Hướng đi mới trong hợp tác phòng, chống tội phạm mạng xuyên quốc gia

Việt Nam đăng cai tổ chức Lễ mở ký 'Công ước Hà Nội' thể hiện cam kết mạnh mẽ đối với an ninh mạng toàn cầu, mở ra cơ hội nâng cao vị thế Việt Nam trên trường quốc tế. Phóng viên báo Tin tức và Dân tộc đã có cuộc trao đổi với ông Vũ Ngọc Sơn, Trưởng ban Nghiên cứu, tư vấn, phát triển Công nghệ và Hợp tác Quốc tế (Hiệp hội An ninh mạng Quốc gia) về chủ đề này.

Với tư cách là chuyên gia an ninh mạng, theo ông, Công ước Hà Nội về phòng chống tội phạm mạng mang lại ý nghĩa như thế nào trong bối cảnh nhiều quốc gia đang phải đối mặt với các mối đe dọa về an ninh mạng?

Có thể thấy, nhu cầu có một công ước, khung khổ pháp lý chung cho các quốc gia về vấn đề tội phạm mạng có vai trò quan trọng. Hiện nay, giới tội phạm sử dụng không gian mạng để thực hiện các hành vi phạm tội ngày càng gia tăng. Việc xử lý một vụ việc đòi hỏi sự phối hợp của nhiều các quốc gia khác nhau.

Ông Vũ Ngọc Sơn, Trưởng ban Nghiên cứu, tư vấn, phát triển Công nghệ và Hợp tác Quốc tế, Hiệp hội An ninh mạng Quốc gia.

Ông Vũ Ngọc Sơn, Trưởng ban Nghiên cứu, tư vấn, phát triển Công nghệ và Hợp tác Quốc tế, Hiệp hội An ninh mạng Quốc gia.

Đơn cử, vụ tấn công vào website của chính phủ Mỹ và Hàn Quốc trước đây, vào thời điểm đó, cuộc tấn công mặc dù đích nhắm vào website của chính phủ Mỹ và Hàn Quốc, nhưng máy chủ tấn công nằm ở Anh. Sau đó, các đơn vị thực thi pháp luật vào kiểm tra máy chủ ở Anh, phát hiện ra máy chủ ở Anh được điều khiển bởi một máy chủ đặt ở Mỹ. Như vậy, có thể thấy rằng, cùng vụ việc xảy ra, nhưng liên quan đến nhiều quốc gia. Do đó, việc kết hợp giữa các quốc gia cùng điều tra, xử lý là điều vô cùng quan trọng. Với Công ước Hà Nội có nhiều quốc gia cùng tham gia, khi đó sẽ có sự phối hợp, điều phối nhịp nhàng giữa các nước.

Gần đây, các vụ việc tấn công mạng mặc dù xảy ra ở Việt Nam, nhưng đối tượng tội phạm lại nằm ở các quốc gia khác. Các doanh nghiệp ở Việt Nam bị mã hóa dữ liệu, sau đó bị đòi các khoản tiền chuộc để giải mã dữ liệu. Nhờ sự phối hợp, Việt Nam có được khóa giải mã từ các cơ quan thực thi pháp luật của quốc gia khác và không phải trả tiền khôi phục lại dữ liệu cho các doanh nghiệp.

Rõ ràng, Công ước Hà Nội đi vào thực thi sẽ được các quốc gia tôn trọng và tuân thủ theo Công ước. Việc đấu tranh, phòng chống tội phạm mạng không chỉ có ý nghĩa đối với các cơ quan thực thi pháp luật, mà các doanh nghiệp, tổ chức cũng sẽ có được một lớp bảo vệ chắc chắn và có thể xử lý, giải quyết sự cố nhanh.

Trong bối cảnh toàn cầu hóa và sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ số, hợp tác quốc tế trong lĩnh vực an ninh mạng trở thành yếu tố then chốt để các quốc gia và doanh nghiệp nâng cao năng lực bảo vệ an toàn thông tin. Đối với doanh nghiệp an ninh mạng, Công ước này tạo ra cơ hội nào cho các doanh nghiệp Việt Nam trong lĩnh vực an ninh mạng, thưa ông?

