Huyện Cao Lãnh phát huy tốt vai trò các loại hình kinh tế tập thể

Thời gian qua, các mô hình kinh tế tập thể (KTTT) trên địa bàn huyện Cao Lãnh đã phát huy tốt vai trò tập hợp nông dân, tìm kiếm đầu ra cho nông sản, giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập cho người lao động... góp phần vào sự phát triển kinh tế - xã hội địa phương.

Mô hình canh tác rau theo hướng an toàn của Hợp tác xã Nông nghiệp Tân Hội Trung, xã Tân Hội Trung, huyện Cao Lãnh (Ảnh: Thành Sơn)

Mô hình canh tác rau theo hướng an toàn của Hợp tác xã Nông nghiệp Tân Hội Trung, xã Tân Hội Trung, huyện Cao Lãnh (Ảnh: Thành Sơn)

Hoạt động KTTT đi vào chiều sâu

Hiện, toàn huyện Cao Lãnh có 33 hợp tác xã (HTX), trong đó có 27 HTX nông nghiệp, với tổng số khoảng 5.250 thành viên; 168 tổ hợp tác, với tổng số 3.510 thành viên. Thời gian qua, các HTX hoạt động theo đúng Luật HTX năm 2012 và định hướng hoạt động theo Luật HTX năm 2023. Doanh thu trung bình của các HTX nông nghiệp là 1,6 tỷ đồng/năm.

UBND huyện Cao Lãnh phối hợp các sở, ngành tỉnh và địa phương tuyên truyền, bồi dưỡng nâng cao nhận thức cho cán bộ, xã viên, nông dân... về KTTT; giới thiệu các mô hình mới, giúp các mô hình HTX sản xuất thích ứng với biến đổi khí hậu như: SRP, VietGAP, GlobalGAP...; tiếp tục triển khai thực hiện mô hình sử dụng giống lúa chất lượng cao gắn với liên kết tiêu thụ và ứng dụng sạ cụm, sạ hàng, thiết bị bay phun thuốc bảo vệ thực vật tại HTX Nông nghiệp Tân Hội Trung (xã Tân Hội Trung) và HTX Dịch vụ nông nghiệp số 2 Gáo Giồng; hỗ trợ HTX Dịch vụ nông nghiệp Mỹ Long triển khai ứng dụng khoa học kỹ thuật mới vào quy trình sản xuất thông qua Dự án “Liên kết từ cung ứng vật tư, dịch vụ đầu vào, tổ chức sản xuất, thu hoạch, sơ chế và chế biến gắn với tiêu thụ sản phẩm chanh không hạt” với diện tích 98,83 ha/100 hộ.

Bên cạnh đó, huyện hướng dẫn, hỗ trợ các HTX về điều kiện cấp mã số vùng trồng, truy xuất nguồn gốc sản phẩm; tư vấn hỗ trợ xây dựng phương án sản xuất kinh doanh; tư vấn cho HTX tiếp cận vốn từ nguồn hỗ trợ của Nhà nước để phát triển cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất theo hướng sản xuất nông nghiệp hàng hóa quy mô lớn ứng dụng đồng bộ cơ giới hóa theo chuỗi giá trị...; hỗ trợ các HTX ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm trong lĩnh vực nông nghiệp, trong đó tập trung nhóm sản phẩm nông nghiệp được quy hoạch sản xuất theo hướng ứng dụng công nghệ cao, đảm bảo nâng cao giá trị, chất lượng nông sản, chuỗi giá trị nông sản khép kín gắn với phát triển các sản phẩm OCOP, du lịch nông nghiệp, nông thôn, mô hình thích ứng biến đổi khí hậu...

Ông Nguyễn Phương Nam - Giám đốc HTX Nông nghiệp Tân Hội Trung, cho biết: “Thời gian qua, hoạt động của HTX dần đi vào nề nếp và đạt nhiều kết quả. Để đạt được kết quả này, HTX được hỗ trợ xây dựng hệ thống nhà màng canh tác rau an toàn; hỗ trợ thiết bị bay phun thuốc không người lái; hỗ trợ phân, thuốc trong việc sản xuất lúa theo Đề án “Phát triển bền vững 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030”... Từ đó, chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi chuyển biến theo hướng phù hợp, hiệu quả, nâng cao năng suất, chất lượng góp phần làm thay đổi diện mạo, tạo động lực cho nông nghiệp, nông thôn phát triển”.

