Hương làng

Vào dịp gặt mùa năm nào tôi cũng về quê và ghé vào mua xôi của chị Thái. - Chỉ xôi không chị nhé. - Chị nhớ rồi. Lần nào em cũng chỉ mua xôi không thôi.

Vào dịp gặt mùa năm nào tôi cũng về quê và ghé vào mua xôi của chị Thái.

- Chỉ xôi không chị nhé.

- Chị nhớ rồi. Lần nào em cũng chỉ mua xôi không thôi.

Chị chỉ tay vào thúng xôi, khẽ nói:

- Bây giờ có nhiều loại gạo ngon, nhưng chị chỉ thổi xôi bằng loại gạo nếp làng mình em ạ.

- Vâng! Em cũng ăn xôi ở nhiều nơi, nhưng không thấy ở đâu ngon bằng xôi làng mình.

Chị khẽ gật đầu:

- Chắc em còn nhớ, chị em mình ngày trước sáng ra chạy tắt qua cánh đồng làng đến trường, ngồi học nửa buổi mà hương nếp vẫn như còn thoang thoảng vai áo.

Chị lần tay vào trong thúng lấy ra mảnh lá chuối đã hơ qua lửa xới xôi gói lại đưa cho tôi. Mỗi năm chỉ khoảng vài lần ra đây mua xôi, nhưng chị Thái vẫn không bao giờ quên ý thích gói xôi gói bằng lá chuối hơ lửa của tôi. Thời buổi này, bọn trẻ con chỉ quen hộp xốp với thìa nhựa. Xôi gói bằng lá chuối là chúng chối đây đẩy, cho là thiếu văn minh. Biết thế, nhưng chị Thái vẫn có thói quen mỗi sáng khi mang xôi đi bán cũng dọc theo chút ít lá chuối hơ qua lửa để dưới đáy thúng. Chị bảo, cũng có nhiều người thích gói xôi bằng lá chuối, và không hiểu sao, được ăn gói xôi bằng lá chuối chị thấy lòng như nhẹ nhõm, thanh thản hơn.

Tôi hiểu, những người đã từng lớn lên trong hương lúa làng tôi đều không thể quên được xôi nếp gói bằng lá chuối hơ lửa. Xôi nóng rất lâu, không bị khô mà còn dẻo hơn. Hương nếp quện với mùi lá chuối làm xôi thơm lên bội phần.

Tôi cảm ơn chị Thái, rẽ về nhà. Căn nhà ba gian lợp ngói của bố mẹ tôi để lại. Căn nhà bây giờ không ai ở, anh em tôi giữ lại để làm nơi thờ cúng.

Đứng tần ngần bên thềm một lúc, tôi mới lần tìm chìa khóa. Vừa mở cửa, tôi đã thấy đôi mắt mẹ trong di ảnh đặt trên ban thờ như bừng sáng.

- Con chào mẹ!

Ngày mẹ còn sống, mỗi buổi đi học về, lúc nào tôi cũng chào mẹ rất to như thế. Nghe tiếng tôi chào, mẹ lại tươi cười:

- Cậu cả về rồi đấy hả?

Dỡ gói xôi cho vào đĩa đặt lên ban thờ, thắp ba nén nhang, tôi thì thầm nói với mẹ:

- Mẹ ơi! Xôi nếp, không đỗ, không lạc, không thịt…Thứ xôi mà mẹ thích nhất đấy ạ.

Làn khói hương mong manh đưa tôi về ký ức.

Ngày còn bé, nhà tôi vào mỗi dịp giỗ Tết, thịt gà nhiều, ai cũng một tay cầm xôi, một tay cầm miếng thịt gà luộc vừa ăn vừa tấm tắc:

- Cơm nếp thịt gà đúng là tuyệt thật.

Đúng là cơm nếp thịt gà ăn rất ngon nhưng tôi chưa bao giờ thấy mẹ ăn xôi với bất cứ thứ gì. Và cũng không bao giờ nấu xôi cùng thứ gì, chỉ thuần gạo nếp. Thấy lạ, tôi hỏi, mẹ xoa đầu tôi bảo:

- Chỉ ăn xôi trắng mới thấy hết được cái thơm cái dẻo của từng hạt mưa, sợi nắng, ngọn gió và mới thấy được vị đậm của đất cùng hạt mồ hôi rơi xuống đồng khi gieo cấy con ạ. Con có biết tại sao hạt gạo nếp làng mình lại thơm dẻo vậy không? Là vì trong lòng nó mang cả hai mùa nóng, lạnh. Cây lúa cấy xuống vào những ngày tháng sáu nước ngoài đồng như có người đun, còn lúc thu hoạch là tháng mười giá rét, áo đơn áo kép ra đồng.

