Hướng tới nền nông nghiệp phát thải thấp
Chuyển đổi mô hình theo hướng nông nghiệp sinh thái, hữu cơ, tuần hoàn và phát thải thấp là sự lựa chọn được ưu tiên hàng đầu, đồng thời là cơ hội chuyển mình mạnh mẽ cho ngành nông nghiệp của Việt Nam nói chung và vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) nói riêng.
Net Zero hay còn gọi là phát thải ròng bằng 0, mục tiêu mà nhiều quốc gia và tổ chức trên toàn thế giới đang hướng tới nhằm ngăn chặn biến đổi khí hậu. Cam kết của Việt Nam tại các Hội nghị thượng đỉnh về biến đổi khí hậu của Liên hợp quốc lần thứ 26 (COP26) và lần thứ 28 (COP28), cùng với các định hướng chiến lược và chính sách giảm phát thải đã thúc đẩy các ngành kinh tế phải chuyển đổi theo hướng xanh và bền vững. Lĩnh vực nông nghiệp được xác định là trụ cột quan trọng trong chiến lược giảm phát thải khí nhà kính của Việt Nam.
Ông Trần Việt Trường, Chủ tịch UBND TP Cần Thơ phân tích, giống như hầu hết các nước trên thế giới, trong cơ cấu phát thải khí nhà kính của Việt Nam, ngành nông nghiệp chỉ xếp sau ngành năng lượng và giao thông vận tải về lượng phát thải khí nhà kính ra môi trường, chiếm tới 43% tổng lượng phát thải quốc gia. Đây cũng là lĩnh vực chịu ảnh hưởng trực tiếp và nghiêm trọng từ tác động của biến đổi khí hậu. Kế hoạch hành động giảm phát thải khí mê-tan đến năm 2030 và đặc biệt là Đề án phát triển bền vững một triệu héc-ta chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL đến năm 2030 (gọi tắt Đề án một triệu héc-ta lúa) đã và đang tạo nên những chuyển biến tích cực cho ngành nông nghiệp của vùng ĐBSCL và quốc gia.
Ông Lê Văn Hẳn, Chủ tịch UBND tỉnh Trà Vinh phân tích thêm, trước những tác động mạnh mẽ của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, quá trình đô thị hóa và biến đổi khí hậu, cùng những yêu cầu khắt khe của thị trường đang đặt ra những khó khăn, thách thức lớn đối với sản xuất nông nghiệp Việt Nam nói chung và tỉnh Trà Vinh nói riêng. Thời gian qua, tỉnh Trà Vinh đã triển khai thực hiện nhiều chương trình, đề tài, đề án, dự án, kế hoạch, cơ chế, chính sách đầu tư cho nông nghiệp, ưu tiên đầu tư đưa khoa học công nghệ mới vào sản xuất nông nghiệp và đã đạt được nhiều thành tựu đáng kể. Những việc làm trên đã góp phần ổn định đời sống của hơn 80% người dân sống ở khu vực nông thôn, ổn định kinh tế - xã hội và tạo nền tảng vững chắc để đẩy nhanh quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn.
Theo ông Huỳnh Minh Đường, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Đồng Tháp, thực hiện chủ trương theo Đề án một triệu héc-ta lúa, tỉnh đã triển khai thí điểm cánh đồng Thắng Lợi, với diện tích 50 héc-ta và được bầu chọn mô hình tiêu biểu toàn quốc. Sau khi mô hình được triển khai, tín chỉ carbon đo được giảm. Hiệu quả cao hơn so với việc sản xuất ngoài mô hình là 4,3 triệu đồng/héc-ta. Tỉnh Đồng Tháp đã ban hành kế hoạch cho đề án tổng thể đến 2025.
"Sắp tới, Chính phủ chọn Đồng Tháp xây dựng tiên phong kiểu mẫu nông nghiệp nông thôn hiện đại, tam nông, tỉnh đã xây dựng được khung đề án và đang lấy ý kiến góp ý. Dự kiến năm 2025, sau khi hoàn thành sẽ trình Thủ tướng Chính phủ. Đồng Tháp kỳ vọng rất nhiều ở dự án này", ông Huỳnh Minh Đường nói.
Ông Võ Tân Thành, Phó Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam cho rằng sự phát triển nhanh chóng của nông nghiệp Việt Nam trong những năm qua không chỉ đáp ứng nhu cầu nội địa mà còn vươn xa đến các thị trường khó tính như Nhật Bản, Châu Âu, Hoa Kỳ và Australia... Thành công này không chỉ khẳng định chất lượng nông sản Việt Nam mà còn cho thấy tiềm năng xây dựng một nền nông nghiệp hiện đại, bền vững.