Hướng tới nền y tế thông minh

Ngành Y tế huyện Sơn Dương đã thực hiện các giải pháp chuyển đổi số nhằm xây dựng môi trường khám, chữa bệnh hiện đại, hướng đến bệnh viện thông minh; nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh bằng công nghệ thông tin; tối ưu quy trình khám, chữa bệnh nhanh - gọn - chính xác, giảm thời gian cho người bệnh.

Cán bộ Trung tâm Y tế huyện Sơn Dương ứng dụng CNTT trong chẩn đoán hình ảnh.

Cán bộ Trung tâm Y tế huyện Sơn Dương ứng dụng CNTT trong chẩn đoán hình ảnh.

Trung tâm Y tế huyện Sơn Dương hiện đã triển khai phần mềm quản lý bệnh nhân tại trung tâm, các phòng khám đa khoa khu vực và các trạm y tế xã, thị trấn trên địa bàn huyện. Hiện nay, 100% các cơ sở khám, chữa bệnh BHYT trên địa bàn huyện đã thực hiện khám, chữa bệnh bằng căn cước công dân (CCCD) gắn chíp, ứng dụng VssID thay thế thẻ BHYT giấy.

Trước đây, mỗi khi đi khám chữa bệnh tại trạm y tế xã hay Trung tâm Y tế huyện Sơn Dương, anh Phạm Văn Toàn, xã Cấp Tiến (Sơn Dương) đều phải đem theo nhiều giấy tờ như: Thẻ BHYT, giấy chứng minh thư nhân dân, đôi lúc còn cả giấy khai sinh nên thấy rất bất tiện. Nhưng đến nay, anh đi khám ở bất kỳ đơn vị y tế nào trên địa bàn huyện anh chỉ cần sử dụng CCCD gắn chíp để đăng ký khám bệnh. Giờ khi đến tái khám hoặc cần đăng ký khám chữa bệnh thấy rất thuận tiện.

Khi đưa thẻ CCCD cho nhân viên y tế quét mã QR vào đầu đọc thẻ là hiện lên tất cả thông tin cá nhân, lịch trình khám chữa bệnh, rất thuận tiện cho người đăng ký khám bệnh và đỡ mất thời gian của nhân viên y tế cũng như tạo thuận lợi cho bác sỹ nắm bắt được tiền sử bệnh tật của người đăng ký khám...

Là người trực tiếp khám chữa bệnh theo quy trình liên thông giữa các khoa, phòng, bác sỹ Hoàng Thanh Tùng, Khoa Răng hàm mặt, Trung tâm Y tế huyện Sơn Dương cho biết: Thực hiện quy trình khám bệnh khép kín qua phần mềm ứng dụng CNTT, ở khâu tiếp đón, bệnh nhân được rút số tự động, liên kết với phần mềm gọi số bệnh nhân, qua đó, quy trình khám bệnh được thực hiện nhanh hơn, đúng thứ tự quy định. Đồng thời, tại trung tâm, nhiều phần mềm được liên kết với các khoa chuyên môn, giúp bác sỹ và người bệnh nhận được kết quả nhanh chóng, tạo thuận lợi, không để bệnh nhân phải chờ đợi lâu.

Chị Trần Thị Loan, Trưởng Trạm Y tế xã Tú Thịnh cho biết, thời gian qua, Trạm Y tế xã đã tích cực sử dụng các phần mềm chuyên ngành y được hướng dẫn, như phần mềm tiêm chủng mở rộng, phần mềm quản lý văn bản đến - đi và một số phần mềm trong công tác y tế dự phòng khác, tạo thuận lợi cho công tác chuyên môn, giúp giảm tải việc lưu trữ sổ sách giấy tờ theo cách truyền thống, đồng thời tiết kiệm được thời gian, chi phí văn phòng phẩm cho đơn vị.

Để triển khai thực hiện có hiệu quả các công việc khi ứng dụng CNTT, chuyển đổi số, các đơn vị y tế trên địa bàn huyện đã yêu cầu nhân viên y tế chủ động học tập, cập nhật nâng cao kiến thức và cử đi tập huấn các lớp học do Sở Y tế, Trung tâm y tế huyện tổ chức, giúp các y, bác sỹ sử dụng thành thạo các ứng dụng CNTT trong quản lý bệnh nhân mãn tính, khám, chữa bệnh thường quy tại các đơn vị, đồng thời cập nhật các phần mềm triển khai trong ngành kịp thời, hiệu quả.

Bác sỹ Nguyễn Kim Cương, Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Sơn Dương cho biết, cải cách hành chính, ứng dụng CNTT, cải tiến quy trình khám, chữa bệnh theo hướng nhanh gọn, chính xác là nội dung trọng tâm, thường xuyên của đơn vị. Đặc biệt, mới đây khi triển khai thực hiện Đề án 06 của Chính phủ, trung tâm đã đẩy mạnh việc ứng dụng CNTT để triển khai khám chữa bệnh BHYT bằng CCCD gắn chíp và triển khai nền tảng quản lý lưu trú tại cơ sở khám chữa bệnh.

Để công tác chuyển đổi số được thực hiện đồng bộ, liên thông, Trung tâm Y tế huyện đầu tư máy móc, trang thiết bị đồng bộ ở các khoa, phòng, tạo thuận lợi cho cán bộ, nhân viên ngành Y tế huyện thực hiện nhiệm vụ chuyên môn, đáp ứng yêu cầu công việc theo hướng hiện đại. Đồng thời, hỗ trợ các trạm y tế xã, thị trấn về chuyên môn, phương tiện, trang thiết bị phục vụ nhiệm vụ chuyên môn và chuyển đổi số để từng bước thực hiện đồng bộ, liên thông trong toàn ngành.

Từ nay đến năm 2025, Trung tâm Y tế huyện sẽ triển khai các phần mềm: Quản lý bệnh viện, quản lý nhân sự, quản lý thiết bị vật tư y tế, văn phòng phẩm, quản lý chấm công, tiến tới bệnh án điện tử của Bộ Y tế, hướng tới quản trị y tế thông minh, hình thành cơ sở dữ liệu quốc gia về y tế, giúp người bệnh giảm chi phí và thời gian khám, chữa bệnh.

Bài, ảnh: Minh Hoa

Nguồn Tuyên Quang: http://baotuyenquang.com.vn/huong-toi-nen-y-te-thong-minh-200368.html
Zalo