Hướng tới mô hình Hội đồng trường thực sự phù hợp, tinh gọn, hiệu quả, hiệu lực
Tọa đàm là hoạt động thường niên của Câu lạc bộ Chủ tịch Hội đồng trường nhằm tạo diễn đàn giao lưu, chia sẻ kinh nghiệm hoạt động giữa các thành viên.
Sáng nay 27/9, tại thị xã Cửa Lò - tỉnh Nghệ An, tọa đàm “Mô hình cơ cấu tổ chức Hội đồng trường giai đoạn mới” do Câu lạc bộ Chủ tịch Hội đồng trường (trực thuộc Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam) tổ chức chính thức diễn ra.
Tọa đàm là hoạt động thường niên của Câu lạc bộ Chủ tịch Hội đồng trường nhằm tạo diễn đàn giao lưu, chia sẻ kinh nghiệm hoạt động giữa các thành viên.
Tham dự tọa đàm có Tiến sĩ Nguyễn Viết Lộc - Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ, Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Về phía Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam có Tiến sĩ Lê Viết Khuyến - Phó Chủ tịch Hiệp hội và ông Phạm Ngọc Lan – Trưởng ban Công tác Hội viên.
Về phía Câu lạc bộ Chủ tịch Hội đồng trường có Phó giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Khắc Khiêm - Chủ tịch Hội đồng trường, Trường Đại học Hàng Hải Việt Nam, Phó Chủ nhiệm thường trực Câu lạc bộ cùng các thầy cô trong Ban chủ nhiệm và thành viên Câu lạc bộ, các thầy cô thuộc ban lãnh đạo các cơ sở giáo dục đại học trên cả nước.
Nhân dịp này, Tiến sĩ Lê Viết Khuyến - Phó Chủ tịch Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam đã trao Kỷ niệm chương Vì sự nghiệp giáo dục đại học, cao đẳng Việt Nam của Hiệp hội cho 16 cá nhân của Câu lạc bộ Chủ tịch Hội đồng trường vì đã tích cực tham gia xây dựng, duy trì và tổ chức hoạt động của Câu lạc bộ đạt hiệu quả thiết thực, đóng góp vào sự phát triển chung của Hiệp hội.
Phát biểu khai mạc tọa đàm, Phó Chủ nhiệm thường trực Câu lạc bộ Chủ tịch Hội đồng trường Nguyễn Khắc Khiêm cho hay, Luật số 34/2018/QH14 sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học có hiệu lực kể từ ngày 1/7/2019. Theo thống kê của Bộ Giáo dục và Đào tạo đến tháng 8/2024, đã có 97,4% cơ sở giáo dục đại học trong cả nước đã thành lập Hội đồng trường theo quy định của Luật. Cho đến nay, nhiều Hội đồng trường đã đi được gần hết một nhiệm kỳ gắn với nhiệm kỳ Đại hội Đảng 2020-2025.
Nhìn chung, các Hội đồng trường đã từng bước tổ chức thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn của mình theo quy định của Luật với vai trò là cơ quan quản trị, đại diện quyền sở hữu của cơ sở giáo dục đại học. Thiết chế quản trị của Hội đồng trường thời gian qua đã cho thấy mô hình Hội đồng trường là một xu hướng tất yếu khách quan, một mô hình sở hữu, mô hình quản trị cần thiết khi các cơ sở giáo dục đại học chuyển đổi theo mô hình tự chủ theo định hướng của Đảng và Nhà nước hiện nay.
Tuy nhiên, qua khảo sát số liệu thực tế, hoạt động của Hội đồng trường tại hầu hết cơ sở giáo dục đại học còn rất nhiều khó khăn, bất cập. Hội đồng trường chưa thực sự phát huy được đúng chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình theo quy định của Luật phát huy vai trò là cơ quan quản trị có thẩm quyền cao nhất trong cơ sở giáo dục đại học theo tinh thần của Nghị quyết 19-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập.
Câu lạc bộ Chủ tịch Hội đồng trường trong những năm qua cũng đã có nhiều tọa đàm, trao đổi về những khó khăn, bất cập trên. Tổng kết lại một số vướng mắc trong thực tiễn triển khai, Phó giáo sư Nguyễn Khắc Khiêm cho hay, có rất nhiều nguyên nhân khách quan, chủ quan đã được chỉ ra cho những vấn đề tồn tại hiện nay, mà tiêu biểu trong số đó là còn có sự thiếu đồng bộ giữa Luật Giáo dục đại học với các văn bản quy phạm pháp luật khác; vấn đề nhận thức, hiểu và vận dụng Luật 34, Nghị định 99/2019/NĐ-CP với từng bộ/ngành và cơ sở giáo dục đại học còn khác nhau; một số vấn đề nảy sinh thay phân cấp thẩm quyền và sự phối hợp công tác giữa Hội đồng trường - Ban giám hiệu hiện còn thiếu những định hướng chỉ đạo, hướng dẫn cụ thể và có tính thống nhất của các cấp có thẩm quyền, dẫn đến sự lúng túng của hầu hết các Hội đồng trường khi thực hiện nhiệm vụ cụ thể...
