Hướng đi cho Thể thao Việt Nam đến năm 2030 và tầm nhìn 2045?
Ngày 12/11, tại Hà Nội, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch (VHTTDL) đã tổ chức Hội nghị triển khai Chiến lược phát triển Thể dục thể thao (TDTT) Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Phát biểu khai mạc, ông Hoàng Đạo Cương - Thứ trưởng Bộ VHTT&DL cho biết: "Trên cơ sở tổng kết Nghị quyết số 08 và Chiến lược phát triển thể dục, thể thao Việt Nam đến năm 2020, Bộ VHTT&DL đã đề xuất xây dựng chiến lược mới có sự kế thừa những thành tựu của giai đoạn vừa qua, phát huy những mặt tích cực, khắc phục những mặt hạn chế, đưa ra định hướng, mục tiêu nhiệm vụ và giải pháp phát triển phù hợp trong giai đoạn tới".
Ngày 15/10/2024, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 1189/QĐ-TTg ban hành Chiến lược phát triển TDTT đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Chiến lược là một bước tiến mới, đánh dấu sự chuyển đổi trong cách tiếp cận và phát triển thể thao của đất nước.
Đây cũng là cơ sở pháp lý để thu hút đầu tư, phân bổ nguồn lực; khai thác, phát huy tối đa các tiềm năng, thế mạnh nhằm hiện thực hóa mục tiêu "Xây dựng nền TDTT phát triển bền vững, chuyên nghiệp” đến năm 2045".
Tại hội nghị, Nguyễn Vụ trưởng Vụ thể thao thành tích cao Nguyễn Hồng Minh cho biết, tham gia SEA Games có một mặt trái tiêu cực là phụ thuộc vào các quốc gia tổ chức. Chúng ta sẽ bị phân tán lực lượng, thành tích nếu phụ thuộc.
Về chiến lược, có 1 vấn đề tôi muốn góp ý là không nên đặt mục tiêu top 2, top 3 trên bảng tổng sắp huy chương, mà thay vào đó phấn đấu đứng đầu SEA Games ở những môn thể thao ASIAD, Olympic như cử tạ, bắn súng, bắn cung, điền kinh…
"Muốn làm được điều đó, cần thống nhất hệ thống thi đấu các môn và nội dung tại Đại hội TDTT, từ việc huấn luyện tại các địa phương. Đại hội TDTT cần điều chỉnh thiết thực chứ không phải thay đổi về quy mô to hơn. Qua Đại hội, chúng ta mới có thể tuyển chọn được vận động viên chuẩn bị cho những đấu trường quốc tế", ông Hồng Minh nhấn mạnh.
Theo ông Nam Nhân - Phó Giám đốc Sở Văn hóa Thể thao TP.HCM, thể thao Việt Nam đối diện thách thức từ sự phân bổ nguồn lực ngân sách. Nếu không có đề án, hạ tầng, chính sách phù hợp để đôi bên cùng có lợi giữa doanh nghiệp và nhà nước, khối tư nhân có thể không tham gia tích cực vào thể thao.
Do vậy, cần tháo gỡ khó khăn đầu tư từ nguồn ngân sách trung ương, địa phương và xã hội hóa và hình thành trung tâm huấn luyện thể thao quốc gia để chia sẻ gánh nặng với trung ương.