Đĩa xôi trên ban thờ phảng phất thơm làm tôi nhớ đến những buổi tan trường vào lúc cánh đồng lúa đang trổ bông. Khi ấy cứ hết giờ học là bọn tôi lại rủ nhau chạy ra cánh đồng. Phấn hoa lúa mong manh trải vàng đến tận cuối trời, hương lúa thơm ngào ngạt. Lũ chúng tôi thi nhau hít hít mùi hương đồng quê ấy. Mùi hương như muôn ngàn bàn tay níu giữ làm bọn tôi quên cả giờ về.

Về đến nhà, tôi cất tiếng:

- Con chào mẹ!

Mẹ nhìn tôi:

- Anh cả tan học không về ngay còn ra cánh đồng bêu nắng hả?

- Con có ra đồng đâu ạ - tôi chối.

Mẹ tôi cười:

- Cái miệng anh nói dối mẹ nhưng áo quần trên người anh không biết nói dối đâu, nó đang tỏa ra mùi phấn hương lúa nếp, anh về đến cổng mẹ đã thấy rồi.

Tôi ngớ người, đỏ bừng mặt.

Đúng như vậy. Làng tôi từ khi phấn lúa phơi màu cho đến hết vụ gặt và đến tận tết, ai đi qua cánh đồng, quần áo cũng mang theo hương lúa.

Hương lúa như thấm vào từng con người, từng con ngõ, từng lùm cây bụi cỏ làng tôi. Đám trẻ chúng tôi lớn lên, người ở lại, kẻ dời làng nhưng trong tâm hồn mỗi người chắc khó quên được hương thơm cánh đồng một thuở.

Một lần từ thành phố về thăm nhà, thấy bóng mẹ tôi chào rất to, nhưng mẹ chỉ khẽ gật đầu. Vẻ mặt mẹ buồn rười rượi. Tôi vội hỏi:

- Có chuyện gì thế mẹ?

- Làng mình sắp không còn hương lúa nữa rồi, tất cả cánh đồng lúa nếp và nhiều đồi bãi sẽ bị thu hồi để phục vụ cho việc khai thác khoáng sản.

Lễ khởi công khu mỏ, tôi cũng tranh thủ về. Lúc những cái máy xúc vươn gầu cắm xuống thịt da cánh đồng màu mỡ múc từng gầu đất lên xe ô tô, tôi thấy mẹ vội quay đi lấy ống tay áo lén lau nước mắt.

Ngày ấy, làng tôi được nhận tiền đền bù, nhiều gia đình xây được nhà tầng. Nhưng mỗi lần về thăm quê, tôi luôn nghe thấy mẹ thở dài, giọng đầy nuối tiếc:

- Mất hết rồi, làng mình không còn hương lúa nữa.

Mỗi mùa lúa chín, tôi lại thấy mẹ ngồi bần thần ở đầu hè như đón đợi mùi hương lúa bay về.

Bây giờ mẹ không còn. Nhìn mắt mẹ trong di ảnh, thấy còn như ngấn một nỗi buồn không tan. Lòng tôi nghẹn lại. Tôi cúi trước ban thờ, lầm rẩm khấn:

- Mẹ ơi! Làng mình giờ không còn mùi hương nếp bay trong gió nhưng sẽ vẫn mãi mãi tỏa hương trong nỗi nhớ của mỗi con người. Mẹ hãy yên tâm an nghỉ nơi suối vàng!

Nhớ tới chị Thái, người bán xôi vẫn gìn giữ nguyên vẹn hương nếp làng, người không bao giờ quên dọc những tầu lá chuối hơ qua lửa đặt dưới đáy thúng để giữ mãi hương thơm cho mỗi gói xôi, tôi hiểu rằng hương kí ức làng tôi sẽ không bao giờ mất.

Truyện ngắn của Đào Nguyên Hải

Nguồn Thái Nguyên: https://baothainguyen.vn/van-hoa/van-hoc-nghe-thuat/202412/huong-lang-ec11164/
Zalo