Hướng tới 100% cây xăng cả nước áp dụng hóa đơn điện tử
Theo Tổng cục Thuế yêu cầu, chậm nhất trong tháng 3/2025, 100% số cửa hàng kinh doanh bán lẻ xăng dầu áp dụng giải pháp kết nối tự động, phát hành hóa đơn điện tử với từng lần bán hàng.
Thực hiện chủ trương của Chính phủ về tăng cường quản lý, sử dụng hóa đơn điện tử, nâng cao hiệu quả công tác thu thuế
Trước đó, để thực hiện chủ đạo của Chính phủ tại Công điện số 129/CĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường quản lý, sử dụng hóa đơn điện tử, nâng cao hiệu quả công tác thu thuế đối với thương mại điện tử, các cửa hàng bán lẻ xăng dầu trên cả nước đã lần lượt triển khai áp dụng hóa đơn điện tử sau từng lần bán hàng đối với hoạt động kinh doanh bán lẻ xăng dầu.
Theo đó, Bộ Tài chính cũng đã ban hành công văn gửi các bộ ngành đề nghị có sự phối hợp với cơ quan thuế tích cực triển khai các giải pháp thúc đẩy các doanh nghiệp, cửa hàng kinh doanh bán lẻ xăng dầu trên địa bàn thực hiện được việc phát hành hóa đơn điện tử đối với từng lần bán hàng.
Bộ Tài chính tiếp tục chỉ đạo Tổng cục Thuế chỉ đạo cơ quan thuế tại địa phương quyết liệt triển khai chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về hóa đơn điện tử đối với kinh doanh bán lẻ xăng dầu theo đúng quy định.
Cụ thể, đẩy mạnh và đa dạng hóa các biện pháp, giải pháp tuyên truyền đến người nộp thuế, các cửa hàng, doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu quy định về phát hành hóa đơn điện tử theo từng lần bán hàng; quản lý, kiểm tra giám sát, thúc đẩy việc triển khai.
Theo thống kê của Tổng cục Thuế, tính đến ngày 15/1/2025, số cửa hàng bán lẻ xăng dầu trên toàn quốc thực hiện kết nối tự động phát hành hóa đơn điện tử từng lần bán hàng đạt tỷ lệ 60%; trong đó, có 18/63 Cục Thuế đạt tiến độ thực hiện trên 90%.
Cụ thể, thành phố Hà Nội (100%); Kon Tum (100%); Lào Cai (100%); Phú Thọ (100%); Điện Biên (100%); Lạng Sơn (100%), Sơn La (99%), Hà Nam (99%); Yên Bái (98%); Đà Nẵng (98%); Quảng Trị (96%); Quảng Ninh (96%); Hà Giang (95%); Hải Dương (95%); Thái Nguyên (94%); Bắc Ninh (92%); Tp. Hồ Chí Minh (91%). Đặc biệt, vẫn còn 29/63 địa phương có tiến độ đạt dưới 60%.
Tiếp tục triển khai thành công, hiệu quả áp dụng hóa đơn điện tử
Thời gian tới, Tổng cục Thuế tiếp tục yêu cầu yêu cầu Cục Thuế các tỉnh, thành phố cần tập trung nguồn lực, thực hiện đầy đủ, đồng bộ, hiệu quả các nội dung chỉ đạo Tổng cục Thuế theo nguyên tắc “rõ người, rõ việc, rõ tiến độ, rõ trách nhiệm, rõ kết quả, sản phẩm”.
Tổng cục Thuế nêu rõ, các Cục Thuế cần tập trung, quyết tâm đến trước 15/03/2025, đạt 100% các cửa hàng bán lẻ xăng dầu thuộc phạm vi quản lý của Cục Thuế áp dụng giải pháp kết nối tự động phát hành hóa đơn điện tử từng lần bán hàng.
Tổng cục Thuế đề nghị, trong quá trình triển khai, các Cục Thuế cần đánh giá tình hình thực tế của doanh nghiệp (tài chính, cơ sở hạ tầng, đặc điểm, lịch sử hoạt động...), phân loại, lựa chọn những doanh nghiệp có tiềm lực tài chính tốt, ý thức tuân thủ cao để triển khai trước.
