Hướng tới Kỷ niệm 100 năm báo chí cách mạng Việt Nam: Bài 3 - Linh hồn của báo chí cách mạng Việt Nam

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh từng khẳng định: 'Nói đến báo chí trước hết là nói đến cán bộ báo chí', họ là người cán bộ cách mạng, biết đặt quyền lợi của dân tộc, của Nhân dân lên trên hết. Gần 100 năm qua, các thế hệ những người làm báo luôn xứng đáng là những người chiến sĩ tiên phong trên mặt trận tư tưởng - văn hóa, đóng góp quan trọng vào sự nghiệp cách mạng của Đảng và Nhân dân ta.

Bác Hồ với các nhà báo năm 1960. (Nguồn: Ảnh tư liệu)

Bác Hồ với các nhà báo năm 1960. (Nguồn: Ảnh tư liệu)

Đặt nền móng và xây dựng nền báo chí cách mạng

Nói đến đội ngũ nhà báo cách mạng, chúng ta không thể không nhớ đến người thầy của báo chí cách mạng Việt Nam, người sáng lập ra tờ báo Thanh niên - tờ báo cách mạng đầu tiên, đó là Chủ tịch Hồ Chí Minh. Bác Hồ bắt đầu sự nghiệp cách mạng của mình bằng làm báo. Trong hành trình đi tìm đường cứu nước, Người đã học cách làm báo và Người coi báo chí là công cụ sắc bén để phục vụ cho cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc và nhân loại. Dưới ngòi bút sắc bén của mình, Người đã vạch trần tội ác của bọn xâm lược tại các thuộc địa; đồng thời Người dùng các tờ báo làm công cụ tuyên truyền cho con đường cách mạng giải phóng dân tộc. Nhà báo Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh đã đặt nền móng cho sự ra đời và xây dựng nền báo chí cách mạng Việt Nam.

Tiếp nối tinh thần cách mạng của Người, các thế hệ người làm báo chí cách mạng Việt Nam đã không ngừng nỗ lực, bồi đắp nền báo chí cách mạng ngày một phát triển lớn mạnh, chuyên nghiệp, phục vụ cách mạng, vì Đảng, vì Nhân dân. Đó là sứ mệnh xuyên suốt của đội ngũ người làm báo, tuy nhiên ở mỗi thế hệ khác nhau, những người làm báo chí cách mạng lại có một vai trò, trách nhiệm khác nhau.

Chúng ta có thể kể đến đầu tiên là thế hệ những người làm báo tiên phong. Đây là những người bạn chiến đấu, đồng thời là những học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, là những người đã xây dựng và phát triển nền báo chí cách mạng Việt Nam. Chính từ cái nôi dòng báo chí cách mạng 1925-1945, đã có nhiều nhà yêu nước, lãnh tụ cách mạng hoạt động báo chí và sử dụng báo chí như một vũ khí sắc bén, hiệu quả. Họ chính là những cây bút xuất sắc như Trần Phú, Hà Huy Tập, Võ Nguyên Giáp, Trường Chinh, Hoàng Văn Thụ, Trần Huy Liệu, Phan Đăng Lưu... và là tác giả của nhiều bài viết vẫn còn nguyên giá trị đến hôm nay. Những đóng góp to lớn của những nhà báo - chiến sĩ cách mạng tiền bối đó đã góp phần đưa đến thắng lợi vĩ đại của Cách mạng Tháng Tám 1945.

Ý thức được vai trò, tầm quan trọng của đội ngũ nhà báo trong sự nghiệp cách mạng giải phóng dân tộc, ngay sau khi Cách mạng Tháng Tám thành công, thấy rõ vai trò của đội ngũ làm báo, vì “Nói đến báo chí, trước hết phải nói đến những người làm báo chí”, Bác Hồ và Đảng ta đã chỉ đạo thành lập Đoàn Báo chí Việt Nam, sau đổi thành Đoàn Báo chí kháng chiến. Ngày 21/4/1950, trên cơ sở Đoàn Báo chí kháng chiến, tại chiến khu Việt Bắc, Hội Những người viết báo Việt Nam, tiền thân của Hội Nhà báo Việt Nam hiện nay ra đời, đánh dấu một mốc son trong lịch sử phát triển của Hội và đội ngũ những người làm báo cách mạng Việt Nam.

