Hướng đi nào cho nông sản an toàn?: Nông sản an toàn bán cho ai? (Bài 1)

Sản xuất sạch, sản xuất hữu cơ là hướng đi tất yếu của nền nông nghiệp hiện đại nhưng thực tế hiện nay, nông sản an toàn làm ra bán cho ai? Bán như thế nào? Người sản xuất đã được hưởng lợi xứng đáng hay chưa? Người tiêu dùng hiểu hết giá trị mà nông sản an toàn đem lại cho sức khỏe không? Liệu người sản xuất có còn mặn mà với sản xuất sạch?... là những câu hỏi lớn, cần có lời giải, góp phần cho nông sản an toàn được 'cất cánh'.

Bài 1: Nông sản an toàn bán cho ai?

Đánh đồng giá, chú trọng mẫu mã, chưa quan tâm đến chất lượng sản phẩm, thiếu lòng tin,... là tâm lý chung của người tiêu dùng khi nói về nông sản an toàn.

Lúc 9 giờ ngày 20/4/2025, Cửa hàng rau an toàn Phước Hòa và Cửa hàng rau sạch hữu cơ Hoàng Long Farm (phường 1, TP.Tân An) vẫn thưa khách, nhiều người đến hỏi giá rồi bỏ đi

Lúc 9 giờ ngày 20/4/2025, Cửa hàng rau an toàn Phước Hòa và Cửa hàng rau sạch hữu cơ Hoàng Long Farm (phường 1, TP.Tân An) vẫn thưa khách, nhiều người đến hỏi giá rồi bỏ đi

Từ câu chuyện về giá

Tại chợ Tân An vào các ngày thứ bảy, chủ nhật, người dân đi chợ rất đông, các sạp rau truyền thống tấp nập người mua, bán. Riêng tại Cửa hàng rau an toàn Phước Hòa (thuộc Hợp tác xã Rau an toàn Phước Hòa, xã Phước Vân, huyện Cần Đước, tỉnh Long An) và Cửa hàng rau sạch hữu cơ Hoàng Long Farm vẫn thưa khách, nhiều người đến hỏi giá rồi bỏ đi. Nguyên nhân, giá một số loại nông sản ở đây cao gấp 2-3 lần so với nông sản bán ở các sạp rau truyền thống, từ đó người tiêu dùng so sánh và ít người chọn mua sản phẩm rau an toàn. Cụ thể một số loại nông sản tại sạp rau an toàn có giá bán: Dưa leo 30.000 đồng/kg, bầu 25.000 đồng/kg, trong khi các sạp rau truyền thống, dưa leo, bầu bán giá 10.000 đồng/kg.

Bà Đào Thị Thanh Tuyền - đại diện Cửa hàng rau an toàn Phước Hòa (phường 1, TP.Tân An), cho biết: “Nông sản của cửa hàng đều được sản xuất trong nhà màng, đạt chứng nhận VietGAP, trong đó có một số sản phẩm đạt chuẩn OCOP 3 sao. Cửa hàng thành lập hơn 10 năm, có lượng khách riêng dù khá khiêm tốn. Họ hiểu được chất lượng của nông sản sạch nên mới mua. Đa số khách hàng mua nông sản ở đây đều có thu nhập khá trở lên, người có thu nhập thấp rất ít. Giá nông sản an toàn thường cao hơn bởi chi phí sản xuất lớn so với sản xuất theo kiểu đại trà”.

Gia đình bà Trần Thị Lan là tiểu thương buôn bán rau, củ, quả ở chợ Tân An cả chục năm nay. Với bà, nông sản ở đâu có giá rẻ, hình thức đẹp thì nhập về, không cần biết đến nguồn gốc, miễn bán được là được. Bà Lan chia sẻ: “Khách hàng thấy hình thức đẹp và giá cả hợp lý là mua. Mình bán giá cao hơn các sạp rau khác 1.000 đồng sẽ bị so sánh, có khi mất mối. Còn nông sản sạch nhập giá cao sẽ khó bán được”.

... đến lòng tin

Sản xuất theo hướng an toàn phải đầu tư khá nhiều từ nguồn giống, thiết bị đến cách chăm sóc nhưng lại bị đánh đồng với sản phẩm thông thường, người tiêu dùng vẫn không tin đó là sản phẩm sạch, thậm chí nông phẩm sản xuất ra bán không ai mua,... Điều này khiến những nông dân chân chính đắn đo, hoài nghi về sản xuất sạch, sản xuất hữu cơ, trong đó có nhiều người đã bỏ cuộc, không còn mặn mà với sản xuất sạch.

Sản xuất theo hướng an toàn phải đầu tư khá nhiều từ nguồn giống, thiết bị đến cách chăm sóc

Sản xuất theo hướng an toàn phải đầu tư khá nhiều từ nguồn giống, thiết bị đến cách chăm sóc

Tổ trưởng Tổ hợp tác Trồng rau Phước Vân, huyện Cần Đước - Phạm Văn Nhiễn trải lòng: “Tôi là người tiên phong trong trồng rau VietGAP và vận động nông dân xung quanh tham gia. Làm đúng quy trình rau VietGAP nhưng bán giá cao hơn thì không ai mua, còn bán giá thấp thì chúng tôi không có lợi nhuận. Biết rằng trồng rau VietGAP, người sản xuất sẽ bảo vệ được sức khỏe của mình và gia đình nhưng đầu tư vốn, công sức quá nhiều trong khi lợi nhuận không cao hơn bao nhiêu so với ngoài mô hình nên chúng tôi phải bỏ cuộc, quay lại sản xuất theo kiểu đại trà”.

Năm 2023, Hợp tác xã (HTX) Dịch vụ Nông nghiệp Tân Bình (xã Tân Bình, huyện Tân Thạnh) có 29ha lúa đạt chứng nhận VietGAP. Qua 2 năm, diện tích lúa đạt chứng nhận VietGAP vẫn bán bằng giá lúa thông thường. Điều này làm mất lòng tin của các thành viên HTX.

Giám đốc HTX Dịch vụ Nông nghiệp Tân Bình - Đặng Rô Săng cam kết: “Sau 3 năm, diện tích lúa đạt chuẩn VietGAP sẽ được thẩm định và làm các loại giấy chứng nhận, dự kiến kinh phí gần 90 triệu đồng. Với số tiền này chắc chắn các thành viên HTX sẽ không đồng ý, bởi có chứng nhận VietGAP hay không thì giá lúa vẫn không tăng. Chính vì thế, tôi rất đắn đo, băn khoăn không biết có nên sản xuất theo VietGAP nữa hay không?”.

Khi người mua không thể phân biệt được nông sản an toàn, nông sản sản xuất theo kiểu đại trà, vậy nông dân cần làm gì để có thêm bước tiến nhằm nâng cao giá trị nông sản, xứng đáng với những nỗ lực không ngừng nghỉ trên đồng ruộng của mình. Còn các ngành chức năng sẽ có giải pháp nào?./.

(còn tiếp)

Lê Ngọc

Bài 2: Không để nông dân “một mình, một chợ”

Nguồn Long An: https://baolongan.vn/huong-di-nao-cho-nong-san-an-toan-nong-san-an-toan-ban-cho-ai-bai-1--a194706.html
Zalo