng khơi, chưa thấy hết được tầm quan trọng của nguồn nước sạch liên quan đến bảo vệ sức khỏe.
Theo ông Nguyễn Ngọc Oanh, tỷ lệ đấu nối lắp đặt đồng hồ nước mới đạt 16.073/46.810 đồng hồ nước theo kế hoạch (tỷ lệ 34.33 %). Nhiều hộ đã lắp đặt đồng hồ đấu với nguồn nước sạch, nhưng không sử dụng mà sử dụng nguồn nước tự khai thác vẫn lớn (chiếm 3.400/16.073 đồng hồ đã lắp đặt, tỷ lệ 21.15%). Điều này gây khó khăn cho công tác quản lý vận hành và hiệu quả đầu tư của dự án.

Một số xã ven Quốc lộ 6 của huyện Chương Mỹ đã được sử dụng nước sạch (thi công công trình nước sạch tại xã Đông Sơn, ảnh tư liệu)
Hiện nay huyện Chương Mỹ đang đầu tư hệ thống hạ tầng giao thông nông thôn để hoàn thiện tiêu chí nông thôn mới tại các xã, thị trấn, do đó, nhiều dự án hạ tầng triển khai nhưng chưa thỏa thuận, thống nhất với các chủ đầu tư có công trình ngầm (trong đó có hệ thống cấp nước), dẫn đến sự cố vỡ, tụt ống nước phải thi công đào đi bới lại gây lãng phí, tốn kém, ảnh hưởng đến việc cấp nước an toàn phục vụ người dân. Việc thực hiện hỗ trợ, đền bù khi di dời công trình nước sạch chưa có cơ chế cụ thể để hỗ trợ nhà đầu tư…
Từ những lý do trên, Công ty CP Môi trường Đô thị Xuân Mai đề nghị UBND TP điều chỉnh nâng công suất sản lượng nước từ Nhà máy nước sạch Sông Đà cấp nước cho dự án của huyện Chương Mỹ, đảm bảo đủ nguồn nước để thi công đến đâu, đủ nguồn nước cấp đến đó. Đồng thời, hạn chế dần, nghiêm cấm, tiến tới bỏ hẳn việc khai thác nước ngầm trên địa bàn. Tăng cường công tác bảo vệ và sử dụng nước sạch đồng thời vận động người dân tham gia sử dụng nước sạch…

Theo nhiều ý kiến, khi thi công hạ tầng giao thông, nên kết hợp với dự án nước sạch, để tiết kiệm, tránh đào lên, lấp xuống...
Trưởng phòng Quản lý Đô thị huyện Chương Mỹ Trần Văn Sơn cho biết, hiện nay dự án cấp nước trên địa bàn đã hoàn thành tuyến ống truyền dẫn (DN600, L= 13,7 km), đấu nối nguồn nước từ nút giao Hòa Lạc về thị trấn Xuân Mai (hoàn thành và cấp nước từ ngày 26/1/2022). Hoàn thành tuyến ống truyền dẫn D500-225 đoạn Xuân Mai – Chúc Sơn (L= 14,7 km), hiện đang cấp nước cho các xã dọc Quốc lộ 6 chạy qua địa bàn huyện Chương Mỹ; đã thi công mạng ống phân phối, dịch vụ, lắp đặt đồng hồ và cấp nước cho 16.100 khách hàng và các cơ quan, đơn vị - Bao gồm 2 thị trấn Xuân Mai, Chúc Sơn và các 5 xã (Đông Sơn, Thủy Xuân Tiên, Đông Phương Yên, Phú Nghĩa, Ngọc Hòa), thuộc huyện Chương Mỹ và 4 xã là Hòa Thạch, Đông Yên, Phú Mãn, Đông Xuân của huyện Quốc Oai. Các xã đã và đang được tiệm cận nguồn nước sạch là Đại Yên, Hoàng Diệu, Hữu Văn, Thanh Bình, Tâm Tiến, Nam Phương Tiến…
Vẫn theo ông Trần Văn Sơn, để thuận lợi và hiệu quản khi triển khai dự án cấp nước sạch, khi triển khai xây dựng, cải tạo nâng cấp đường giao thông, rãnh thoát nước, các đơn vị cần phối hợp chặt chẽ với dự án nước sạch, tránh đào bới nhiều lần gây lãng phí…

Hiện nay người dân nhiều xã ở huyện Chương Mỹ vẫn phải sử dụng nước giếng khoan.
Nhiều người dân (đặc biệt là những người sống ven lưu vực sông Đáy), huyện Chương Mỹ đều rất mong dự án cung cấp nước sạch sớm đi vào vận hành; vì lâu nay họ đều phải sử dụng nước giếng khoan. Anh Nguyễn Công Định (xã Thượng Vực) nói: “Khi có nước sạch về, chắc chắn gia đình tôi sẽ từ bỏ giếng khoan, bởi gần đây tại địa phương nhiều người đã mắc bệnh, nguyên nhân nghi ngờ do nguồn nước từ giếng khoan không đảm bảo sạch”.