Huy động xã hội hóa xóa nhà tạm, nhà dột nát

Nhằm huy động hiệu quả các nguồn lực xã hội hóa, cùng với nguồn lực của Nhà nước để xóa nhà tạm, nhà dột nát, các địa phương trên địa bàn tỉnh đã và đang kêu gọi sự ủng hộ từ cộng đồng để góp phần xóa hơn 1.600 nhà tạm, nhà dột nát trong năm 2025 như kế hoạch tỉnh đề ra.

Đa dạng hóa nguồn lực để về đích sớm

Thành ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ TP Tuy Hòa vừa tổ chức lễ phát động chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát năm 2025. Tại lễ phát động, Chủ tịch UBND TP Tuy Hòa Cao Đình Huy đã kêu gọi các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, nhà hảo tâm trong và ngoài thành phố, với trách nhiệm xã hội và tấm lòng nhân ái, chung tay ủng hộ chương trình, đóng góp tài chính, vật liệu xây dựng hoặc hỗ trợ ngày công để giúp các hộ khó khăn có được mái ấm kiên cố, an toàn.

Mỗi cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, LLVT và toàn thể Nhân dân thành phố tích cực hưởng ứng phong trào với tinh thần “Mỗi người góp một chút, cả cộng đồng sẽ làm được nhiều điều lớn lao”.

Lãnh đạo TP Tuy Hòa và các phòng, ban quyên góp, ủng hộ chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát năm 2025. Ảnh: THÚY HẰNG

Lãnh đạo TP Tuy Hòa và các phòng, ban quyên góp, ủng hộ chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát năm 2025. Ảnh: THÚY HẰNG

Ngay tại lễ phát động, lãnh đạo thành phố, các phòng, ban, trung tâm và các phường, xã đã trực tiếp quyên góp, ủng hộ chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát năm 2025 với tổng số tiền gần 550 triệu đồng.

Ông Phạm Hiểu, Chủ tịch Ủy ban MTTQ TP Tuy Hòa cho biết: TP Tuy Hòa có 28 nhà tạm, nhà dột nát cần hỗ trợ xây dựng trong năm 2025. Trong đó, hộ nghèo, hộ cận nghèo cần xây dựng mới 18 nhà, sửa chữa 2 nhà; hộ chính sách người có công cần xây dựng mới 6 nhà và sửa chữa 2 nhà. TP Tuy Hòa đặt mục tiêu xóa 100% nhà tạm, nhà dột nát cho hộ nghèo, cận nghèo và gia đình chính sách gặp khó khăn trước ngày 30/6/2025.

Do đó, bên cạnh nguồn kinh phí hỗ trợ theo quy định là 60 triệu đồng đối với nhà xây dựng mới và 30 triệu đồng đối với nhà sửa chữa, từ nguồn vận động, xã hội hóa trên địa bàn, TP Tuy Hòa hỗ trợ thêm cho các hộ nghèo, hộ cận nghèo, người có công xây dựng nhà mới là 40 triệu đồng/nhà, nâng tổng số tiền lên 100 triệu đồng; nhà sửa chữa là 20 triệu đồng/nhà, nâng tổng số tiền lên 50 triệu đồng/nhà.

Ngoài số kinh phí được hỗ trợ, ủy ban MTTQ các phường, xã báo cáo cấp ủy, phối hợp với chính quyền và các tổ chức chính trị - xã hội cùng cấp tuyên truyền, vận động thêm các nguồn lực đối ứng của gia đình, hỗ trợ của cộng đồng và nguồn hỗ trợ hợp pháp khác (hỗ trợ đối ứng ngày công tối thiểu 20% tổng nguồn kinh phí xây dựng), kết hợp cùng nguồn kinh phí hỗ trợ để xây dựng mỗi căn nhà đảm bảo tiêu chí nền - móng cứng, khung - tường cứng, mái cứng.

Đồng Xuân là địa phương có nhu cầu xóa nhà tạm, nhà dột nát nhiều nhất tỉnh với 465 nhà. Toàn huyện phấn đấu đến ngày 31/8/2025, hoàn thành 100% việc xóa nhà tạm, nhà dột nát. Để hoàn thành mục tiêu này, huyện Đồng Xuân cũng đã tổ chức lễ phát động thực hiện phong trào thi đua “Chung tay xóa nhà tạm, nhà dột nát năm 2025” trên địa bàn huyện.

Phó Chủ tịch thường trực UBND huyện Đồng Xuân Trần Quốc Huy chia sẻ: Phần lớn các hộ gia đình được hỗ trợ xây dựng nhà là hộ nghèo, cận nghèo, vốn đối ứng hạn chế. Để hỗ trợ bà con, huyện đã phát động phong trào thi đua kêu gọi các cấp, ngành, LLVT, cộng đồng doanh nghiệp, các nhà hảo tâm, cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và toàn thể Nhân dân trong huyện phát huy truyền thống quê hương Đồng Xuân anh hùng, truyền thống đại đoàn kết của dân tộc, bằng hành động cụ thể, thiết thực, chung tay triển khai thực hiện thắng lợi phong trào thi đua xóa nhà tạm, nhà dột nát với phương châm: “Ai có gì góp nấy, ai có công góp công, ai có của góp của, ai có nhiều góp nhiều, ai có ít góp ít”.

Ngay sau lễ phát động, 47 tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp, các cơ quan, đơn vị đã đóng góp ủng hộ số tiền hơn 837 triệu đồng để chung tay xóa nhà tạm, nhà dột nát trên địa bàn huyện.

