Hút thuốc lá hại sức khỏe, bỏ càng sớm càng tốt

Hút thuốc lá không có cái gọi là 'ngưỡng an toàn'. Thuốc lá, xì gà, thuốc tẩu, thuốc lào… đều chứa nhiều chất hóa học độc hại, gây hại sức khỏe cho người hút, người xung quanh.

Độc hại như nhau

Một điếu thuốc lá có chứa từ 0,8 - 1g thuốc lá, bao gồm 10 - 20 mg nicotine và rất nhiều chất hóa học; kể cả các chất mà nhà sản xuất thêm vào trong quá trình xử lý thuốc lá để tạo mùi thơm cho thuốc lá, chất độc trong lá cây thuốc lá tạo thành khi trồng thuốc lá như thuốc trừ sâu, thạch tín, cadmium... Khói thuốc lá chứa hơn 7.000 chất hóa học, trong đó có khoảng 69 chất gây ung thư.

Thuốc lá vấn có hàm lượng nicotine và hắc ín nhiều gấp 3 - 6 lần so với thuốc lá điếu công nghiệp có cùng trọng lượng. Như vậy có thể nói thuốc lá vấn độc hại hơn thuốc lá điếu công nghiệp. Còn điếu xì gà khác với điếu thuốc lá ở chỗ kích thước lớn hơn và được bọc ở ngoài bằng chính lá của cây thuốc lá chứ không phải bằng giấy như trong điếu thuốc lá. Hút xì gà nguy hiểm hơn hút thuốc lá điếu. Bởi lượng nicotine trong 1 điếu xì gà nhiều gấp 10 lần, amoniac nhiều gấp 20 lần, kim loại cadmium nhiều gấp 10 lần trong 1 điếu thuốc lá. Thuốc lá trong điếu xì gà cũng có nhiều hơn nitrate, là tiền chất của một chất sinh ung thư rất mạnh là N-nitrosamines.

Cai thuốc càng sớm càng tốt.

Cai thuốc càng sớm càng tốt.

Người hút tẩu hút “nông” hơn nhưng “nhặt” hơn sao cho phần thuốc ở đầu ống không bị tàn đi. Các chất sinh ung thư trong khói thuốc lá tiếp xúc nhiều, lâu với niêm mạc vùng họng và miệng hơn là đi sâu vào trong phổi do vậy gây ung thư vòm hầu và miệng nhiều hơn. Khói thuốc lào qua nước trước khi vào cơ thể. Hàm lượng hắc ín trong khói thuốc lào thấp hơn trong khói thuốc lá điếu. Tuy nhiên, quá trình cháy của thuốc lào xảy ra ở môi trường ít oxy hơn vì thế lượng oxyde carbon (CO) lại cao hơn dễ gây ngộ độc CO hơn.

Cai thuốc càng sớm càng tốt

Nghiên cứu đăng trên tạp chí chuyên ngành của Hoa Kỳ năm 2002 (Tobacco Control) cho thấy người ta có thể trở nên nghiện thuốc lá với chỉ hút 2 điếu trong 1 tuần. Thanh thiếu niên trở nên nghiện nhanh vì bộ não đang trong giai đoạn trưởng thành, dễ bị tác động hơn so với người trưởng thành. Hút thuốc lá càng sớm thì nguy cơ trở nên nghiện càng cao và phái nữ dễ nghiện hơn phái nam.

Theo các chuyên gia, hút thuốc lá cho dù chỉ là hút vài điếu mỗi ngày, hoặc lâu lâu mới hút một lần cũng đều có hại cho sức khỏe. Như vậy, hút thuốc lá không có cái gọi là “ngưỡng an toàn”. Nghĩa là không có một mốc mà hút dưới mốc đó thì an toàn cho sức khỏe. Nghiện thuốc lá khởi phát rất nhanh và không lệ thuộc vào thời gian hay số lượng điếu thuốc lá hút nhiều hay ít. Hay nói cách khác, trong nghiện thuốc lá, yếu tố nội tại có tầm quan trọng đặc biệt.

Tuy nhiên, do cơ thể mỗi người khác nhau nên tác hại của thuốc lá trên mỗi người cũng ở nhiều mức độ khác nhau. Một số người hút thuốc lá bị tác hại do thuốc lá như ung thư phổi, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính rất sớm. Một số người khác xuất hiện bệnh chậm hơn, thậm chí có một số người hút thuốc lá 30 - 40 năm rồi mà cũng chưa xuất hiện các bệnh nặng do tác hại của thuốc lá. Vấn đề là không có cách nào để biết được ai là người nhạy cảm với thuốc lá, sẽ sớm bị tác hại do thuốc lá. Ai là người ít nhạy cảm với thuốc lá sẽ chậm bị tác hại do thuốc lá. Vì thế, các chuyên gia, bác sĩ khuyến cáo người hút thuốc lá hãy cai thuốc lá càng sớm càng tốt.

TRANG MINH

Nguồn Bình Thuận: https://baobinhthuan.com.vn/hut-thuoc-la-hai-suc-khoe-bo-cang-som-cang-tot-122905.html
Zalo