Hướng hợp tác mới trong lĩnh vực khoa học biển

Vừa qua, tại Khánh Hòa, Trường Đại học Nha Trang phối hợp với Trường Đại học Quốc lập Hải Dương Đài Loan (Trung Quốc) tổ chức Hội thảo quốc tế về khoa học và công nghệ biển - thủy sản lần thứ 5.

Tặng quà cho các Trường Đại học tham gia Hội thảo.Ảnh: Phan Sáu - TTXVN

Tặng quà cho các Trường Đại học tham gia Hội thảo.Ảnh: Phan Sáu - TTXVN

Sự kiện có sự tham gia của gần 200 nhà khoa học uy tín với nhiều công trình nghiên cứu tiêu biểu trong lĩnh vực khoa học công nghệ biển và thủy sản ở trong nước và một số quốc gia, vùng lãnh thổ như: Đài Loan (Trung Quốc), Thái Lan, Philippines, Malaysia, Ấn Độ…

Giáo sư, Tiến sĩ Phạm Quốc Hùng, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Nha Trang cho biết: Tháng 5/2024, tại Đài Bắc, Đài Loan (Trung Quốc) Trường Đại học Nha Trang và Đại học Quốc lập Hải Dương Đài Loan đã nâng cấp mối quan hệ hợp tác và trở thành đối tác chiến lược toàn diện, đánh dấu bước phát triển về cả chiều sâu và rộng trong giai đoạn mới. Cả hai trường có quan hệ hợp tác từ khá sớm trên nhiều lĩnh vực, đặc biệt, cả hai đều là trường đại học đầu tiên đào tạo xuất phát điểm là ngành thủy sản, đến giai đoạn mới hiện nay là đào tạo đa ngành nghề.

Giáo sư, Tiến sĩ Phạm Quốc Hùng khẳng định, ngành thủy sản, đặc biệt là nuôi trồng thủy sản đã và đang phát triển nhanh trong vài thập kỷ qua, tạo việc làm cho người dân, thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội và góp phần tăng sản lượng xuất khẩu ở nhiều quốc gia trên thế giới. Những kết quả trên, có phần đóng góp không nhỏ của các nhà giáo, nhà khoa học trong lĩnh vực nghiên cứu, phát triển công nghệ và xây dựng các giải pháp, chính sách nhằm quản lý và phát triển nuôi trồng thủy sản bền vững. Qua hội thảo lần này, các nghiên cứu mới nhất về khoa học công nghệ biển được trình bày, thảo luận, từ đó mở ra hướng hợp tác mới giữa các nhà khoa học trong lĩnh vực khoa học biển và công nghệ thủy sản.

Hội thảo tập trung chia sẻ, thảo luận các công trình nghiên cứu trên 6 nhóm lĩnh vực: Công nghệ nuôi trồng thủy sản; Môi trường biển và biến đổi khí hậu; Nghề cá bền vừng và bảo tồn nguồn lợi; Chế biến thủy sản và công nghệ sau thu hoạch; Cơ sở hạ tầng, vận tải biển và nuôi trồng thủy sản thông minh; Kinh tế biển và du lịch xanh.

Trình bày chủ đề “Quan điểm của các bên liên quan về tác động của biến đổi khí hậu: Nghiên cứu so sánh về nghề cá quy mô nhỏ ở Ấn Độ, Papua New Guinea và Đài Loan”, Giáo sư Ming An Lee, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Quốc lập Hải Dương Đài Loan cho biết, nghề cá quy mô nhỏ (SSF) 3 đơn vị nói trên hiện nay đang phải đối mặt với những thách thức. Kết quả nghiên cứu cho thấy hoạt động đánh bắt cá truyền thống của ngư dân đang bị suy giảm do nguồn cá suy giảm, biến đổi khí hậu, dân số già đi và việc áp dụng không đầy đủ các kỹ thuật bảo tồn hiện đại. Giáo sư Ming An Lee nhấn mạnh tầm quan trọng của việc thiết lập các khuôn khổ quản lý thích ứng với biến đổi khí hậu, lấy cộng đồng làm trung tâm để bảo vệ các hệ sinh thái trên biển khi thực hiện đánh bắt.

Giáo sư Ming An Lee, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Quốc lập Hải Dương Đài Loan (Trung Quốc) trình bày báo cáo khoa học. Ảnh: Phan Sáu - TTXVN

Giáo sư Ming An Lee, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Quốc lập Hải Dương Đài Loan (Trung Quốc) trình bày báo cáo khoa học. Ảnh: Phan Sáu - TTXVN

Giáo sư Marco Abbiati tại Đại học Bologna, Italy - Tham tán Khoa học và Công nghệ, Đại sứ quán Italy tại Hà Nội, trình bày chủ đề “Các phương pháp tiếp cận tổng hợp để giám sát những thay đổi đa dạng sinh học cho công tác bảo tồn các khu vực đô thị hóa dọc theo bờ biển Nam Trung Bộ Việt Nam” thông tin các rạn san hô của Việt Nam có tính đa dạng sinh học cao và có giá trị kinh tế và sinh thái đáng kể. Tuy nhiên, trong những năm gần đây, hoạt động của con người và biến đổi khí hậu đã gây ra sự suy thoái nghiêm trọng của các môi trường sống này.

Giáo sư Marco Abbiati đưa ra một số cách thức để giám sát tiên tiến đã được thực hiện ở vùng biển Nam Trung Bộ Việt Nam như: Ghi hình video, ảnh quan trắc và cảm biến từ xa cho phép tái tạo kỹ thuật số ba chiều nhanh chóng các rạn san hô, mã vạch DNA không xâm lấn và nhanh chóng để giám sát các cộng đồng sinh vật biển; đồng thời khẳng định các kết quả của các nhà nghiên cứu Italy và Việt Nam sẽ được cho phép dùng làm dữ liệu để thực hiện các chính sách bảo tồn và phục hồi cho các rạn san hô ở Nam Trung Bộ Việt Nam.

Tại hội thảo, Giáo sư Trang Sĩ Trung, Phó Chủ tịch Hội đồng Trường Đại học Nha Trang cho hay, tại Việt Nam hằng năm có khoảng 500.000 tấn phụ phẩm tôm giàu các hợp chất có giá trị như protein, lipid, khoáng chất và một lượng nhỏ carotenoid, chủ yếu là astaxanthin. Việc tận dụng và nâng cao giá trị phụ phẩm tôm giúp thúc đẩy phát triển bền vững, giảm thiểu chất thải và nâng cao giá trị kinh tế trong ngành thủy sản của Việt Nam.

Phan Sáu/TTXVN

Nguồn Bnews: https://bnews.vn/huong-hop-tac-moi-trong-linh-vuc-khoa-hoc-bien/367906.html
Zalo