Để tạo không khí thi đua sôi nổi và triển khai thực hiện có hiệu quả chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát, hiện các huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh tập trung triển khai đồng bộ, quyết liệt việc hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo, hộ cận nghèo, gia đình chính sách.

Đồng thời có thư ngỏ kêu gọi mọi người dân, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân… góp sức, tạo sự đồng thuận xã hội và cộng đồng trách nhiệm trong chăm lo cho đời sống vật chất, tinh thần của người dân, nhất là người nghèo, người yếu thế, người có hoàn cảnh khó khăn, người bị tác động bởi thiên tai, biến đổi khí hậu, cùng chung tay ủng hộ với tinh thần “không để ai bị bỏ lại phía sau”.

Nhân lên tinh thần đoàn kết, tương thân tương ái

“Ai có gì góp nấy, ai có công góp công, ai có của góp của, ai có nhiều góp nhiều, ai có ít góp ít” - đây là lời kêu gọi của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính khi phát động phong trào thi đua chung tay xóa nhà tạm, nhà dột nát trên phạm vi cả nước năm 2025.

Đoàn viên, hội viên các LLVT và hội đoàn thể huyện Phú Hòa hỗ trợ ngày công tháo dỡ nhà tạm để xây dựng nhà mới cho một hộ nghèo ở buôn Hố Hầm, xã Hòa Hội. Ảnh: CTV

Đoàn viên, hội viên các LLVT và hội đoàn thể huyện Phú Hòa hỗ trợ ngày công tháo dỡ nhà tạm để xây dựng nhà mới cho một hộ nghèo ở buôn Hố Hầm, xã Hòa Hội. Ảnh: CTV

Thực hiện lời kêu gọi này, các địa phương trên địa bàn tỉnh đã thành lập ban chỉ đạo, phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng thành viên; đồng thời xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện, đẩy mạnh tuyên truyền, vận động các tổ chức, cá nhân, cộng đồng doanh nghiệp và các tầng lớp nhân dân đồng thuận, đồng hành cùng cấp ủy, chính quyền thực hiện chủ trương lớn của trung ương và của tỉnh.

Ông Trần Minh Hoàng, Chủ tịch Hội Doanh nghiệp TP Tuy Hòa thay mặt hội này đã trao bảng tượng trưng ủng hộ 250 triệu đồng góp sức cùng thành phố xóa nhà tạm, nhà dột nát, chia sẻ: Đoàn kết, tương trợ giúp đỡ lẫn nhau là truyền thống cực kỳ quý báu của dân tộc ta được các thế hệ gìn giữ, bồi đắp từ đời này qua đời khác.

Tinh thần “lá lành đùm lá rách”, đùm bọc, sẻ chia, giúp đỡ người nghèo, người gặp thiên tai, hoạn nạn đã trở thành nét đẹp văn hóa luôn được các thành viên của hội lan tỏa. Hy vọng với sự góp sức này, TP Tuy Hòa và tỉnh nhà sẽ hoàn thành xóa nhà tạm, nhà đột nát trong năm nay, qua đó khích lệ các tầng lớp nhân dân, nhất là người có công, hộ nghèo, hộ cận nghèo có nơi ở ổn định, vươn lên trong cuộc sống.

Mục tiêu của chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát là để tất cả người dân có thể sống trong những ngôi nhà đảm bảo tiêu chí nền - móng cứng, khung - tường cứng, mái cứng. Đây là một khát vọng đẹp và đầy thách thức, chỉ có thể đạt được khi có sự chung tay, góp sức của toàn xã hội.

Đồng chí Đào Mỹ, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Phó Trưởng ban chỉ đạo xóa nhà tạm, nhà dột nát tỉnh

Đa dạng hóa nguồn lực thực hiện chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát theo hướng toàn dân, toàn diện, rộng khắp, bao trùm, huy động tối đa mọi nguồn lực từ xã hội, cùng với nguồn lực của Nhà nước để hỗ trợ xây dựng nhà ở cho các hộ gia đình là rất thiết thực.

“Với hơn 1.600 nhà tạm, nhà dột nát cần xóa trong năm nay, nguồn lực cần huy động là tương đối lớn, cần tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, nhấn mạnh ý nghĩa nhân văn của chương trình, kêu gọi sự đóng góp của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài tỉnh. Đặc biệt là tạo sự đồng thuận của xã hội để mọi người chia sẻ cùng chung tay hỗ trợ “không để ai bị bỏ lại phía sau”. Ban chỉ đạo các cấp thường xuyên kiểm tra, giám sát việc thực hiện, bảo đảm tuân thủ đúng quy định, đáp ứng yêu cầu của nhà tài trợ và giữ vững tính công khai, minh bạch, tránh các tiêu cực phát sinh. Tăng cường công tác giám sát, quản lý địa bàn, chủ động, phối hợp chặt chẽ với các cơ quan liên quan tạo điều kiện tối đa để đẩy nhanh tiến độ hoàn thành việc xây dựng, sửa chữa nhà ở cho các đối tượng thuộc chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát trên địa bàn tỉnh”, đồng chí Đào Mỹ, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Phó Trưởng ban chỉ đạo xóa nhà tạm, nhà dột nát tỉnh nhấn mạnh.

THÚY HẰNG

Nguồn Phú Yên: https://baophuyen.vn/chinh-tri/202504/huy-dong-xa-hoi-hoa-xoa-nha-tam-nha-dot-nat-da508bc/
Zalo