Một trong những doanh nghiệp đi đầu trong việc hoàn thành triển khai hóa đơn điện tử từng lần bán hàng trên toàn bộ 2.700 cửa hàng xăng dầu của Petrolimex trên toàn quốc, sử dụng công nghệ tự động, không có sự can thiệp của con người, số liệu chính xác minh bạch để đảm bảo cung cấp hóa đơn điện tử (HĐĐT) từng lần bán hàng cho khách hàng.
Từ 1/7/2023 đến thời điểm này, Petrolimex đã xuất hơn 700 triệu hóa đơn giá trị gia tăng theo từng lần bán hàng theo tinh thần Nghị định 123/NĐ-CP Quy định về hóa đơn chứng từ của Chính phủ. Về phía Petrolimex, từ 1/9/2023, để tăng tính minh bạch, trên mỗi hóa đơn bán hàng, Petrolimex đều có biển số xe của các cá nhân đi ô tô vào cửa hàng xăng dầu của Petrolimex.
Còn tại doanh nghiệp có thị phần bán lẻ xăng dầu lớn thứ hai tại Việt Nam - PVOIL, ngay từ tháng 7/2019, PVOIL đã chính thức vận hành hệ thống quản lý và phát hành hóa đơn điện tử theo Nghị định số 119/2018/NĐ-CP của Chính phủ và Thông tư 32/2011/TT-BTC của Bộ Tài chính để thay thế cho việc phát hóa đơn bằng giấy truyền thống. Từ tháng 6/2022, PVOIL hoàn thành bổ sung, sửa đổi chức năng phần mềm và thực hiện kết nối truyền dữ liệu trực tiếp với cơ quan thuế đáp ứng theo Nghị định số 123/2020/NĐ-CP ngày 19/10/2020 và Thông tư số 78/2021/TT-BTC ngày 17/09/2021.
Hiện PVOIL có 786 cửa hàng xăng dầu trực thuộc phủ rộng khắp cả nước đang được 19 đơn vị thành viên quản lý, vận hành khai thác. Hầu hết các cửa hàng xăng dầu này được PVOIL phát triển thông qua việc mua lại hoặc thuê dài hạn là các cửa hàng xăng dầu đang hoạt động trên thị trường nên các cột bơm xăng dầu đều có tình trạng kỹ thuật cũ, lạc hậu, không đồng bộ và phải thay thế, nâng cấp.
Bên cạnh đó, các Cục Thuế cần tranh thủ sự chỉ đạo của UBND tỉnh, thành phố trong chỉ đạo các sở, ngành, Công an tỉnh, thành phố, quận, huyện, xã, phường tại địa phương tổ chức triển khai hiệu quả các đoàn, tổ công tác liên ngành để kiểm tra, giám sát việc chấp hành quy định về kinh doanh bán lẻ xăng dầu và quy định về phát hành hóa đơn điện tử từng lần bán hàng, đặc biệt các cửa hàng bán lẻ xăng dầu chưa chuyển đổi sang giải pháp tự động.
Đồng thời, phát hiện các hành vi vi phạm để xử phạt theo quy định của pháp luật, trong đó nghiên cứu, xem xét các biện pháp xử lý như: ngừng cấp hóa đơn, đề nghị doanh nghiệp đầu mối ngừng cung cấp hàng hoặc áp dụng biện pháp yêu cầu tạm dừng hoạt động kinh doanh, thu hồi giấy phép, giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh xăng dầu theo đúng tinh thần chỉ đạo của Chính phủ, tuyên truyên, hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi giải pháp kết nối tự động phát hành.
Tổng cục Thuế đề nghị Cục Thuế các tỉnh, thành phố cung cấp tới các doanh nghiệp, cửa hàng bán lẻ xăng dầu thông tin của 22 doanh nghiệp đã được Ủy ban Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng quốc gia phê duyệt mẫu cột đo để cung cấp cột đo kết nối tự động cho các doanh nghiệp, cửa hàng bán lẻ xăng dầu làm việc; lựa chọn doanh nghiệp cung cấp giải pháp phù hợp để chuyển đổi sang giải pháp kết nối tự động thực hiện xuất hóa đơn điện tử từng lần bán hàng và truyền dữ liệu hóa đơn điện tử về cơ quan thuế theo quy định.