Huyện Cao Lãnh tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp nâng cao thu nhập cho người dân

Thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng trong sản xuất gắn với xây dựng nông thôn mới, huyện Cao Lãnh đã tổ chức thực hiện Đề án gắn với chương trình phát triển kinh tế nông nghiệp trọng tâm, tập trung đẩy mạnh phát triển chuỗi ngành hàng chủ lực của huyện thành vùng sản xuất hàng hóa chuyên canh theo hướng mở rộng diện tích, nâng cao chất lượng, giá trị sản phẩm, triển khai thực hiện nhiều mô hình có hiệu quả cao, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân.

Mô hình trồng màu xen canh của ông Nguyễn Văn Mãnh (ngụ xã Phong Mỹ) góp phần ổn định nguồn thu nhập

Mô hình trồng màu xen canh của ông Nguyễn Văn Mãnh (ngụ xã Phong Mỹ) góp phần ổn định nguồn thu nhập

CHUYỂN ĐỔI CÂY TRỒNG HIỆU QUẢ CAO

Trong tái cơ cấu nông nghiệp, huyện đã tập trung chuyển đổi từ cây trồng kém hiệu quả sang cây trồng cho lợi nhuận tốt, có khả năng cạnh tranh cao. Từ đầu năm 2021, nhận thấy được xu hướng phát triển, tiềm năng giá trị kinh tế cao và nhu cầu tiêu thụ của mặt hàng sầu riêng ngày càng tăng, người dân trên địa bàn huyện Cao Lãnh đã chuyển đổi các giống cây trồng có hiệu quả kinh tế thấp sang các giống cây sầu riêng. Đến cuối năm 2024, diện tích sầu riêng trên địa bàn huyện là 990ha, tăng 846ha so với năm 2021.

Tuy nhiên, để duy trì và khai thác hiệu quả giá trị cây sầu riêng mang lại, người dân cần xác định được thời điểm thu hoạch thích hợp để bán giá cao, tránh trường hợp “Được mùa, mất giá”. Nhận thấy nhu cầu của người dân, các ngành chức năng của huyện đã triển khai thực hiện mô hình chăm sóc và xử lý ra hoa nghịch vụ trên cây sầu riêng với diện tích 1ha tại xã Bình Hàng Trung nhằm hướng dẫn người dân áp dụng kỹ thuật điều khiển sự ra hoa vụ nghịch hay rải vụ.

Lợi nhuận năm đầu tiên nhà vườn thực hiện mô hình là 650 triệu đồng/ha và được bà con xung quanh đến tham quan học tập, tạo mối quan hệ đoàn kết trong sản xuất. Mô hình giúp nhà vườn tiết kiệm đáng kể chi phí sản xuất, công tác quản lý vườn trở nên dễ dàng hơn khi tất cả các cây ra hoa đồng loạt, đồng thời giúp giảm công lao động, chi phí phân bón và thuốc bảo vệ thực vật đều giảm đáng kể.

Bên cạnh đó, các ngành chức năng của huyện còn hỗ trợ và khuyến khích nông dân đẩy mạnh ứng dụng khoa học - công nghệ trong phát triển sản xuất, góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất và sức cạnh tranh của ngành nông nghiệp. Điển hình như mô hình tưới thông minh - tưới tiết kiệm trên cây ăn trái: Hệ thống tưới nhỏ giọt và tưới phun mưa giúp tiết kiệm 50 - 70% lượng nước so với phương pháp truyền thống, giảm áp lực khai thác tài nguyên trong giai đoạn khô hạn và nhiễm mặn. Ngoài ra, mô hình còn góp phần tăng năng suất cây trồng, giảm chi phí lao động, năng lượng và phân bón nhờ việc cung cấp nước đúng thời điểm.

