Hướng tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc- Nam 'thẳng nhất có thể' ra sao?

Ngày 13/11, Quốc hội sẽ nghe Chính phủ trình chủ trương dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc Nam.

Hướng tuyến đã được 20/20 tỉnh, thành phố có đường sắt tốc độ cao thống nhất

Liên quan đến Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi (NCTKT), hiện vẫn còn một số băn khoăn về hướng tuyến cũng như việc bố trí ga liệu đã tối ưu, đã thẳng nhất có thể theo chỉ đạo của Chính phủ.

Theo Ban Quản lý dự án Đường sắt, Bộ GTVT, hướng tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc Nam được tư vấn nghiên cứu, so sánh, lựa chọn theo các nguyên tắc: Phù hợp với quy hoạch ngành quốc gia, các quy hoạch của địa phương; đáp ứng các yêu cầu về điểm khống chế; chiều dài tuyến giữa các ga ngắn nhất; đáp ứng yêu cầu kỹ thuật (độ dốc tối đa 15‰), tạo êm thuận cho hành khách; phù hợp với điều kiện địa hình khu vực tuyến đi qua.

Cùng đó, hạn chế đi qua các khu vực nhạy cảm về môi trường tự nhiên, môi trường xã hội, các khu di tích, danh lam thắng cảnh, đất quốc phòng; hạn chế khối lượng giải phóng mặt bằng, tránh các khu vực tập trung đông dân cư, giảm thiểu ảnh hưởng đến các công trình hiện hữu; bảo đảm liên kết hành lang Đông - Tây, các tuyến đường sắt kết nối Trung Quốc, Lào, Campuchia.

Năm 2018, Bộ GTVT đã xây dựng 3 phương án hướng tuyến với sự hỗ trợ của tư vấn quốc tế để phân tích, đánh giá và thỏa thuận thống nhất với các địa phương. Trên cơ sở đó, phương án tuyến lựa chọn đã được 20/20 tỉnh, thành phố có tuyến đường sắt tốc độ cao đi qua thống nhất trên nguyên tắc thẳng nhất có thể.

Hướng tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc Nam đoạn qua Đà Nẵng

Hướng tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc Nam đoạn qua Đà Nẵng

Vừa qua, thực hiện ý kiến Hội đồng thẩm định Nhà nước, chủ đầu tư và tư vấn đã phối hợp với các địa phương rà soát toàn bộ hướng tuyến qua địa bàn.

Bộ GTVT đã gửi văn bản lấy ý kiến và họp với UBND các tỉnh/thành phố về phương án hướng tuyến. Kết quả: 18/20 địa phương đã có văn bản đề nghị giữ nguyên hướng tuyến như Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi.

Chỉ có hai địa phương kiến nghị điều chỉnh một số vị trí so với hướng tuyến.

Cụ thể, Quảng Bình đề nghị điều chỉnh cục bộ một số vị trí trên cơ sở hướng tuyến năm 2018, dịch chuyển vị trí ga.

Thừa Thiên Huế đề nghị điều chỉnh hướng tuyến đi về phía Đông, trong khi trước đó hướng tuyến được đề xuất năm 2018 đi về phía Tây.

Về kiến nghị của hai tỉnh, chủ đầu tư đã chỉ đạo Tư vấn tiếp thu để hoàn thiện hồ sơ dự án. Kết quả sau rà soát chiều dài toàn tuyến giảm từ 1.545km xuống còn 1.541km.

Riêng về hướng tuyến qua TP Nam Định, lãnh đạo Ban Quản lý dự án đường sắt cho biết, đã được nghiên cứu đảm bảo phù hợp quy hoạch ngành quốc gia, quy hoạch các vùng và quy hoạch tỉnh.

Mặt khác, kinh nghiệm thế giới đã cho thấy có nhiều trường hợp tuyến đường sắt tốc độ cao đi vòng qua các trung tâm lớn để thu hút hành khách thay vì đi thẳng như: tại Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc...

Đường sắt tốc độ cao Bắc Nam đi qua 20 tỉnh, thành phố với 23 nhà ga

Đường sắt tốc độ cao Bắc Nam đi qua 20 tỉnh, thành phố với 23 nhà ga

"Hướng tuyến dự án đã được các địa phương cập nhật vào quy hoạch tỉnh, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã thẩm định và được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt trong quy hoạch tỉnh. Như vậy, có thể thấy hướng tuyến đã được nghiên cứu kỹ theo phương án "thẳng nhất có thể", đáp ứng các yêu cầu kinh tế - kỹ thuật tương ứng với cấp tốc độ thiết kế, bảo đảm êm thuận cho hành khách trong quá trình khai thác. Trong bước tiếp theo, Bộ GTVT sẽ chỉ đạo chủ đầu tư tiếp tục tối ưu hướng tuyến thẳng nhất có thể", Ban Quản lý dự án đường sắt cho hay.

Mỗi tỉnh một ga đường sắt tốc độ cao

Về vị trí, số lượng ga, lãnh đạo Ban Quản lý dự án đường sắt cho biết, tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc Nam dài 1541km, đi qua 20 tỉnh/thành phố, được bố trí 23 ga hành khách, 5 ga hàng.

Ga được bố trí theo nguyên tắc: Phù hợp với điều kiện hiện trạng, quy hoạch phát triển của địa phương; Đặt tại khu vực trung tâm kinh tế chính trị các tỉnh, tiếp cận khu vực trung tâm đô thị, khu vực quy hoạch có tiềm năng phát triển.

Cùng đó đảm bảo khả năng kết nối tốt với hệ thống giao thông quốc gia, giao thông công cộng; Cự ly phù hợp nhằm tạo ra không gian phát triển mới, khai thác có hiệu quả nguồn lực quỹ đất đồng thời đảm bảo khai thác có hiệu quả hạ tầng, phương tiện (bảo đảm khoảng cách tăng, giảm tốc).

Dựa trên nguyên tắc trên, mỗi tỉnh bố trí 1 ga khách, chiều dài trung bình khoảng 67km/ga; riêng các tỉnh Hà Tĩnh, Bình Định, Bình Thuận bố trí 2 ga do các địa phương này có quy hoạch các đô thị lớn. Đến nay, vị trí các ga đều đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt trong quy hoạch tỉnh.

Cũng liên quan đến hướng tuyến, vị trí ga, hiện các quy hoạch địa phương đã thống nhất và tích hợp, dành hành lang quỹ đất để đầu tư tuyến đường sắt tốc độ cao.

Riêng quy hoạch Thủ đô Hà Nội, TP.HCM chưa phê duyệt, nhưng phương án hướng tuyến, vị trí ga (tổ hợp ga Ngọc Hồi, ga Thường Tín phía đầu tuyến tại TP Hà Nội; ga Thủ Thiêm và depot Long Trường tại điểm cuối tuyến tại TP.HCM) đều đã được các thành phố thống nhất, tích hợp vào dự thảo quy hoạch và đã được Bộ Chính trị cơ bản thống nhất.

Hải Dương

Nguồn ANTĐ: https://anninhthudo.vn/huong-tuyen-duong-sat-toc-do-cao-bac-nam-thang-nhat-co-the-ra-sao-post595093.antd
Zalo