Huy động đội chó nghiệp vụ tìm công nhân thủy điện mất tích
Quảng Ngãi huy động đội chó nghiệp vụ và nổ mìn phá đá mở rộng phạm vi tìm kiếm anh Nguyễn Văn Nam - công nhân Nhà máy Thủy điện Kà Tinh mất tích sau hai ngày núi lở.
Sau hai ngày đêm xảy ra vụ lở núi vùi lấp Nhà máy Thủy điện Kà Tinh (xã Trà Lâm, huyện Trà Bồng, tỉnh Quảng Ngãi), đến trưa 12/10, lực lượng cứu hộ vẫn chưa thể tìm thấy nạn nhân mất tích.
Trao đổi với Zing, ông Đặng Minh Thảo, Bí thư Huyện ủy huyện Trà Bồng (Quảng Ngãi), cho biết địa phương đã kiến nghị Công an tỉnh huy động đội cảnh khuyển (chó nghiệp vụ) tham gia tìm kiếm nạn nhân mất tích trong vụ núi lở vùi lấp Nhà máy Thủy điện Kà Tinh.
Cùng ngày, lực lượng công binh, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh cũng nổ mìn phá đá mở rộng phạm vi tìm kiếm anh Nguyễn Văn Nam, công nhân Nhà máy Thủy điện Kà Tinh. Đơn vị này cũng đã điều động các phương tiện, thiết bị cùng hàng chục cán bộ, chiến sĩ đến hiện trường tìm kiếm nạn nhân mất tích và tham gia giải tỏa điểm sạt lở núi.
Hiện phương tiện cơ giới vẫn chưa giải tỏa hết hàng nghìn khối đất, đá tại khu vực sạt lở núi nơi đây. Suốt hai ngày qua, hơn 20.000 người dân ở các xã phía tây Trà Bồng vẫn chưa thoát cảnh cô lập hoàn toàn trong những ngày mưa lũ.
Ngày 11/10, kiểm tra hiện trường, ông Đặng Văn Minh, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi yêu cầu các ngành, địa phương tăng cường phương tiện, nhân lực tập trung khắc phục điểm sạt lở núi và tìm kiếm nạn nhân mất tích.
"Cơ quan chức năng cần tính toán phương án tiếp cận hiện trường sớm nhất nhưng phải đảm bảo tuyệt đối an toàn cho lực lượng tham gia cứu hộ, cứu nạn", ông Minh lưu ý.
Trước đó, chiều ngày 10/10, núi liên tục sạt lở khiến anh Nguyễn Văn Nam, nhân viên trực phòng chống thiên tai cho nhà máy thủy điện Kà Tinh, mất tích. 5 người khác cùng tổ trực ở trụ sở văn phòng, cách điểm lở núi 100 m nên may mắn thoát nạn.
Theo Đài Khí tượng thủy văn Quảng Ngãi, do ảnh hưởng của hoàn lưu áp thấp nhiệt đới kết hợp không khí lạnh và gió Đông hoạt động mạnh gây mưa lớn từ ngày 13 đến 15/10. Theo đó, huyện Sơn Tây, Sơn Hà phổ biến 200-350 mm, có nơi trên 400 mm.
Mưa lớn có khả năng gây ra lũ, lũ ống, lũ quét ven các sông suối nhỏ; sạt lở, trượt lở đất ở các huyện miền núi: Trà Bồng, Ba Tơ, Sơn Tây, Sơn Hà, Minh Long. Thời tiết cực đoan có nguy cơ gây ra lũ lụt ở vùng hạ du các sông; ngập lụt, ngập úng ở các huyện: Nghĩa Hành, Tư Nghĩa, TP Quảng Ngãi...