Huy động tối đa các nguồn lực để xóa nhà tạm, nhà dột nát
Đến nay, cả nước còn khoảng 315.000 hộ khó khăn về nhà ở (bao gồm các đối tượng: Người có công, hộ nghèo, hộ cận nghèo...) cần được hỗ trợ cải thiện nhà ở bảo đảm an toàn, ổn định để 'an cư lạc nghiệp'. Nhằm hoàn thành mục tiêu xóa nhà tạm, nhà dột nát, bên cạnh việc triển khai quyết liệt của các cấp, các ngành từ Trung ương đến địa phương thì cần thêm nhiều nguồn lực từ doanh nghiệp, nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) hay từ cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài.
Đảng và Nhà nước ta luôn coi trọng việc chăm lo, giải quyết vấn đề nhà ở cho nhân dân. Đây là một trong những trọng tâm về chính sách an sinh xã hội và chiến lược giảm nghèo bền vững. Chính sách này không chỉ góp phần cải thiện chất lượng sống của người dân mà còn tạo tiền đề cho sự phát triển toàn diện về kinh tế, văn hóa và xã hội.
Trong giai đoạn vừa qua, nhiều cơ chế, chính sách, chương trình hỗ trợ nhà ở, nhất là nhà ở cho người có công với cách mạng, hộ nghèo, hộ cận nghèo khu vực nông thôn, miền núi, đồng bào dân tộc thiểu số đã được ban hành như: Chương trình phát động hỗ trợ xóa nhà tạm, nhà dột nát trên phạm vi cả nước với chủ đề “Mái ấm cho đồng bào tôi”, Chỉ thị số 42/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc đẩy nhanh triển khai xóa nhà tạm, nhà dột nát trên địa bàn cả nước... Các chính sách trên đã giúp khoảng 340.000 hộ có công với cách mạng và hơn 800.000 hộ nghèo, hộ cận nghèo khó khăn về nhà ở có chỗ ở ổn định, an toàn, vươn lên thoát nghèo bền vững.
Tuy nhiên, đến nay, cả nước còn khoảng 315.000 hộ khó khăn về nhà ở (bao gồm các đối tượng: Người có công, hộ nghèo, hộ cận nghèo...) cần được hỗ trợ. TS Nguyễn Viết Chức, Phó chủ nhiệm Hội đồng tư vấn về văn hóa-xã hội (Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam) cho rằng, thời gian tới, khi nước ta bước vào kỷ nguyên mới-kỷ nguyên vươn mình của dân tộc thì người dân không thể sống trong những ngôi nhà dột nát. Do đó, Nhà nước cần quan tâm ưu tiên bố trí nguồn lực, chỉ đạo triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp từ hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng, phát triển kinh tế-xã hội, nâng cao mức sống của người dân.
Thủ tướng Chính phủ đã đưa ra quyết tâm để xóa nhà tạm, nhà dột nát trong năm 2025 với chiến dịch 450 ngày đêm cao điểm cả nước chung tay xóa nhà tạm, nhà dột nát. Theo đó, trong năm 2025, chúng ta phải hoàn thành 3 nhiệm vụ: Hỗ trợ nhà ở cho người có công khó khăn về nhà ở (khoảng 200.000 căn) do ngân sách nhà nước bảo đảm; hỗ trợ nhà ở cho người dân theo các chương trình mục tiêu quốc gia (khoảng 88.000 căn nhà); xóa nhà tạm, nhà dột nát cho người dân. “Để làm được điều này đòi hỏi một nguồn lực tài chính và nhân lực rất lớn. Tuy nhiên, khi ý Đảng hợp với lòng dân thì khó khăn mấy cũng vượt qua, khó đến mấy cũng làm thì chúng ta sẽ có một năm 2025 trọn vẹn”, TS Nguyễn Viết Chức tin tưởng.
Nhấn mạnh vai trò của người đứng đầu các cấp, TS Nguyễn Viết Chức giải thích, trong xã hội hiện nay, vai trò của người đứng đầu các cấp rất quan trọng. Bởi người đứng đầu cấp nào cũng phải chịu trách nhiệm trong mọi công việc. Trong xóa nhà tạm, nhà dột nát thì người đứng đầu địa phương, thậm chí cấp cơ sở, cấp xã, thôn, bản cũng phải phát huy vai trò của mình. Cụ thể là phát huy vai trò chủ động của người đứng đầu chứ không phải chờ Nhà nước đầu tư, chờ doanh nghiệp hỗ trợ mà phải chủ động trong mọi việc. Người đứng đầu phải chủ động thống kê, tìm hiểu kỹ hoàn cảnh, kinh tế, văn hóa, gia đình của những hộ khó khăn trước khi tiếp nhận sự giúp đỡ. Chủ động tốt nhất, hiệu quả nhất nguồn lực kinh tế, vật chất, tinh thần để xóa nhà tạm, nhà dột nát cho người dân; lên phương án, rà soát, không để đến khi tiền đến mới vội vàng triển khai gấp gáp. Đặc biệt, người đứng đầu cần công khai, minh bạch các nguồn lực trong xóa nhà tạm, nhà dột nát.
Nói về các nguồn lực trong xóa nhà tạm, nhà dột nát, TS Nguyễn Minh Phong, nguyên Trưởng phòng Nghiên cứu kinh tế, Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế-xã hội Hà Nội cho rằng, Việt Nam cần đa dạng hóa nguồn lực để xóa nhà tạm, nhà dột nát. Xây nhà cần nhiều nguồn lực như: Đất, tài chính, công sức, kinh nghiệm, ngân sách Trung ương, ngân sách địa phương, doanh nghiệp, nguồn vốn FDI, cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài... Bên cạnh đó, Nhà nước cần có cơ chế tuyên truyền, công khai, minh bạch, từ đó khơi gợi tinh thần “bầu ơi thương lấy bí cùng”, kết nối tình cảm cộng đồng mạnh mẽ. Đặc biệt, chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát không làm tự phát mà phải có quy hoạch, có định hướng cụ thể, phân cấp rõ ràng, có quy trình, có đánh giá, có tôn vinh, khen thưởng các tổ chức, cá nhân tham gia đóng góp. Từ đó thành lập các ban chỉ đạo xã hội hóa các nguồn lực, các cơ quan chức năng cũng nên có các tiêu chuẩn cụ thể về nhà xây mới.
Ngoài ra, để việc xóa nhà tạm, nhà dột nát được hiệu quả, cơ quan chức năng cần nghiên cứu, chuẩn hóa nhà xây mới ở từng khu vực, chất lượng công trình. Khuyến khích thành lập những tài khoản điện tử công khai quy mô đóng góp, người đóng góp, tổ chức uy tín có thể mở tài khoản để nhận đóng góp cùng xóa nhà tạm, nhà dột nát. Doanh nghiệp tham gia chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát nên được miễn trừ các loại thuế, được miễn giảm tối đa để các hoạt động này được nhân rộng. Như vậy, nguồn vốn sẽ không thiếu, hỗ trợ được các đối tượng có nhu cầu.