Huyện An Dương phát huy khối đại đoàn kết toàn dân
Mỗi năm, bắt đầu từ tháng 9, huyện An Dương, TP Hải Phòng trở thành một 'đại công trường' thi công hàng trăm công trình, dự án để xây dựng nông thôn mới (NTM) kiểu mẫu tại các xã. Phóng viên Báo PLVN có cuộc trao đổi với ông Lê Văn Cường, Phó Chủ tịch UBND huyện An Dương về định hướng của địa phương trong quá trình xây dựng NTM kiểu mẫu và hoàn thành các tiêu chí đô thị để trở thành đơn vị hành chính quận.
Xin ông cho biết kết quả nổi bật nhất mà huyện An Dương đã đạt được trong quá trình xây dựng NTM kiểu mẫu 2021 - 2023?
- Huyện An Dương xác định xây dựng NTM kiểu mẫu là nhiệm vụ chính trị trọng tâm, thường xuyên của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân. Chúng tôi đặt ra quyết tâm cao nhất để hoàn thành mục tiêu: “Đến năm 2025, huyện An Dương có 100% xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu, hoàn thành mục tiêu xây dựng NTM của huyện, đồng thời hoàn thành các tiêu chí đô thị để trở thành đơn vị hành chính quận”.
Thành công lớn nhất của huyện An Dương là đã vận động trên 5.000 hộ dân (bình quân 454 hộ/1 xã) hiến tặng 84.887m2 đất, trong đó: đất ở 52.082m2, đất nông nghiệp và đất hành lang 32.804m2. Ước tính số tiền các hộ dân hiến tặng đất tương đương khoảng trên 550 tỷ đồng.
Trong giai đoạn 2021 - 2023, tổng số công trình đầu tư bằng nguồn vốn trực tiếp xây dựng NTM của TP và huyện là 158 công trình gồm đường giao thông, điện chiếu sáng, trường học và nhà văn hóa. Tổng kinh phí thực hiện các dự án công trình là 1.881 tỷ đồng, trong đó, ngân sách TP bố trí 1.676 tỷ đồng; ngân sách huyện bố trí 205 tỷ đồng.
Được đầu tư xây dựng NTM kiểu mẫu, An Dương đã thực sự “thay da, đổi thịt”. Đường trục xã và đường liên xã được đầu tư mặt đường nhựa rộng tối thiểu 9m; đường liên thôn mặt đường nhựa rộng tối thiểu 7m; đường trục thôn mặt đường nhựa, bê tông rộng tối thiểu 5,5m. Các tuyến đường đều có rãnh thoát nước, điện chiếu sáng khu dân cư, cây xanh, biển báo chỉ dẫn giao thông, đảm bảo sáng - xanh - sạch - đẹp.
Trên 20 công trình trường học được đầu tư xây dựng, với tổng kinh phí khoảng trên 200 tỷ đồng. 100% trường học các cấp đạt tiêu chuẩn cơ sở vật chất mức độ 1 và có ít nhất 01 trường đạt tiêu chuẩn cơ sở vật chất mức độ 2. Trên 30 công trình nhà văn hóa được đầu tư xây dựng, với tổng kinh phí khoảng trên 45 tỷ đồng bằng nguồn ngân sách của huyện và nguồn xã hội hóa.
Với mục tiêu nâng cao chất lượng nguồn nước sông Rế, giai đoạn 2022 - 2023, huyện An Dương được đầu tư 06 hạng mục công trình, với tổng kinh phí thực hiện 92,26 tỷ đồng bằng nguồn vốn TP, đến nay công trình đã hoàn thành trên 90% khối lượng. Giai đoạn 2022 - 2024, địa phương tiếp tục đầu tư 06 dự án công trình xử lý các điểm xả thải bảo vệ nguồn nước sông Rế bằng nguồn vốn đầu tư công của huyện, với tổng kinh phí thực hiện trên 75 tỷ đồng. Đến nay 04 công trình đã được triển khai và hoàn thành đưa vào sử dụng phát huy hiệu quả.
An Dương là một trong các địa phương đẩy mạnh công tác chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất lúa kém hiệu quả sang cây trồng khác có giá trị kinh tế cao, với tổng diện tích chuyển đổi đạt trên 200ha. Tổng diện tích hoa cây cảnh đạt trên 600ha.
Đến hết năm 2022, huyện có 26 sản phẩm OCOP đã được TP công nhận đạt tiêu chuẩn 3 sao, 4 sao. Năm 2023 dự kiến sẽ có thêm 15 sản phẩm OCOP, nâng tổng số sản phẩm OCOP của địa phương là 41 sản phẩm.
Được đánh giá là địa phương đi đầu tiến độ toàn TP trong quá trình xây dựng NTM kiểu mẫu, xin ông chia sẻ về những “cách làm riêng” của An Dương để “về đích” sớm trên chặng đường xây dựng NTM?
- Với những kết quả đã đạt được, chúng tôi nhận thấy rằng điều cốt lõi nhất để thành công trong quá trình xây dựng NTM kiểu mẫu là: Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân huyện An Dương đã phát huy khối đại đoàn kết, thực hiện tốt quy chế dân chủ cơ sở, tạo sự đồng thuận và hưởng ứng tích cực của Nhân dân, phát huy sức mạnh của cả hệ thống chính trị trong thực hiện nhiệm vụ.
