'Hút' khách đi xe buýt - Bằng cách nào?

Hệ thống hạ tầng xe buýt của thành phố Hà Nội còn đang tồn tại một số bất cập, chưa tạo được điểm nhấn về mỹ quan đô thị. Trong giai đoạn tới, thành phố sẽ tăng cường đầu tư, cải tạo hạ tầng để ngày càng thu hút người dân sử dụng dịch vụ vận tải hành khách công cộng.

Chưa đáp ứng được yêu cầu

Hành khách sử dụng dịch vụ xe buýt tại Trạm trung chuyển Long Biên (quận Ba Đình). Ảnh: Quang Thái

Hành khách sử dụng dịch vụ xe buýt tại Trạm trung chuyển Long Biên (quận Ba Đình). Ảnh: Quang Thái

Theo thống kê của Trung tâm Quản lý và điều hành giao thông thành phố Hà Nội, hệ thống hạ tầng xe buýt trên địa bàn thành phố có trên 4.800 điểm dừng, 350 nhà chờ, 5 điểm trung chuyển, 130 điểm đầu cuối.

Theo Giám đốc Trung tâm Quản lý và điều hành giao thông thành phố Hà Nội (Sở Xây dựng Hà Nội) Thái Hồ Phương, mức độ bao phủ và khả năng kết nối của hệ thống hạ tầng xe buýt là khá tốt, phù hợp với điều kiện hạ tầng và tổ chức giao thông chung của thành phố. Tuy nhiên, hệ thống hạ tầng xe buýt đang tồn tại một số bất cập, chưa tạo được điểm nhấn về mỹ quan đô thị.

Điểm dừng đỗ chưa được mã hóa để quản lý và thuận tiện cho nhân dân tra cứu. Mẫu mã và kích thước nhà chờ, điểm dừng cũng chưa được thiết kế đồng bộ và không tạo được hình ảnh, biểu tượng riêng cho Thủ đô. Số lượng điểm dừng có nhà chờ chiếm tỷ lệ thấp (8%), trong đó khu vực ngoại thành gần như không có nhà chờ đã ảnh hưởng tới chất lượng dịch vụ xe buýt, đặc biệt trong điều kiện thời tiết nóng ẩm, mưa nhiều của Hà Nội. Trong tổng số 127 điểm đầu cuối trên toàn mạng lưới, có 65 điểm được bố trí tạm thời tại lòng, lề đường hoặc các bãi đất lưu không… thiếu ổn định và có thể phải di chuyển, điều chỉnh khi có yêu cầu.

Ngoài ra, quỹ đất xây dựng điểm đầu cuối, điểm trung chuyển, làn đường ưu tiên, dành riêng còn thiếu nên việc vận hành xe buýt còn khó khăn (hiện toàn thành phố mới chỉ có 12,9km làn đường dành riêng cho xe buýt). Nhiều điểm dừng, nhà chờ bị chiếm dụng, phương tiện cá nhân đỗ dưới lòng đường, vỉa hè cạnh nhà chờ gây khó khăn cho xe buýt khi ra vào điểm đón trả khách.

Khả năng tiếp cận xe buýt của người dân cũng rất hạn chế. Theo kết quả khảo sát, gần 40% hành khách phải đi bộ trên 500m để đến điểm dừng xe buýt. Các khu đô thị chưa quan tâm tới vấn đề bố trí hạ tầng cho vận tải hành khách công cộng nên việc mở mới các tuyến buýt tới các khu đô thị gặp nhiều khó khăn...

“Thành phố Hà Nội đã đầu tư mở mới nhiều tuyến buýt, kết nối rộng rãi tới các khu vực ngoại thành. Cùng với đó là các chính sách miễn, giảm giá vé cho các đối tượng ưu tiên rất được người dân đồng tình, ủng hộ. Có thể khẳng định, dịch vụ xe buýt của Hà Nội đang dẫn đầu cả nước. Tuy nhiên, để ngày càng thu hút người dân sử dụng dịch vụ thì thành phố cần quan tâm hơn nữa đến đầu tư cải tạo hạ tầng, đặc biệt là đầu tư các điểm dừng có nhà chờ, đi cùng đó là có biện pháp xử lý các trường hợp lấn chiếm điểm dừng, nhà chờ để hành khách dễ tiếp cận, sử dụng dịch vụ”, ông Phạm Khánh (phố Mạc Thị Bưởi, quận Hai Bà Trưng) kiến nghị.