Ông Huỳnh Thanh Sơn - Phó Chủ tịch UBND huyện Cao Lãnh, chia sẻ: “Thời gian qua, địa phương tập trung thực hiện nhiều giải pháp trọng tâm nên hoạt động KTTT trên địa bàn từng bước ổn định và phát triển. Trong đó, đối với cán bộ quản lý HTX, tổ hợp tác, địa phương quan tâm đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ, đáp ứng yêu cầu quản lý, điều hành; hỗ trợ các đơn vị tập trung xây dựng phương án sản xuất kinh doanh đúng quy định, phù hợp Luật HTX. Địa phương vận dụng linh hoạt các chính sách hỗ trợ để phát triển KTTT, tạo điều kiện cho các đơn vị mở rộng thêm nhiều dịch vụ phục vụ thành viên và khách hàng... Qua đó, các mô hình liên kết sản xuất hiệu quả được triển khai và nhân rộng; ứng dụng quy trình sản xuất an toàn, giảm giá thành...”.

Nâng cao hiệu quả hoạt động KTTT

Định hướng đến năm 2025, huyện Cao Lãnh hỗ trợ tư vấn các HTX củng cố tổ chức, nâng cao năng lực điều hành; phấn đấu 75% HTX có từ 3 - 5 dịch vụ hoạt động hiệu quả, nhằm mang lại lợi ích thiết thực cho thành viên và người dân; thành lập mới 2 HTX nông nghiệp; hỗ trợ 2 HTX có hoạt động sản xuất kinh doanh theo chuỗi giá trị ngành hàng nông sản chủ lực của huyện; tổ chức liên kết từ 3 - 5 HTX nông nghiệp mua chung, dùng chung, bán chung hàng hóa số lượng lớn để giảm giá thành sản phẩm, mang lại lợi ích cho thành viên...

Để thực hiện có hiệu quả, UBND huyện tiếp tục tuyên truyền, phổ biến sâu rộng trong Nhân dân về chỉ thị, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về phát triển KTTT; áp dụng linh hoạt nhiều hình thức thông tin tuyên truyền về mô hình HTX kiểu mới gắn với phát triển chuỗi giá trị sản phẩm, hàng hóa chủ lực, có quy mô lớn; chủ động phối hợp với các viện, trường để đa dạng các hình thức và chuyên ngành đào tạo, bồi dưỡng cho các cán bộ, Ban giám đốc HTX. Huyện cũng tăng cường tổ chức các buổi hội thảo, thông tin chuyên đề về sản xuất, liên kết cung ứng, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp kết hợp mời gọi doanh nghiệp, các kênh phân phối hiện đại liên kết cung ứng hàng hóa vào siêu thị, chuỗi cửa hàng nhằm nâng cao giá trị sản phẩm, gia tăng thu nhập, ổn định đầu ra, đầu vào cho các mô hình KTTT; phổ biến kiến thức về mã số vùng trồng, truy xuất nguồn gốc sản phẩm cho các mô hình KTTT phục vụ xuất khẩu nông sản cho thành viên HTX, người dân trong vùng; hướng dẫn HTX thực hiện đầy đủ các thủ tục thành lập, đăng ký kinh doanh và hoạt động đúng ngành nghề đã đăng ký; xác định rõ nguồn gốc tài sản hình thành, nợ đọng, số lượng thành viên, kết quả góp vốn để tư vấn điều chỉnh, bổ sung Điều lệ của các HTX phù hợp với tình hình thực tế. Địa phương khuyến khích HTX, tổ hợp tác, tổ chức, cá nhân tham gia chương trình tích tụ ruộng đất, tạo vùng sản xuất hàng hóa tập trung quy mô lớn để liên kết theo chuỗi giá trị từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm, trong đó HTX là cầu nối giữa doanh nghiệp với người nông dân và xây dựng các mô hình điểm, có hiệu quả kinh tế để người dân học tập, nhân rộng...

Ông Huỳnh Thanh Sơn - Phó Chủ tịch UBND huyện Cao Lãnh cho biết thêm: “Thời gian tới, địa phương tiếp tục hỗ trợ quảng bá, giới thiệu sản phẩm của HTX tại các hội chợ thương mại, hội chợ nông nghiệp xanh...; hỗ trợ các đơn vị dự báo và cung cấp thông tin kinh tế, thị trường trong và ngoài nước trên các phương tiện thông tin để các tổ chức kinh tế hợp tác nắm bắt kịp thời phục vụ sản xuất, kinh doanh; hỗ trợ, khuyến khích các HTX ứng dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật, sử dụng giống cây trồng, vật nuôi chất lượng cao vào sản xuất để giảm chi phí sản xuất, nâng cao chất lượng nông sản, đáp ứng nhu cầu xuất khẩu. Đồng thời phát triển KTTT bám sát Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới và tái cơ cấu ngành nông nghiệp và Chương trình OCOP; tiếp tục thực hiện chính sách hỗ trợ lao động trẻ tốt nghiệp đại học, cao đẳng làm việc có thời hạn ở HTX nông nghiệp trên địa bàn...”.

Nhật Nam

Nguồn Đồng Tháp: https://baodongthap.vn/kinh-te/huyen-cao-lanh-phat-huy-tot-vai-tro-cac-loai-hinh-kinh-te-tap-the-125288.aspx
Zalo