Hương đồng
HNN - Tháng Tư âm lịch, những cánh đồng lúa chín dẫn con người đi mê mải trong màu vàng của thiên nhiên kỳ diệu. Thiệt khó để tả hết vẻ đẹp của cánh đồng những ngày trước mùa gặt. Mới hôm qua, những chẽn lúa non nẻo đang e thẹn nấp dưới màu lá lúa xanh lục thế mà tuần sau gặp lại lúa đã có vàng mơ, tuần sau nữa trở thành những bông lúa màu vàng sậm, cúi đầu, trĩu hạt. Cánh đồng biến đổi màu sắc như có chiếc đũa thần chạm vào.

Tôi cũng thay đổi liên tục hành trình đi ngắm những cánh đồng lúa chín. Có sáng thì ngược lên Hương Hồ, Thủy Xuân; có chiều thì băng ngang Thủy Phương, Phú Dương; có buổi ra La Chữ; có hôm về Thủy Vân... Mỗi ngày tôi chọn một cung đường, đi bát ngát trong màu lúa chín vàng, đi mê mải trong hương thơm dịu ngọt của ngày mùa. Có lúc cũng dừng lại chào hỏi bác nông dân đi thăm ruộng sớm trên cánh đồng Phú Dương, cũng bởi cánh đồng lúa đẹp quá, còn bác nông dân thân thiện, hiền lành như cây lúa trên đồng.
Trò chuyện với bác, tôi hiểu rằng nghề nông, như ông cha đã nói từ xa xưa: “Trời cho chộ mà không cho ăn” thì đành chịu, phải thấy lúa nằm yên trong bồ thì mới tính là được mùa hay không, chứ lúa còn ở ngoài đồng thì chưa nói trước được. “Trong trăm nghề kiếm sống xưa nay/ Chỉ một nghề nông là cày cấy vất vả/Lúc đầu lúa hạ chín mừng vì chẳng hư/Nhưng đến mùa thu gặt thì chẳng được gì/Ruộng ở cao lo thiếu mưa/Lúa vùng thấp sợ nước lụt”(“Thương xót nghề nông” - thơ vua Minh Mạng - dịch nghĩa: Vĩnh Cao).
Tôi thích chạy xe loanh quanh ngắm những cánh đồng trước ngày gặt, có lúc mình tôi với cánh đồng, có lúc tôi gặp những người đồng điệu tâm hồn như mình, cũng có lúc là những cuộc chuyện trò không định trước, mà nhiều cuộc, ra về rồi lòng cứ vui, cười mãi vì tôi đã có thêm một ông nội hay ông ngoại hay là ông bác, ông chú... Về với ruộng đồng, tôi nhận được những tấm lòng chân chất như lúa rứa đó, món quà vô hình mà giá trị bền lâu thành ký ức đẹp.
Càng đi càng thấy làng quê bây giờ thay đổi nhiều. Trong những cuộc đi, tôi cố thu hết vào mắt, vào tâm trí khung cảnh những cánh đồng lúa hôm nay, vì tôi biết một ngày nào đó cảnh quan này sẽ thay đổi, những tòa chung cư, nhà máy sẽ mọc lên trên một số cánh đồng, như hôm tôi dừng chân trên vùng đất là “cánh đồng An Cựu xưa”, nghe trong giọng nói trầm tĩnh của bác nông dân có tiếng thở dài rất nhẹ “Cánh đồng này đã quy hoạch rồi con, rồi đây sẽ xây nhà ở, nhà máy. Ông già rồi, hết ruộng thì ông cũng nghỉ làm”.
Tôi ngắm những bông lúa chín trên cánh đồng An Cựu nổi tiếng một thời, nghĩ về bao công lao xây dựng làng, xã ngày trước, nhớ tiếng thơ vua Minh Mạng khi đi tuần trên sông Lợi Nông: “Ngoài quách thung dung mới dạo quanh/ Nhọc nhằn ngụ chút khuyến nông tình/ Mắt trông vời vợi đồng tươi tốt/ Lòng thấy lâng lâng lúa mới xanh/ Mòng mọng đã đền người gắng sức/ Dồi dào cũng thỏa nguyện công thành”. Sông Lợi Nông chính là sông An Cựu được vua cho nạo vét, khơi thông dòng chảy vào năm 1814. Hơn 200 năm qua, bao mùa lúa chín vàng đã về trên hàng ngàn mẫu ruộng ở Phú Vang, Hương Thủy. Mỗi mùa vàng thấm đẫm bao mồ hôi, công sức của nhà nông.
Và còn bao nhiêu mùa vàng trên những cánh đồng khác, ở những vùng đất khác. Ở đâu thì hương đồng cũng là sự ẩn mật của tình người, tình cây, tình đất, của xưa và nay, kết trong từng hạt lúa, trong từng sợi rơm, trong từng giọt mồ hôi, trong từng nụ cười, ánh mắt. Đó là hương thơm thẳm sâu của ngày mùa tháng Tư.