Hướng nào giúp làng miến Quy Mông (Yên Bái) vực dậy sau lũ
Các trận mưa lớn, ngập lụt do hoàn lưu bão số 3 đã làm toàn bộ diện tích cây đao giềng ở xã Quy Mông, huyện Trấn Yên (Yên Bái) bị thiệt hại. Đây là địa phương có diện tích đao giềng lớn nhất của tỉnh. Không riêng thu nhập năm nay, người làm miến ở Quy Mông còn lo mất khách hàng, thiếu củ giống để trồng vào những năm sau.
Cánh đồng đao giềng thôn Thịnh An, xã Quy Mông, huyện Trấn Yên (Yên Bái) vốn luôn xanh tươi, đẹp mắt, giờ chỉ toàn một màu vàng úa. Sau nhiều ngày nước ngập, toàn bộ 23ha đao giềng được trồng ở bãi soi ven Sông Hồng và những vị trí thấp của thôn đều bị chết, ước thiệt hại lên tới gần 4 tỷ đồng.
Ông Vũ Văn Hùng và ông Vũ Văn Ba là các hộ dân trong thôn buồn rầu cho biết: "Cây đao mỗi một năm 1 sào nếu mà được thì cũng được 5-6 triệu. Người dân cũng chưa biết có được hỗ trợ như thế nào không, chứ bây giờ như nhận định thì trên 90% số đao bị chết".
HTX Khởi nghiệp xanh Quy Mông được thành lập năm 2021, hiện có 7 thành viên. Ngoài 2 ha diện tích đao giềng của các hộ thành viên, HTX còn liên kết với 4 tổ hợp tác khác trong lĩnh vực chế biến miến.
Ông Đỗ Danh Toàn, giám đốc HTX cho biết, với công suất 40 tấn củ sơ chế/ngày, tương đương với 200 tấn bột/năm, sản phẩm miến của HTX đã được công nhận là sản phẩm OCOP 3 sao. Bước vào vụ sản xuất năm nay, HTX có thêm nhiều khách hàng liên hệ đặt hàng, nhưng mưa lũ do ảnh hưởng của bão số 3 đã gần như xóa sổ toàn bộ vùng nguyên liệu, gây nhiều khó khăn cho HTX.
"Nước nó ngập hết rồi, năm nay mà làm có khả năng phải đi mua củ chỗ khác, HTX mới có việc làm, đang dự tính là như thế. Trước mắt còn có một ít bột thôi, chỉ làm được độ chục hôm là hết, thế nên nguồn thu nhập của hội viên là không có", ông Toàn cho hay.
Xã Quy Mông hiện có trên 400 hộ dân tham gia trồng 70 ha đao giềng; tập trung tại 4 thôn là Thịnh Bình, Thịnh An, Thịnh Hưng và Thịnh Lợi. Với diện tích này thì Quy Mông là địa phương có diện tích đao giềng lớn nhất tỉnh Yên Bái. Bình quân mỗi năm, người trồng đao giềng thu được trên dưới 5.000 tấn củ, tương đương với hơn 11 tỷ đồng.
Ông Trần Văn Chung – Chủ tịch UBND xã Quy Mông cho biết: Mưa lũ những ngày qua đã làm mất trắng 57ha đao giềng, ảnh hưởng tới quá trình sản xuất, giữ chân khách hàng của 2 HTX, 7 tổ hợp tác và quá trình dự trữ củ giống để trồng vào năm sau của người dân.
"Chúng tôi tuyên truyền, vận động bà con nhân dân những diện tích nào mà cải tạo đất được ngay trước mắt thì sẽ trồng ngô gối vụ, để giải quyết vấn đề lương thực, thực phẩm, phục vụ chăn nuôi, phục hồi sản xuất. Với diện tích đao còn lại thì tới đây vận động bà con nhân dân sẽ giữ lại để cung cấp giống cho bà con nhân dân. Tuy nhiên lượng giống sẽ không đủ, xã sẽ từng bước liên hệ với các địa phương khác, có nguồn giống cung cấp cho bà con nhân dân để khôi phục vùng trồng đao trên địa bàn xã", ông Chung nói.
Hơn lúc nào hết, người trồng đao giềng ở Quy Mông, Trấn Yên (Yên Bái) rất cần sự quan tâm hỗ trợ về giống, vốn để bà con có thể vực dậy, khôi phục sản xuất và ổn định đời sống trong thời gian sớm nhất.