Hướng tới 'Tiếp cận y tế toàn diện'
Cuối năm 2024, tại Hà Nội, chương trình 'Tiếp cận y tế toàn diện' chính thức được phát động, đánh dấu một bước ngoặt quan trọng trong nỗ lực xây dựng hệ thống y tế công bằng và bền vững tại Việt Nam. GS.TS. Trần Văn Thuấn, Thứ trưởng Bộ Y tế nhận định, trong kỷ nguyên của khoa học công nghệ, chương trình này là minh chứng rõ ràng cho việc ứng dụng hiệu quả các thành tựu công nghệ vào thực tiễn y tế. Với sự tham gia của trí tuệ nhân tạo (AI) và các công cụ kỹ thuật số, không chỉ cải thiện chất lượng điều trị mà còn tạo ra sự đồng đều trong việc tiếp cận dịch vụ y tế giữa các vùng miền.
Đồng đều trong tiếp cận dịch vụ y tế
Trong bối cảnh hiện nay, khi nền y học toàn cầu đang chứng kiến sự thay đổi mạnh mẽ nhờ các tiến bộ khoa học công nghệ, việc bảo đảm quyền tiếp cận y tế chất lượng cho người dân vẫn là một thách thức lớn. Ở Việt Nam, tình trạng chênh lệch trong việc tiếp cận dịch vụ y tế giữa thành thị và nông thôn, giữa những nhóm dân cư giàu và nghèo, vẫn còn hiện hữu. Điều này đặc biệt ảnh hưởng đến các nhóm dễ bị tổn thương như người già, phụ nữ mang thai, trẻ em và người khuyết tật.
Sự ra đời của chương trình "Tiếp cận y tế toàn diện" chính là lời khẳng định mạnh mẽ rằng, mọi người dân, dù ở bất kỳ đâu, đều xứng đáng được hưởng các dịch vụ y tế tốt nhất. Chương trình do Trung ương Đoàn và Bộ Y tế chỉ đạo; Hội Thầy thuốc trẻ Việt Nam, Cục Quản lý Khám, chữa bệnh và các đơn vị đối tác AstraZeneca Việt Nam triển khai với 3 định hướng và 5 mục tiêu phát triển bền vững cho đến năm 2030. Trong đó, 3 định hướng chiến lược gồm: Tiếp cận chính sách, tiếp cận y tế cơ sở, và tiếp cận người dân.
Đặc biệt, tiếp cận chính sách là bước đi quan trọng để tạo ra sự thay đổi từ cấp độ quản lý, bảo đảm các chương trình y tế có sự hỗ trợ vững chắc từ phía Chính phủ và các bên liên quan. Tầm quan trọng của chương trình còn được khẳng định qua 3 định hướng chiến lược, bao gồm: Cải cách chính sách, nâng cao năng lực y tế cơ sở và tăng cường tiếp cận người dân.
Theo các chuyên gia y tế, hệ thống y tế cơ sở, được ví như "cánh cửa đầu tiên" trong chăm sóc sức khỏe cho cộng đồng, cần được đầu tư và phát triển toàn diện. Đặc biệt, tại các vùng sâu, vùng xa, nơi điều kiện kinh tế còn khó khăn, việc cải thiện chất lượng dịch vụ y tế tuyến cơ sở sẽ giúp thu hẹp khoảng cách y tế, mang lại cơ hội chữa bệnh cho hàng triệu người dân.
Trong giai đoạn từ nay đến năm 2030, chương trình đặt ra những mục tiêu: có ít nhất 50% cơ sở y tế tuyến quận, huyện được tập huấn và chuyển giao công nghệ AI ứng dụng trong sàng lọc các bệnh về phổi và các bệnh mạn tính khác; 100% Hội viên Hội Thầy thuốc trẻ Việt Nam được hỗ trợ, tập huấn và sử dụng thành thạo các công cụ AI và quản lý bệnh nhân qua app cũng như các nền tảng tân tiến khác của Trung ương Hội; 100% Hội viên thanh niên được giáo dục, tư vấn về sức khỏe sinh sản tiền hôn nhân; giảm tỷ lệ sử dụng thuốc lá của nam thanh niên xuống dưới 30% và không có hội viên thanh niên sử dụng thuốc lá điện tử; thí điểm sử dụng AI y tế như công cụ tiền sàng lọc, làm căn cứ để bảo hiểm y tế thanh toán cho sàng lọc bệnh mạn tính.
Theo các chuyên gia y tế, những mục tiêu này không chỉ mang tính khả thi mà còn phản ánh tầm nhìn chiến lược của chương trình trong việc đưa y tế Việt Nam hội nhập với xu thế toàn cầu. Chương trình "Tiếp cận y tế toàn diện" không chỉ là một sáng kiến y tế mà còn là biểu tượng của sự đổi mới, tinh thần nhân văn và khát vọng phát triển bền vững của Việt Nam. Dưới sự dẫn dắt của các cơ quan chức năng, sự đồng hành của doanh nghiệp và cộng đồng, chương trình hứa hẹn sẽ mang lại những thay đổi tích cực, không chỉ trong lĩnh vực y tế mà còn trong đời sống xã hội nói chung.
