Hương vị núi rừng trong từng giọt mật ong đạt chuẩn OCOP

Sản phẩm mật ong OCOP 3 sao của anh Nguyễn Văn Triều ở xã Hương Minh (Vũ Quang, Hà Tĩnh) không chỉ giúp gia đình ổn định đầu ra mà còn giúp địa phương đa dạng sản phẩm OCOP.

 Anh Nguyễn Văn Triều ổn định cuộc sống từ nghề nuôi ong lấy mật.

Anh Nguyễn Văn Triều ổn định cuộc sống từ nghề nuôi ong lấy mật.

Mảnh đất Vũ Quang được thiên nhiên ưu ái với những cánh rừng bạt ngàn cùng nhiều loại cây, loài hoa quý hiếm, thuận lợi cho nghề nuôi ong lấy mật phát triển. Tận dụng lợi thế đó, vào năm 2014, cùng với nhiều hộ dân khác trên địa bàn, vợ chồng chị Phạm Thị Hoài Thu (SN 1989) và anh Nguyễn Văn Triều (SN 1986, trú thôn Hợp Bình, xã Hương Minh) đã quyết định đầu tư nghề nuôi ong lấy mật để ổn định cuộc sống.

Ban đầu, vợ chồng anh Triều đầu tư nuôi 50 đàn, đến 2023 tăng lên gần 300 đàn. Tuy nhiên, khoảng thời gian này, dù số lượng đàn ong khá cao song chưa khẳng định được thương hiệu nên giá trị kinh tế còn thấp.

 Sản phẩm mật ong Triều Thu đã được công nhận đạt chuẩn OCOP 3 sao.

Sản phẩm mật ong Triều Thu đã được công nhận đạt chuẩn OCOP 3 sao.

Để sản phẩm có chỗ đứng trên thị trường và được nhiều người tiêu dùng tin tưởng, đầu năm 2024, vợ chồng anh Triều đã quyết định xây dựng sản phẩm OCOP. Anh chị đầu tư gần 200 triệu đồng xây dựng khu bảo quản sản phẩm, mua máy móc, thiết bị hỗ trợ chế biến và lấy tên gọi sản phẩm là mật ong Triều Thu.

Anh Triều cho biết: “Trong quá trình thực hiện các tiêu chí OCOP, cơ sở luôn nhận được sự hỗ trợ của chính quyền địa phương. Với nhiều công dụng tốt cho sức khỏe và được đầu tư bài bản, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, bao bì nhãn mác đẹp mắt, có truy xuất nguồn gốc rõ ràng… vào tháng 9/2024 vừa qua, sản phẩm đã được đoàn liên ngành công nhận đạt chuẩn OCOP 3 sao”.

Được biết, trung bình mỗi năm, cơ sở của vợ chồng anh Triều bán ra thị trường khoảng 3 nghìn lít mật ong, sau khi trừ các chi phí đưa về nguồn thu hơn 200 triệu đồng. Đặc biệt, từ khi được công nhận sản phẩm đạt chuẩn OCOP, cơ sở đã nhận được một số đơn hàng vào dịp tết với số lượng gần 400 lít, giá thành cũng được nâng cao hơn nhiều so với thời điểm trước đây.

 Mật ong Triều Thu được nâng tầm thương hiệu nhờ tham gia vào chương trình OCOP.

Mật ong Triều Thu được nâng tầm thương hiệu nhờ tham gia vào chương trình OCOP.

Là khách quen của cơ sở mật ong Triều Thu, chị Nguyễn Lê Na (TP Hà Tĩnh) thường xuyên đặt mua sản phẩm bởi chất lượng đảm bảo, giá cả phải chăng. Chị Na chia sẻ: “Nhiều năm sử dụng mật ong Triều Thu, gia đình tôi hoàn toàn yên tâm về chất lượng. Ngoài sử dụng, tôi còn thường xuyên mua để biếu người thân và giới thiệu cho bạn bè biết tới thương hiệu này”.

“Những “quả ngọt” đầu tay đó đã tạo động lực cho gia đình trong việc mạnh dạn mở rộng quy mô sản xuất. Thời gian tới, chúng tôi sẽ nhân rộng đàn ong để đáp ứng nhu cầu tiêu thụ ngày càng cao của thị trường. Đặc biệt, ngoài sản phẩm mật ong truyền thống, cơ sở sẽ đầu tư thêm sản phẩm mật ong ngâm tỏi, vừa góp phần đa dạng hóa sản phẩm, vừa giúp gia đình cải thiện thu nhập, hướng tới sự phát triển bền vững” - anh Triều chia sẻ dự định trong thời gian tới.

 Thời gian tới, anh Nguyễn Văn Triều sẽ mở rộng quy mô sản xuất để nâng cao thu nhập cho gia đình.

Thời gian tới, anh Nguyễn Văn Triều sẽ mở rộng quy mô sản xuất để nâng cao thu nhập cho gia đình.

Ông Phạm Trọng Hiền - Phó Chủ tịch UBND xã Hương Minh cho biết: “Gia đình anh Triều là hộ đã có nhiều năm kinh nghiệm nuôi ong tại địa phương. Khi cơ sở bắt đầu nhen nhóm ý tưởng tham gia sản phẩm OCOP, xã luôn đồng hành, hỗ trợ hoàn thiện các thủ tục.

Với sự đầu tư bài bản, đến nay, sản phẩm đã được đoàn liên ngành thẩm định đạt chuẩn OCOP. Qua đó, không chỉ giúp cơ sở xây dựng được thương hiệu mà còn góp phần giúp địa phương đa dạng sản phẩm OCOP”.

Video: Quy trình sản xuất mật ong OCOP Triều Thu. (Video cơ sở cung cấp).

Văn Chung

Nguồn Hà Tĩnh: https://baohatinh.vn/huong-vi-nui-rung-trong-tung-giot-mat-ong-dat-chuan-ocop-post275825.html
Zalo