Tăng cường đầu tư, cải tạo hạ tầng

Xe buýt điện đón khách tại điểm dừng, đỗ trên đường Nguyễn Văn Cừ (quận Long Biên). Ảnh: Nguyễn Quang

Xe buýt điện đón khách tại điểm dừng, đỗ trên đường Nguyễn Văn Cừ (quận Long Biên). Ảnh: Nguyễn Quang

Trong Quyết định số 2066/QĐ-UBND (ngày 16-4-2025) của UBND thành phố Hà Nội phê duyệt “Đề án đánh giá tổng thể mạng lưới xe buýt làm cơ sở đề xuất các giải pháp nhằm điều chỉnh, nâng cao chất lượng dịch vụ và sản lượng vận tải hành khách công cộng trên địa bàn thành phố”, cải tạo hạ tầng là một trong những nhóm giải pháp được đặc biệt chú trọng.

Cụ thể, đối với điểm dừng xe buýt: Thành phố sẽ rà soát, hợp lý hóa lại toàn bộ các điểm dừng về khoảng cách, sự phù hợp về vị trí để hành khách dễ dàng tiếp cận và bảo đảm tính liên thông của mạng lưới (cự ly trung bình 500m trong nội thành và 800m ở ngoại thành).

Sở Xây dựng dự kiến bổ sung khoảng 2.500-2.700 điểm dừng (nâng tổng số điểm dừng lên khoảng 6.500 điểm, tăng 65-70% số lượng điểm so với hiện nay); bố trí lại điểm dừng tiếp cận gần các khu dân cư phù hợp với cơ sở hạ tầng, tiếp cận gần với các nhà ga đường sắt đô thị, các điểm trông giữ phương tiện cá nhân và kết nối thuận lợi với các loại hình vận tải khác (taxi, xe đạp công cộng…), bảo đảm cự ly trung chuyển giữa các loại hình dưới 300m (thời gian đi bộ trung chuyển dưới 5 phút).

Thành phố sẽ bổ sung và hoàn thiện thông tin, mã hóa các điểm dừng xe buýt phục vụ công tác quản lý và truy cập thông tin trên phần mềm timbus.vn; cải tạo điều kiện tiếp cận đi bộ cho hành khách (nâng cấp vỉa hè, sơn vạch cho người qua đường)…

Đối với hệ thống nhà chờ xe buýt, thành phố triển khai dự án đầu tư, phát triển theo hướng đầu tư công với tổng số nhà chờ dự kiến đầu tư là 1.150 nhà chờ, toàn bộ sử dụng năng lượng mặt trời phục vụ chiếu sáng. Trong đó có 800 nhà chờ theo mẫu mã hiện đại lắp đặt tại các khu vực có khả năng khai thác quảng cáo thương mại, tạo nguồn thu cho ngân sách; 350 nhà chờ thiết kế mẫu mã đơn giản, lắp đặt tại các khu vực ngoại thành với công năng duy nhất là phục vụ hành khách để tiết kiệm chi phí đầu tư.

Đối với điểm đầu cuối, điểm trung chuyển, thành phố đầu tư cải tạo toàn bộ hệ thống điểm đầu cuối, điểm trung chuyển hiện có và đầu tư bổ sung các điểm mới theo hướng đồng bộ về hình ảnh, thân thiện và tiện ích cho hành khách, đáp ứng yêu cầu văn minh đô thị.

Cùng với đó, thành phố sẽ cải tạo điểm trung chuyển xe buýt Cầu Giấy thành điểm trung chuyển mẫu, bảo đảm kết nối hiệu quả với các loại hình vận tải. Tại đây sẽ có khu vực trông giữ xe cá nhân phục vụ hành khách sử dụng phương tiện công cộng; lắp đặt hệ thống bảng điện tử thông tin về hoạt động của các tuyến buýt theo thời gian thực; lắp đặt camera giám sát, phạt “nguội”…

Như thế, đã rõ hướng đi trong tăng cường đầu tư, cải tạo hạ tầng để ngày càng thu hút người dân sử dụng dịch vụ vận tải hành khách công cộng. Quan trọng nhất vẫn là tiến độ thực hiện phải được bảo đảm để nhanh chóng mang lại tiện ích tốt nhất cho hành khách, giúp vận tải hành khách công cộng luôn được ưu tiên sử dụng...

Tuấn Lương

Nguồn Hà Nội Mới: https://hanoimoi.vn/hut-khach-di-xe-buyt-bang-cach-nao-701302.html
Zalo