Trên cơ sở đó, lớp nhà báo thứ hai là những người làm báo chuyên nghiệp vào nghề từ sau Cách mạng Tháng Tám cũng bắt đầu hình thành. Trong giai đoạn hoạt động này họ trưởng thành và trở thành lực lượng chỉ đạo và biên tập nòng cốt của các loại hình báo chí trong cả nước. Đó là những cây bút lớn của báo chí cách mạng Việt Nam như: Hoàng Tùng, Hữu Thọ, Thép Mới, Hồng Hà, Quang Đạm, Phan Quang, Hà Đăng, Thái Duy,… Trong đó, Nhà báo Hoàng Tùng là chủ bút báo Sự thật (1950) và làm Tổng biên tập báo Nhân dân từ năm 1954 đến năm 1982. Ông là nhà báo sắc sảo, chuyên gia thể luận của tờ báo, đảm nhiệm phần quan trọng xã luận của báo Nhân dân trong suốt hàng chục năm. Còn nhà báo Thép Mới đến với báo chí cách mạng ngay vừa kết thúc tuổi trẻ học đường. Thép Mới đã viết và có mặt trong suốt hai cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ và những năm đầu của thời kỳ đổi mới. Ông là cây bút chủ lực trong những năm 1947-1950, hăng hái đi các chiến trường, có mặt hầu hết ở các chiến trường, nhất là đường số 4 và chiến dịch Điện Biên Phủ.

Trên phương diện khác, lớp nhà báo vào nghề từ sau Cách mạng Tháng Tám đều là những nhà báo chuyên nghiệp, có nghiệp vụ báo chí và chuyên môn cao trong nhiều lĩnh vực riêng biệt. Ví dụ như nói đến vấn đề nông nghiệp, nông thôn những năm 50 của thế kỷ trước, chúng ta không thể không nhắc đến đội ngũ phóng viên viết về nông thôn có kinh nghiệm như Hữu Thọ, Phan Quang, Hà Đăng, Thái Duy, Hải Như. Họ đã về các tỉnh đồng bằng Bắc Bộ khảo sát tường tận và rút kinh nghiệm về phong trào hợp tác hóa nông nghiệp qua các bài như Hợp tác hóa ở Thái Bình, Vài nét về phong trào, Mấy kinh nghiệm tốt trong phong trào hợp tác hóa nông nghiệp ở Hải Dương (Nhân dân, ngày 10/4/1959) của Hà Đăng, Phát động tư tưởng tốt, lập hợp tác xã tốt của Hữu Thọ (Nhân dân, ngày 15/5/1959), Mấy ý kiến về phong trào hợp tác hóa nông nghiệp ở Sơn Tây, điều tra của Phan Quang, Thanh Sơn và Hồng Thái (Nhân dân, ngày 21/5/1959).

Bảo vệ và xây dựng Tổ quốc

Từ truyền thống hào hùng của nền báo chí cách mạng được hun đúc từ các thế hệ đi trước, các thế hệ những người làm báo từ sau kháng chiến chống Pháp và sau ngày giải phóng miền Nam đã nối tiếp và tô đậm thêm trang sử vẻ vang của các thế hệ người làm báo chí cách mạng Việt Nam.

Khí thế ấy thể hiện rõ ràng, trong cả hai cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ, hàng nghìn nhà báo đã lên đường chiến đấu bằng ngòi bút, máy ảnh, máy quay phim và bằng cả súng. Nhiều nhà báo đã chiến đấu đến hơi thở cuối cùng dưới mưa bom, bão đạn của kẻ thù. Tổng cộng có gần 500 nhà báo, liệt sĩ ngã xuống các chiến trường trong lúc đang tác nghiệp nhằm cứu nước, thực hành chân lý “Không có gì quý hơn độc lập, tự do”. Chỉ tính riêng Thông tấn xã Việt Nam đã có tới hơn 260 phóng viên, kỹ thuật viên, cán bộ đã hy sinh trong hai cuộc trường chinh. Liệt sĩ đầu tiên của giới báo chí cách mạng trong cuộc chiến đấu bảo vệ nền độc lập của Tổ quốc chính là nhà báo Trần Kim Xuyến (1921-1947). Ông là vị lãnh đạo đầu tiên của Thông tấn xã Việt Nam, một trí thức trẻ tham gia cách mạng hy sinh trong những ngày đầu toàn quốc kháng chiến chống Pháp.