Ở góc độ chuyên môn, Chủ tịch Hội Thầy thuốc trẻ Việt Nam, Cục trưởng Cục Quản lý khám, chữa bệnh Hà Anh Đức cho biết, chủ đề "Tiếp cận y tế toàn diện" không chỉ là một khái niệm chuyên môn, mà còn là tư tưởng chủ đạo trong kỷ nguyên mới của đất nước. Đây là sự kết hợp giữa khoa học công nghệ tiên tiến và tinh thần xung kích, tình nguyện, để bảo đảm mỗi người dân, bất kể địa lý hay hoàn cảnh, đều có quyền được tiếp cận dịch vụ y tế có chất lượng cao.
Chìa khóa cải thiện chẩn đoán và điều trị bệnh
Chương trình còn tạo ra bước đột phá nhờ ứng dụng các công nghệ số hiện đại; như: Trí tuệ nhân tạo (AI), Internet vạn vật (IoT) và các ứng dụng y tế thông minh đã được đưa vào sử dụng để sàng lọc bệnh, quản lý hồ sơ bệnh nhân và tư vấn điều trị từ xa. Điều này không chỉ nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe mà còn mang lại sự đồng đều trong việc tiếp cận dịch vụ y tế ở các vùng miền khác nhau.
Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn, việc ứng dụng AI trong y tế sẽ là chìa khóa để cải thiện chẩn đoán và điều trị bệnh; đồng thời, xây dựng nền tảng cho các chính sách bảo hiểm y tế hỗ trợ tốt hơn cho người dân.
Tuy nhiên, để trí tuệ nhân tạo thực sự phát huy được tiềm năng của mình trong y tế, cần phải giải quyết các thách thức liên quan đến bảo mật dữ liệu, tính minh bạch, và trách nhiệm pháp lý. Đồng thời, các hệ thống y tế cũng cần phải đầu tư vào việc nâng cao cơ sở hạ tầng công nghệ và đào tạo nhân lực, nhằm bảo đảm rằng, AI có thể được triển khai một cách hiệu quả và bền vững. AI sẽ không thay thế hoàn toàn vai trò của bác sĩ và chuyên gia y tế nhưng sẽ trở thành một công cụ hỗ trợ mạnh mẽ, giúp tăng cường khả năng chẩn đoán và điều trị, từ đó nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe của người dân.
Ông Phạm Tất Thắng, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Dân vận Trung ương nhấn mạnh rằng, chương trình không chỉ mang lại lợi ích trực tiếp về mặt sức khỏe, mà còn thể hiện vai trò quan trọng của thanh niên trong việc xây dựng một hệ thống y tế toàn diện và bền vững. Sự tham gia của thế hệ trẻ, đặc biệt là các thầy thuốc trẻ, đã trở thành điểm sáng của chương trình.
TS. Nguyễn Tường Lâm, Chủ tịch Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam chia sẻ rằng, sự khác biệt lớn nhất của chương trình nằm ở tính chiến lược và dài hạn với mục tiêu không chỉ giải quyết vấn đề y tế trước mắt mà còn tạo nên nền tảng bền vững cho tương lai. Đó là một hệ sinh thái y tế, nơi mỗi cá nhân, mỗi tổ chức đều có vai trò trong việc xây dựng và bảo vệ sức khỏe cộng đồng.
Bày tỏ sự kỳ vọng vào vai trò tiên phong của thanh niên trong các hoạt động xã hội, Bí thư thứ nhất Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh Bùi Quang Huy cũng khẳng định rằng, chương trình không chỉ là một giải pháp ngắn hạn mà còn là hành trình dài hơi hướng đến sự phát triển bền vững.
Để bảo đảm các chương trình được triển khai hiệu quả, không ít ý kiến cho rằng, các nội dung về chính sách y tế cần nhất quán; tăng cường đầu tư cho khu vực khó khăn, cũng như bảo đảm chuyển đổi số trong các dịch vụ y tế phải được triển khai nhanh chóng; phát huy tinh thần xung kích và sáng tạo của thanh niên trong chương trình hiến máu nhân đạo, khám, chữa bệnh miễn phí; sử dụng công nghệ cao như AI, IoT trong hỗ trợ điều trị bệnh nhân...
Hành trình này, dù nhiều thách thức nhưng với sự đoàn kết và lòng nhiệt huyết của cả cộng đồng, Việt Nam hoàn toàn có thể tiến tới một hệ thống y tế toàn diện, công bằng và hiện đại. Chương trình không chỉ là hành động mà còn là lời cam kết vì sức khỏe và hạnh phúc của mọi người dân Việt Nam.