Công ước Hà Nội được kỳ vọng sẽ mang lại nhiều cơ hội cho các doanh nghiệp, các tổ chức về an ninh mạng tại Việt Nam. Việt Nam đang cố gắng phát triển ngành công nghiệp an ninh mạng. Đây là ngành công nghiệp giúp Việt Nam có thể ghi dấu ấn thị trường quốc tế. Tuy nhiên, trong những năm vừa qua, mới dừng lại ở các giải thưởng tại một số cuộc thi an ninh mạng. Những giải thưởng này chưa thực sự tương xứng với tiềm năng và vị thế của an ninh mạng Việt Nam trên thị trường quốc tế.

Một trong những nguyên nhân các doanh nghiệp, tổ chức an ninh mạng Việt Nam gặp khó khi đưa các sản phẩm, dịch vụ ra nước ngoài chủ yếu liên quan đến pháp lý của các nước. Hy vọng, Công ước Hà Nội sẽ giúp khoảng cách pháp lý của các quốc gia sẽ được kéo lại gần nhau. Khi đó, Việt Nam sẽ tiếp cận được các tiêu chuẩn mang tính quốc tế và các sản phẩm, dịch vụ của Việt Nam có thể đáp ứng được các tiêu chuẩn, yêu cầu tại các quốc gia khác.

Việc chuyển giao về công nghệ, tiếp cận với công nghệ cũng sẽ thuận lợi hơn nhiều so với các doanh nghiệp Việt Nam. Đối với giới công nghệ Việt Nam, đây là cơ hội lớn. Công ước được mở ký ở Việt Nam tạo cơ hội để doanh nghiệp Việt Nam có thể giới thiệu các sản phẩm, dịch vụ tới nhiều quốc gia khác. Từ đó mở ra những cơ hội để phát triển sản phẩm, dịch vụ ra thị trường quốc tế.

Một chính sách hiệu quả không chỉ dừng lại ở văn bản, cần có cơ chế thực thi rõ ràng và sự tham gia tích cực từ nhiều bên liên quan. Hiệp hội An ninh mạng Quốc gia với vai trò cầu nối giữa các cơ quan quản lý, doanh nghiệp và cộng đồng chuyên gia công nghệ có những đóng góp gì trong việc triển khai thực hiện Công ước Hà Nội thời gian tới, thưa ông?

Hiệp hội An ninh mạng quốc gia được giao nhiệm vụ tham gia tổ chức lễ mở ký Công ước tại Việt Nam là vinh dự, trách nhiệm lớn. Hiệp hội xác định sẽ phải có những hoạt động tương xứng với quy mô và tầm vóc của sự kiện này. Hiệp hội đã triển khai các hoạt động liên quan đến tuyên truyền, vận động các doanh nghiệp thành viên của Hiệp hội tham gia tích cực vào các công việc chung của quốc gia, hoàn thiện hành lang pháp lý, nâng cao năng lực về kỹ thuật cho các bên liên quan.

Bên cạnh đó, với Công ước Hà Nội, Việt Nam sẽ mở ra những cơ hội về hợp tác, chuyển giao công nghệ. Hiệp hội sẽ là đơn vị cầu nối giữa các Hiệp hội, tổ chức An ninh mạng trên thế giới và các đơn vị, tổ chức làm về an ninh mạng tại Việt Nam tiếp nhận các công nghệ có thể hợp tác, chuyển giao. Điều này sẽ giúp cho các sản phẩm, dịch vụ an ninh mạng của Việt Nam có một vị thế, tầm cao mới, thay vì làm trong nước.

Việt Nam đang có những bước tiến mạnh mẽ trong việc nâng cao năng lực an ninh mạng và ngày càng khẳng định vị thế trong khu vực. Công ước Hà Nội không chỉ là một công cụ pháp lý, mà còn tạo ra động lực để Việt Nam trở thành một trung tâm an ninh mạng của khu vực và thế giới. Vậy, Hiệp hội có chiến lược gì trong tương lai để tiếp tục thúc đẩy mục tiêu này, thưa ông?