Trong số các liệt sỹ, có gia đình cả hai cha con hy sinh cho sự nghiệp Thông tấn như lão đồng chí Trần Bỉnh Khuôl (tức Hai Nhiếp) và người con là Trần Văn Dũng đều là phóng viên nhiếp ảnh Thông tấn cùng ngã xuống trên chiến trường miền Tây Nam Bộ. Có gia đình, hai anh em cùng hy sinh cho sự nghiệp Thông tấn như Bùi Văn Thưởng và em là Bùi Văn Tấn, phóng viên duy nhất có mặt trong trận Ấp Bắc.

Nhiều nhà văn, nhà thơ như Nguyễn Thi, Nguyễn Mỹ, Lê Anh Xuân, Dương Thị Xuân Quý… cũng đã hy sinh trong tư thế nhà báo - chiến sĩ.

Miền Nam giải phóng, đất nước thống nhất và bước vào giai đoạn xây dựng, kiến thiết đất nước, đội ngũ nhà báo cách mạng nước ta cũng ngày càng phát triển cả về số lượng và chất lượng. Đội ngũ phóng viên, biên tập viên có mặt ở mọi miền Tổ quốc, từ biên giới đến hải đảo, vùng sâu, vùng xa, để có những tin bài nóng hổi, phản ánh sự hiện diện của người dân Việt Nam trên lãnh thổ Việt Nam.

Hệ thống báo chí cả nước do đội ngũ người làm báo đảm nhiệm ngày càng khẳng định vai trò là diễn đàn của nhân dân, phương tiện phản biện xã hội tích cực. Đội ngũ nhà báo luôn tiên phong trong việc phát hiện, phân tích, đánh giá những hạn chế, bất cập trong các chính sách, quyết định của các cơ quan có trách nhiệm, từ đó đề xuất những giải pháp hợp lý đối với Đảng và Nhà nước. Đặc biệt, đội ngũ người làm báo đã và đang tham gia tích cực, có trách nhiệm, có hiệu quả trong cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, quan liêu và các tệ nạn xã hội.

Đội ngũ người làm báo đã thông tin kịp thời với bạn bè quốc tế về những thành tựu của công cuộc xây dựng, phát triển đất nước, về các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc Việt Nam, góp phần thúc đẩy hội nhập quốc tế.

Trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, đội ngũ nhà báo, phóng viên cũng đã tích cực tự đổi mới để phát triển. Diện mạo, số lượng, chất lượng và công nghệ làm báo... đã đạt được những bước tiến lớn. Nhiều cơ quan báo chí lớn đang phát triển theo hướng đa phương tiện.

Vẫn giữ vẹn nguyên tinh thần cách mạng của những thế hệ người làm báo đi trước, đội ngũ những người làm báo trong thời kỳ mới luôn trung thành với mục tiêu, lý tưởng cách mạng của Đảng, đồng hành với toàn Đảng, toàn dân, toàn quân trong suốt các thời kỳ cách mạng, với tinh thần cống hiến, sẵn sàng hy sinh, luôn có mặt trên tuyến đầu nóng bỏng nhất, quan trọng nhất của đất nước, có những đóng góp xứng đáng vào sự nghiệp đấu tranh giành độc lập dân tộc, thống nhất đất nước, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

(Đón đọc bài 4: Nhận diện những khó khăn, vướng mắc trong hoạt động báo chí hiện nay)

Trần Ngọc Hà - Trần Đức Anh

Nguồn Pháp Luật VN: https://baophapluat.vn/huong-toi-ky-niem-100-nam-bao-chi-cach-mang-viet-nam-bai-3-linh-hon-cua-bao-chi-cach-mang-viet-nam-post515731.html
Zalo