Trong đó, Phó Chủ nhiệm thường trực Câu lạc bộ Chủ tịch Hội đồng trường Nguyễn Khắc Khiêm nhận định, một trong những thành tố trong các nguyên nhân của những khó khăn, bất cập nêu trên là việc hiểu và vận dụng, Luật 34, Nghị định 99/2019/NĐ-CP trong việc thành lập các Hội đồng trường.
Thực tế khảo sát tại hơn 30 cơ sở giáo dục đại học vừa qua cho thấy, mô hình cơ cấu, tổ chức bộ máy của Hội đồng trường tại các cơ sở giáo dục đại học hiện nay cũng rất đa dạng và có nhiều vấn đề cần trao đổi để có sự thông hiểu và vận dụng hiệu quả như: phương thức bầu chọn thành viên Hội đồng trường trong và ngoài trường trong quy trình thành lập Hội đồng trường nhiệm kỳ mới; chức danh Phó chủ tịch Hội đồng trường; thành phần và chức năng, nhiệm vụ của cơ quan thường trực Hội đồng trường; vai trò cơ quan kiểm soát của Hội đồng trường; thành lập các ban, các cơ quan giúp việc của Hội đồng trường; vấn đề đảm bảo kinh phí hoạt động của Hội đồng trường...
“Với việc lựa chọn chủ đề tọa đàm hôm nay, Ban chủ nhiệm Câu lạc bộ mong muốn được lắng nghe những thảo luận, trao đổi kinh nghiệm sâu sắc hơn về các vấn đề nêu trên để chúng ta cùng hướng tới một mô hình Hội đồng trường thực sự phù hợp, tinh gọn, hiệu quả, hiệu lực, phát huy đúng vai trò là cơ quan quản trị, là động lực đổi mới trong tiến trình tự chủ của các cơ sở giáo dục đại học trong thời gian tới, nhất là giai đoạn nhiều cơ sở giáo dục đại học đã và đang chuẩn bị xây dựng một Hội đồng trường cho nhiệm kỳ mới, gắn với Đại hội Đảng các cấp nhiệm kỳ 2025-2030”, Phó giáo sư Nguyễn Khắc Khiêm bày tỏ.
Cuối cùng, Phó Chủ nhiệm thường trực Câu lạc bộ Nguyễn Khắc Khiêm đề nghị các đại biểu, lãnh đạo các Hội đồng trường, lãnh đạo các cơ sở giáo dục đại học tham gia tích cực trong việc trao đổi các nội dung có liên quan của chủ đề tọa đàm, nhằm giúp tìm ra lời giải cho một số khó khăn, bất cập tại cơ sở giáo dục đại học, đồng thời cũng nêu ra các vướng mắc liên quan đến thể chế, chính sách chung để Câu lạc bộ có cơ sở tổng hợp gửi tới Hiệp hội, Bộ Giáo dục và Đào tạo và các cơ quan Đảng, Nhà nước tiếp tục xem xét chỉ đạo trong thời gian tới.
Trong khuôn khổ tọa đàm sáng nay, các đại biểu sẽ cùng lắng nghe tham luận của 3 diễn giả:
Tham luận thứ nhất do Tiến sĩ Nguyễn Viết Lộc - Vụ trưởng Vụ tổ chức cán bộ, Bộ Giáo dục và Đào tạo trình bày, đề cập tới chủ đề “Tổ chức và hoạt động của hội đồng trường cơ sở giáo dục đại học công lập”.
Tham luận thứ 2 được chia sẻ bởi Thạc sĩ Trần Ngọc Định - Trưởng phòng Tổ chức cán bộ, Thư ký Hội đồng trường Trường Đại học Luật Hà Nội, với chủ đề “Tổ chức và hoạt động của Hội đồng trường Trường Đại học Luật Hà Nội nhiệm kỳ 2020-2025 - thông tin, kinh nghiệm và một số đề xuất”.
Cuối cùng, Phó giáo sư, Tiến sĩ Đỗ Thị Hồng Tươi – Trưởng phòng Tổ chức cán bộ, Trường Đại học Y Dược Thành phố Hồ Chí Minh trình bày bài tham luận với chủ đề “Công tác thành lập Hội đồng trường nhiệm kỳ 2025-2030”.