Hướng đi đúng của một nền bóng đá
Là quốc gia Trung Á trẻ về tuổi đời, tách ra từ Liên Xô (cũ) cách đây hơn 30 năm, Uzbekistan được thừa hưởng một nền thể thao từng thuộc nhóm đầu thế giới (đoàn thể thao Liên Xô và Mỹ vẫn thường thay nhau dẫn đầu sân chơi Olympic). Nền thể thao ấy tuy có sa sút sau những biến cố đầu thập niên 1990 (do ít được quan tâm hơn trước) nhưng vẫn thuộc loại top trên của châu lục (Uzbekistan thường xuyên nằm trong nhóm 5 nước có thành tích tốt nhất tại các kỳ Á vận hội - chỉ sau 3 'ông lớn': Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc). Chính vì vậy, trên nhiều phương diện, thể thao Uzbekistan có không ít điểm đáng để chúng ta học tập, trong đó có hướng đi đúng, cách đào tạo bài bản của một nền bóng đá!

Thật vậy, hướng đi đúng, cách đào tạo bài bản của người Uzbekistan là tập trung vào bóng đá trẻ. Trên bình diện bóng đá người lớn (qua tuổi 23) hay đội tuyển quốc gia, dù từng đoạt chức vô địch Á vận hội Hirosima 1994 thì người Uzbekistan vẫn kém một chút nếu so với 4 người “khổng lồ” của lục địa vàng là Nhật Bản, Hàn Quốc, Iran, Saudi Arabia; sau có thêm Australia từ châu Đại Dương xin gia nhập. Đội bóng Trung Á đã có lúc rất gần với sân chơi World Cup thì bị loại tức tưởi ở các trận đấu vớt. Thế nhưng, điều đáng nói là người
Uzbekistan không hề nóng vội. Thay vào đó, họ kiên trì đầu tư, tập trung nguồn lực cho bóng đá trẻ - nền móng của bất cứ làng bóng nào. Nền móng có bền vững thì mới có cơ hội để vươn đến đỉnh cao, giữ được vị thế lâu dài; ngược lại, chọn cách làm theo kiểu ngắt ngọn và ăn xổi, cũng có thể đạt được thành tích trước mắt nhưng thiếu ổn định, càng không lâu dài.
Ở thời điểm hiện tại, nếu coi bóng đá trẻ là tương lai của mỗi làng cầu thì bóng đá Uzbekistan đang có một tương lai đầy hứa hẹn. Chắc chắn, chỉ đôi ba năm nữa thôi, họ đủ sức cạnh tranh sòng phẳng trên sân cỏ với những Hàn Quốc, Nhật Bản hay Iran, Saudi Arabia... Không kể đến đội tuyển bóng đá quốc gia Uzbekistan đang tràn đầy cơ hội giành tấm vé chính thức, trực tiếp đến World Cup 2026 thì các đội trẻ của họ cũng đã cho thấy bóng dáng của một thế lực hàng đầu châu lục.
Với lứa cầu thủ U20, đội U20 Uzbekistan tuy tham gia có phần muộn (giải được tổ chức lần đầu năm 1959) nhưng trong vòng hơn một thập niên trở lại đây, các cầu thủ trẻ đến từ Trung Á mới là những người gây ấn tượng mạnh với giới chuyên môn và người hâm mộ khi có 2 lần vào đến vòng bán kết (các năm 2012, 2014), giành á quân năm 2008 và đoạt chức vô địch năm 2023.
Và cả với lứa cầu thủ U23. Giải vô địch bóng đá U23 châu Á, qua 6 lần tổ chức thì có đến 4/6 lần người Uzbekistan vào đến vòng bán kết, ngoài tấm Huy chương Vàng năm 2018, đội U23 Uzbekistan còn 2 lần đoạt Huy chương Bạc liên tiếp vào các năm 2022, 2024. Thật khó để bất kỳ đội U23 nào có thể tái lập thành tích: đá 3/4 trận chung kết liên tiếp như thế!
Sẽ là thiếu sót nếu không nhắc tới ở đây đội bóng đá U17 Uzbekistan. Giải U17 châu Á được tổ chức lần đầu năm 1985, đến nay đã qua 18 lần tổ chức. Trong 7 lần tổ chức gần đây nhất, đội U17 Uzbekistan cũng có tới 3 lần chơi trận chung kết: 1 lần á quân (2010); 2 lần vô địch (các năm 2012, 2025). Đặc biệt, tại giải U17 vô địch châu Á năm nay, trong khi đội U17 Việt Nam bị loại từ vòng bảng, sau 3 trận toàn hòa cùng tỷ số 1-1 thì đội U17 Uzbekistan đã giành chức vô địch. Họ là một trong hai nhà vô địch thuyết phục nhất của giải đấu này từ trước đến nay với thành tích toàn thắng (6 trận), đồng thời thâu tóm mọi danh hiệu cá nhân: vua phá lưới (Aliev: 5 bàn thắng/6 trận); cầu thủ xuất sắc nhất giải đấu (Khasanov); thủ môn xuất sắc nhất (Rustamjonov: chỉ để lọt lưới 2 bàn thua/6 trận)...
Nhận thức đúng về bóng đá trẻ và kiên định với con đường đã chọn, giờ là lúc người Uzbekistan gặt hái “quả ngọt” một cách bền vững. Ba lứa cầu thủ trẻ U17, U20, U23 là “xương sống” của mọi nền bóng đá thì với cả 3 lứa cầu thủ trẻ này, họ đều đứng đầu châu Á. Đội tuyển quốc gia Uzbekistan cũng sắp lên “chuyến tàu” World Cup. Thiết tưởng, cách làm bóng đá của người Uzbekistan rất đáng để chúng ta học hỏi!