Mục tiêu của Việt Nam là sẽ đẩy mạnh ngành công nghiệp an ninh mạng, phấn đấu trở thành cường quốc về an ninh mạng trên thế giới. Công ước Hà Nội sẽ tạo ra được một tiêu chuẩn chung cho các quốc gia về an ninh mạng. Hiệp hội An ninh mạng đang chuẩn hóa lại trình độ, kỹ năng của giới chuyên môn, giới chuyên gia về an ninh mạng tại Việt Nam.

Bên cạnh đó, Hiệp hội cũng sẽ tham gia vào việc sản xuất, cung cấp các sản phẩm, giải pháp theo nhu cầu của các nước, không riêng của Việt Nam. Ngoài ra, đối với thị trường thế giới hiện nay, để làm được một sản phẩm, dịch vụ an ninh mạng có thể đáp ứng được yêu cầu của các tổ chức, đòi hỏi tính thực chiến cao. Việt Nam đang là quốc gia bị tấn công an ninh mạng thuộc top đầu thế giới. Việc này lại cũng là lợi thế cho các chuyên gia, công ty làm về an ninh mạng tại Việt Nam, có môi trường thực tế lớn để làm ra những sản phẩm, giải pháp phù hợp với nhu cầu ở Việt Nam và trên toàn cầu.

Hiệp hội có những đề xuất nào để thúc đẩy hợp tác công - tư, giúp Việt Nam xây dựng một hệ sinh thái an ninh mạng vững chắc không, thưa ông?

Hiệp hội đã có những đề xuất liên quan đến việc chia sẻ thông tin tình báo an ninh mạng trong lĩnh vực công và tư. Hiện nay, việc chia sẻ các thông tin tình báo an ninh mạng khá hữu ích và có giá trị với tất cả các bên liên quan. Về phía khu vực công, các cơ quan quản lý sẽ có những thông tin mang tính chính thức từ việc hợp tác với các quốc gia trên thế giới, còn khu vực tư sẽ có những chuyên gia tham gia vào các vụ việc cụ thể và có những thông tin tình báo liên quan đến việc nghiên cứu và hợp tác với các công ty, tổ chức trên thế giới.

Mặt khác, Hiệp hội cũng đã đề xuất nền tảng đào tạo cho các chuyên gia, cán bộ tại Việt Nam thông qua nền tảng đào tạo online, giúp tiết kiệm được chi phí liên quan đến tổ chức, vận hành các hệ thống đào tạo trực tiếp và có thể tiếp cận được nhiều người hơn.

Hiệp hội cũng đang đề xuất Chính phủ, các cơ quan quản lý có thể tạo ra những cơ chế, chính sách để khuyến khích và hỗ trợ cho các doanh nghiệp làm về an ninh mạng tư nhân tham gia vào các sản phẩm, giải pháp của quốc gia, nhằm giúp cho các sản phẩm của Việt Nam được phát triển hơn, đóng góp nhiều hơn vào sự phát triển chung của an ninh mạng Việt Nam.

Xin trân trọng cảm ơn ông!

Công ước Liên hợp quốc về tội phạm mạng được Đại hội đồng Liên hợp quốc chính thức thông qua ngày 24/12/2024. Công ước gồm 9 chương, 71 điều khoản là kết quả của gần 5 năm thương lượng liên tục và kéo dài (2021-2024) giữa các quốc gia thành viên nhằm xây dựng một khuôn khổ pháp lý đa phương toàn diện để đấu tranh với loại tội phạm nguy hiểm này. Công ước Hà Nội sẽ đánh dấu lần đầu tiên điều ước quốc tế đa phương mang tầm vóc toàn cầu về lĩnh vực an ninh mạng và quản trị số được ký kết tại Việt Nam.

XM/Báo Tin tức và Dân tộc

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/khoa-hoc-cong-nghe/huong-di-moi-trong-hop-tac-phong-chong-toi-pham-mang-xuyen-quoc-gia-20250505230833580.htm
Zalo