Quá trình áp dụng biện pháp tưới tiết kiệm, tưới thông minh còn hạn chế lãng phí nước, giảm xói mòn đất và bảo vệ độ phì nhiêu. Hệ thống tưới tự động sử dụng công nghệ cảm biến để đo độ ẩm, thời tiết và nhu cầu của cây, kết nối quản lý qua điện thoại thông minh, giúp cải tiến quá trình sản xuất. Đến nay, trên địa bàn huyện có 1.490ha trồng xoài, sầu riêng, chanh, ổi và rau màu áp dụng hệ thống tưới tiết kiệm. Kết quả cho thấy, năng suất xoài tăng 20 - 30%, trong khi đó, rau màu giảm đến 50% lượng nước tưới. Nhìn chung, đây là hướng phát triển bền vững, góp phần bảo vệ tài nguyên thiên nhiên của huyện Cao Lãnh.

Nông dân Nguyễn Văn Mãnh ngụ xã Phong Mỹ là một trong những người tiên phong mạnh dạn chuyển đổi gần 3ha đất gò cao canh tác lúa kém hiệu quả sang trồng hoa màu theo hướng hữu cơ. Ông Nguyễn Văn Mãnh cho biết: “Trước khi quyết định chuyển đổi toàn bộ diện tích đất sang trồng hoa màu, tôi nghiên cứu, học hỏi nhiều mô hình khác nhau để bắt tay vào canh tác. Với diện tích gần 3ha, tôi trồng hoa màu xen canh theo mùa, theo thời tiết và theo thị trường, cung cấp ổn định nguồn hàng, phục vụ nhu cầu tiêu thụ của thương lái bán cho các chợ. Qua đó giúp gia đình tôi có nguồn thu nhập ổn định.

Không chỉ thay đổi cây trồng, ông Mãnh còn kết hợp nhiều biện pháp canh tác mới, đặc biệt là tuân thủ nghiêm ngặt thời gian cách ly để đảm bảo nông sản làm ra an toàn cho người tiêu dùng. “Ngoài việc sử dụng phân hữu cơ để giảm chi phí, tôi còn áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật khác như: sử dụng chế phẩm vi sinh, phân hữu cơ dạng nước, áp dụng mô hình tưới thông minh - tưới tiết kiệm, giúp giảm chi phí và quản lí dịch hại một cách hiệu quả” - ông Mãnh cho biết thêm.

Hay trường hợp của ông Dương Văn Thành ngụ xã Phong Mỹ, gần chục năm trước đây, ông Thành canh tác cam xoàn - loại cây trồng mang lại hiệu quả kinh tế cao lúc bấy giờ. Tuy nhiên, khi cây cam bắt đầu suy giảm về năng suất và chất lượng, ông quyết định chuyển đổi sang trồng mận Tam Hoa - loại cây ăn trái còn khá mới mẻ với vùng đất này. Nhờ chịu khó học hỏi và áp dụng kỹ thuật canh tác tiên tiến, sau thời gian đầu thử nghiệm, 500 gốc mận Tam Hoa đã mang lại kết quả khả quan, thu hoạch khoảng 20 tấn trái mỗi năm. Sau 8 năm canh tác, vườn mận của gia đình ông Thành vẫn duy trì năng suất cao và chất lượng tốt, đảm bảo thu nhập ổn định.

Lãnh đạo huyện Cao Lãnh đến thăm mô hình trồng mận của ông Dương Văn Thành ở xã Phong Mỹ

Lãnh đạo huyện Cao Lãnh đến thăm mô hình trồng mận của ông Dương Văn Thành ở xã Phong Mỹ

ỨNG DỤNG TIẾN BỘ KHOA HỌC KỸ THUẬT

Nhằm giải quyết những khó khăn, hạn chế trong liên kết sản xuất, tiêu thụ lúa khắc phục tình trạng sản xuất manh mún, nhỏ lẻ, huyện từng bước thay đổi thói quen, tập quán của người dân, tổ chức lại sản xuất và phát triển sản xuất theo hướng ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, nâng cao chất lượng và khả năng cạnh tranh của sản phẩm, nâng cao giá trị và tăng thu nhập cho nông dân. Huyện duy trì liên kết và tiêu thụ một số ngành hàng chủ lực, qua đó có 20/25 Hợp tác xã nông nghiệp và các Tổ hợp tác tham gia liên kết sản xuất tiêu thụ lúa gần 88.700ha, với sản lượng hơn 576.000 tấn; sản lượng liên kết cây ăn trái gần 50.400 tấn, tổng giá trị tăng thêm hơn 164 tỷ đồng so với vùng sản xuất không thực hiện liên kết.