Trong lãnh đạo, chỉ đạo, cấp ủy từ huyện đến cơ sở thể hiện tính bao quát, toàn diện trên các lĩnh vực, đồng thời tập trung vào các vấn đề trọng tâm, trọng điểm, những vấn đề cấp thiết trong từng giai đoạn để tập trung nguồn lực và triển khai thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ, chỉ tiêu kế hoạch đề ra.
Chúng tôi luôn đề cao chủ thể của quá trình xây dựng NTM chính là: “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra và dân thụ hưởng”, đồng thời tập trung xây dựng các mô hình điểm, tiêu biểu, cách làm hay, nêu gương người tốt, việc tốt để tuyên truyền và nhân rộng. Thực tiễn cho thấy, ở nơi nào các cấp ủy Đảng, chính quyền và tổ chức đoàn thể tích cực quan tâm chỉ đạo, tâm huyết, sâu sát, quyết liệt, có cách làm năng động, sáng tạo, cán bộ, đảng viên gương mẫu, nhân dân nhiệt tình ủng hộ thì nơi đó có phong trào mạnh và đạt kết quả cao.
Xin ông chia sẻ những khó khăn, tồn tại đang gặp phải trong quá trình xây dựng NTM kiểu mẫu?
- Do yếu tố tâm lý của người dân khi nắm bắt thông tin huyện An Dương sẽ chuyển đổi thành đơn vị hành chính quận trước năm 2025 nên giá đất trên địa bàn tăng lên nhiều lần so với trước khi triển khai xây dựng NTM kiểu mẫu. Không chỉ vậy, trong quá trình xây dựng NTM giai đoạn trước đây, tại một số tuyến đường, nhân dân đã tự nguyện hiến đất 2 - 3 lần nên khi mở rộng các tuyến đường theo tiêu chí NTM kiểu mẫu, công tác vận động cũng gặp những khó khăn nhất định.
Trong công tác giải phóng mặt bằng triển khai thi công các tuyến đường giao thông, một số hộ dân còn kiến nghị về kinh phí hỗ trợ vật kiến trúc thấp không đủ để xây dựng lại công trình.
Một số chỉ tiêu xây dựng NTM cần có thời gian, lộ trình để thực hiện hoàn thành như: Tiêu chí về môi trường, tiêu chí về tổ chức sản xuất và phát triển nông thôn...
Thời gian tới, địa phương đưa ra những giải pháp gì để xây dựng NTM kiểu mẫu bảo đảm kế hoạch đã đề ra?
- Năm 2023, huyện tổ chức triển khai 04 dự án đầu tư xây dựng tại 04 xã với tổng số 91 công trình. Đến hết tháng 6/2023, UBND huyện đã phê duyệt dự án và bố trí vốn cho dự án, tổ chức đấu thầu lựa chọn nhà thầu. Dự kiến, đến tháng 01/2024 sẽ cơ bản hoàn thành các dự án công trình đưa vào sử dụng bảo đảm kế hoạch, tiến độ đề ra.
Việc thực hiện xây dựng NTM kiểu mẫu theo quy hoạch NTM đã được phê duyệt gắn với nhiệm vụ xây dựng quy hoạch đô thị tỷ lệ 1/2.000 huyện An Dương, chương trình phát triển đô thị huyện An Dương và Đề án nâng loại đô thị huyện theo Nghị quyết, Chương trình của Thành ủy, HĐND, UBND TP về Đề án xây dựng đơn vị hành chính quận tại huyện An Dương.
Huyện An Dương sẽ tăng cường các giải pháp huy động nguồn lực xây dựng NTM kiểu mẫu, cơ cấu lại ngành nông nghiệp, phát triển nông nghiệp theo hướng đô thị, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch; thực hiện hiệu quả Chương trình OCOP, đồng thời đẩy mạnh phát triển mạnh tiểu thủ công nghiệp và dịch vụ; phát triển dịch vụ, du lịch nông thôn, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân nông thôn.
Ngoài ra, An Dương cũng đẩy mạnh và nâng cao chất lượng các dịch vụ hành chính công, tăng cường ứng dụng CNTT, công nghệ số, xây dựng NTM thông minh...
Trân trọng cảm ơn ông!
Năm 2020, huyện An Dương được TP lựa chọn 01 xã thí điểm xây dựng NTM kiểu mẫu: xã Đồng Thái. Năm 2021, huyện triển khai xây dựng NTM kiểu mẫu tại 03 xã: Quốc Tuấn, Đặng Cương, An Hòa. Năm 2022, huyện tiếp tục triển khai tại 04 xã: An Hồng, Hồng Thái, Lê Thiện, Hồng Phong; năm 2023 triển khai tại 04 xã: An Hưng, Đại Bản, Tân Tiến, Bắc Sơn.
Đến hết tháng 6/2023, huyện có 100% số xã đạt chuẩn NTM; 04 xã đạt chuẩn xã NTM nâng cao; 04 xã đạt chuẩn xã NTM kiểu mẫu; huyện đã được Thủ tướng Chính phủ công nhận huyện đạt chuẩn NTM năm 2020. Dự kiến đến hết năm 2023, huyện sẽ có 8/15 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu.