Huyện Cao Lãnh quyết tâm xây dựng đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao
Với sự quyết tâm của cả hệ thống chính trị, sự đồng thuận của Nhân dân trong thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM), diện mạo nông thôn huyện Cao Lãnh có nhiều đổi thay vượt bậc, cơ cấu kinh tế có sự chuyển dịch tích cực; sản xuất phát triển, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống vật chất, tinh thần của người dân.

Đoàn viên, thanh niên hướng dẫn người dân thực hiện chuyển đổi số
Diện mạo nông thôn đổi thay vượt bậc
Trong nhiều năm qua, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân huyện Cao Lãnh đoàn kết, năng động, sáng tạo, quyết tâm thực hiện thắng lợi các chương trình phát triển kinh tế - xã hội của huyện, đặc biệt là Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng NTM. Từ một huyện nông nghiệp với cơ sở hạ tầng còn nhiều khó khăn, Cao Lãnh đã trở thành huyện đạt chuẩn NTM vào năm 2020 và đang tiếp tục phấn đấu, quyết tâm thực hiện đạt chuẩn “Huyện NTM nâng cao” giai đoạn 2021 - 2025.
Các cấp ủy đảng, chính quyền và Nhân dân trong huyện đã tập trung triển khai quyết liệt, thực hiện đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế - xã hội trọng tâm là tái cơ cấu kinh tế, chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tăng dần tỷ trọng công nghiệp và dịch vụ, giảm dần tỷ trọng nông nghiệp và thúc đẩy mạnh mẽ Chương trình xây dựng NTM nâng cao. Đến nay, huyện đã đạt được một số kết quả nổi bật, năm 2024 cơ cấu kinh tế khu vực nông, lâm nghiệp chiếm tỷ trọng gần 39%, công nghiệp - xây dựng chiếm 14%, thương mại và dịch vụ chiếm 48%; tổng giá trị sản xuất một số ngành chủ yếu ước đạt 23.400 tỷ đồng.
Trong đó, nông - lâm nghiệp và thủy sản ước đạt 9.090 tỷ đồng, công nghiệp và xây dựng ước đạt 3.170 tỷ đồng; tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ cả năm ước đạt hơn 11.220 tỷ đồng. Cơ cấu lao động trong khu vực nông, lâm, thủy sản từ 53% (năm 2020) giảm còn 45% (năm 2024); giảm 7,2% sang khu vực phi nông nghiệp; tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 78%, tăng 11% so với năm 2020; thu nhập bình quân đầu người ước đạt 69 triệu đồng/người/năm, tăng 49 triệu đồng so với năm 2011; thu ngân sách nhà nước đạt 230 tỷ đồng, tăng 36% so với năm 2020. Đời sống người dân được cải thiện rõ rệt, tỷ lệ nghèo đa chiều khu vực nông thôn là 1,75%, trong đó: tỷ lệ hộ nghèo là 0,51% và tỷ lệ hộ cận nghèo là 1,24%.
Huyện định hướng phát triển sản xuất tập trung chuyển đổi cơ cấu cây trồng theo hướng sản xuất quy mô lớn, mở rộng liên doanh, liên kết theo chuỗi giá trị và an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP, mã số vùng trồng, truy xuất nguồn gốc sản phẩm. Quan tâm ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, sử dụng giống năng suất, chất lượng cao; cải tạo vườn tạp, chuyển đất trồng lúa kém hiệu quả sang trồng cây ăn trái có giá trị kinh tế cao (xoài, chanh, ổi, mít, sầu riêng...). Đến nay, trên địa bàn huyện có hơn 80 mô hình canh tác đa tầng, cải tạo vườn tạp được triển khai thực hiện với diện tích 260ha, hơn 290 hộ tham gia ở các xã, thị trấn đã mang lại hiệu quả thiết thực.
Huyện chú trọng quảng bá thương hiệu, nâng cao giá trị sản phẩm nông nghiệp; cấp mã số vùng trồng, truy xuất nguồn gốc và đa dạng hóa sản phẩm từ nông nghiệp. Các sản phẩm chế biến, phát triển sản phẩm theo chuỗi từ sản xuất đến tiêu thụ, liên kết sản xuất nông sản với công ty, doanh nghiệp đã góp phần tăng thu nhập cải thiện cuộc sống của Nhân dân và thúc đẩy phát triển nông nghiệp bền vững, giá trị tăng thêm từ liên kết đã mang lại thu nhập hàng tỷ đồng/năm.
Xây dựng NTM đã trở thành phong trào rộng khắp trong toàn huyện đạt nhiều kết quả tích cực. Diện mạo nông thôn thay đổi rõ rệt toàn diện. Huyện đã đầu tư trên 1.443 tỷ đồng để xây dựng 725 công trình kết nối giao thông liên vùng, hoàn thiện hệ thống giao thông nông thôn gắn với xây dựng bờ bao bảo vệ sản xuất, xây dựng hạ tầng nông thôn theo tiêu chí NTM, NTM nâng cao. Các công trình xây dựng hoàn thành và đưa vào khai thác phục vụ dân sinh, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển.
Công tác chuyển đổi số đạt được kết quả nhất định, đảm bảo hạ tầng, dữ liệu phục vụ đề án chuyển đổi số, xây dựng chính quyền số, phát triển kinh tế số, xã hội số, đảm bảo an toàn thông tin trên môi trường số. Nổi bật là hoạt động chuyển đổi số trong nông nghiệp, có 41% nông dân biết ứng dụng công nghệ internet vạn vật (IoT) vào quy trình sản xuất, khai thác thông tin cung - cầu thông qua mạng internet, mua bán trực tuyến; xây dựng ứng dụng di động “Cao Lãnh đồng hành”. Chất lượng khám chữa bệnh ở các cơ sở y tế được nâng lên, tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế đạt 97%, vượt 1,78% chỉ tiêu Nghị quyết và tăng 5% so với năm 2020... Cùng với đó, người dân được chăm sóc tốt về sức khỏe, tạo việc làm, nâng cao thu nhập.

Người dân huyện Cao Lãnh tích cực trồng cây xanh, xây dựng tuyến đường “Sáng, xanh, sạch, đẹp”
Đồng lòng, chung sức xây dựng nông thôn mới
Hưởng ứng các hoạt động xây dựng huyện NTM nâng cao, người dân huyện Cao Lãnh luôn đồng tình, đồng thuận hiến đất, đóng góp tài lực, vật lực để mở rộng các tuyến đường giao thông nông thôn, công trình nước sạch và tham gia phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc. Sự chuyển biến tích cực trong nhận thức của đội ngũ cán bộ, đảng viên và vai trò chủ thể của người dân, sức mạnh của cộng đồng, tạo thuận lợi trong việc huy động nguồn lực trong Nhân dân tham gia. Tổng nguồn lực huyện huy động xây dựng Chương trình giai đoạn 2021 - 2024 gần 12.600 tỷ đồng, gồm vốn ngân sách Trung ương, tỉnh, huyện và nguồn vốn huy động từ các doanh nghiệp, Nhân dân đóng góp...
Trong nỗ lực đạt chuẩn huyện NTM nâng cao, huyện đã có nhiều cách làm hay, sáng tạo, nhiều phong trào mô hình hiệu quả được thực hiện nhân rộng đến nhiều địa phương góp phần tạo sự lan tỏa và hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ đề ra trong xây dựng NTM. Theo đó, huyện đã phát động phong trào xây dựng các tuyến đường giao thông nông thôn “Sáng, xanh, sạch, đẹp”. Kết quả đã xây dựng được 169 tuyến đường với chiều dài trên 380km; triển khai thực hiện 109 mô hình “Vườn ươm cây xanh” tại các khóm, ấp, trường học, diện tích hơn 1.900m2 với hơn 93.000 cây giống các loại, cung cấp cây giống cho chính quyền địa phương trồng trên các tuyến đường, nơi công cộng; có gần 10.000 lượt đoàn viên, hội viên và Nhân dân tham gia. Chị Nguyễn Thị Mỹ Tuyền ngụ xã Mỹ Xương, chia sẻ: “Tôi rất phấn khởi khi bộ mặt nông thôn của địa phương đổi mới và ngày càng khang trang, ý thức bảo vệ môi trường của người dân thay đổi rõ rệt, các tuyến đường trong xóm đều sạch - đẹp...”.
Hành trình xây dựng NTM nâng cao ở huyện Cao Lãnh không chỉ đơn thuần là cuộc cách mạng về hạ tầng mà còn là sự chuyển biến sâu sắc trong nhận thức và lối sống của người dân. Từ những con đường đất lầy lội, những xóm ấp thiếu điện, đến nay, huyện đã có những tuyến đường bê - tông liên ấp, liên xã.
Ông Nguyễn Ngọc Lưu ngụ xã Ba Sao. bộc bạch: “Phong trào xây dựng NTM đã giúp nhiều vùng nông thôn thay đổi, cơ sở hạ tầng được đầu tư xây dựng, nâng cấp, qua đó người dân được thụ hưởng các tiện ích, cải thiện và nâng cao đời sống tinh thần, vật chất. Hiểu được ý nghĩa đó nên gia đình tôi đã tự nguyện hiến hơn 1.500m² đất để mở rộng đường giao thông nông thôn, góp phần thuận lợi cho việc đi lại”.
Xây dựng NTM là một quá trình lâu dài, thường xuyên và liên tục, có điểm bắt đầu nhưng không có điểm kết thúc, huyện Cao Lãnh đang tiếp tục nỗ lực phấn đấu tập trung vào các nhiệm vụ trọng tâm như: nâng cao thu nhập cho người dân, bảo vệ môi trường, phát triển kinh tế tuần hoàn, tăng trưởng xanh, phát huy vai trò của cộng đồng trong các phong trào thi đua “Tổ nhân dân tự quản an toàn, hòa thuận, giúp nhau phát triển kinh tế gia đình và không vi phạm pháp luật”...
Trong quá trình xây dựng NTM nâng cao, kết quả đến cuối năm 2024, toàn huyện có 17/17 xã được duy trì đạt bộ tiêu chí xã NTM giai đoạn 2020 - 2025; 10/17 xã đạt chuẩn xã NTM nâng cao; hoàn thành và được công nhận 2 làng thông minh tại xã Bình Thạnh và Mỹ Xương; thị trấn Mỹ Thọ đạt đô thị văn minh; duy trì huyện NTM và đạt bộ tiêu chí huyện NTM nâng cao đề nghị Hội đồng thẩm định Trung ương xem xét, công nhận.