Bên cạnh đó, để khẳng định giá trị thương hiệu, khả năng cạnh tranh của nông sản trên thị trường, huyện tập trung xây dựng và phát triển nhãn hiệu nông sản; xây dựng mã vùng trồng gắn với truy xuất nguồn gốc, liên kết sản xuất, tiêu thụ nông sản, phát triển chuỗi sản xuất hàng hóa với giá trị gia tăng cao, xây dựng vùng nguyên liệu lớn, kiểu mẫu, đáp ứng yêu cầu của doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu. Đồng thời phát triển các nhãn hiệu hàng hóa đã được cấp như: Xoài Cao Lãnh, Xoài Cát chu Cao Lãnh, Ổi Lê Cao Lãnh, Gạo sạch Cao Lãnh, Chanh Cao Lãnh, Cá Điêu Hồng Bình Thạnh, Tôm càng xanh Nhị Mỹ và chỉ dẫn địa lý “Cao Lãnh” trên sản phẩm xoài, chanh; xây dựng nhãn hiệu hàng hóa “Sầu Riêng Cao Lãnh” và các sản phẩm tiềm năng khác... Qua đó, nâng cao giá trị và chất lượng nông sản địa phương trên thị trường trong và ngoài nước.

Cùng với đó, hình thành và phát triển chuỗi ngành hàng chủ lực của huyện có mã số vùng trồng và nhà đóng gói liên kết lâu dài, hiệu quả, nâng cao giá trị, chất lượng và năng lực cạnh tranh của nông sản, mở rộng thị trường tiêu thụ trong và ngoài nước. Huyện xây dựng, cấp và quản lý mã số vùng trồng cho các loại cây trồng chính như: lúa, cây ăn trái tại vùng sản xuất tập trung, cấp mã số cơ sở đóng gói nông sản, truy xuất nguồn gốc nông sản nhằm phục vụ thị trường trong nước và xuất khẩu. Đến nay, toàn huyện có 7 cơ sở đóng gói đang hoạt động và 423 vùng trồng được cấp mã số, với diện tích gần 32.000ha, đạt 86% diện tích sản xuất nông nghiệp, góp phần liên kết, tiêu thụ các mặt hàng chủ lực của huyện, tạo đầu ra ổn định cho nông sản, tăng thu nhập cho người dân.

Theo ông Huỳnh Thanh Sơn - Phó Chủ tịch UBND huyện Cao Lãnh, xác định phát triển sản xuất gắn với cơ cấu lại ngành nông nghiệp là nhiệm vụ trọng tâm, góp phần cải thiện đời sống người dân trong xây dựng nông thôn mới, những năm qua, huyện đã triển khai thực hiện được nhiều mô hình có hiệu quả cao, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân. Trong thời gian tới, huyện tập trung ưu tiên thúc đẩy hỗ trợ phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị, nhất là sản xuất nông nghiệp sạch - an toàn, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu lao động và kinh tế nông thôn, góp phần quan trọng trong công tác giảm nghèo, nâng cao thu nhập cho người dân trên địa bàn huyện.

MỸ LONG

Nguồn Đồng Tháp: https://baodongthap.vn/kinh-te/huyen-cao-lanh-tai-co-cau-san-xuat-nong-nghiep-nang-cao-thu-nhap-cho-nguoi-dan-131521.aspx
Zalo