GS-TS Nguyễn Trường Thịnh: Nhân lực công nghệ nội địa là chìa khóa của 'Make in Vietnam'

Để thực hiện chiến lược 'Make in Vietnam', nhân lực công nghệ trong nước có vai trò đặc biệt quan trọng và cần giải pháp để lực lượng này không chỉ là người thực thi, mà còn là người sáng tạo, dẫn dắt công nghệ.

Với việc Luật Công nghiệp công nghệ số vừa được Quốc hội thông qua, Việt Nam có một đạo luật riêng để điều chỉnh toàn diện lĩnh vực công nghiệp công nghệ số - trụ cột của nền kinh tế số và chuyển đổi số quốc gia.

Luật này không chỉ tạo hành lang pháp lý thúc đẩy đổi mới sáng tạo, phát triển các doanh nghiệp "Make in Vietnam", mà còn mở ra cơ hội định hình những ngành công nghiệp mới như trí tuệ nhân tạo (AI), chuỗi khối (blockchain), thực tế ảo và dữ liệu lớn.

Trong đó, để thực hiện chiến lược "Make in Vietnam", các chuyên gia cho rằng vai trò của nhân lực công nghệ bản địa đặc biệt quan trọng và cần giải pháp để lực lượng này không chỉ là người thực thi, mà còn là người sáng tạo, dẫn dắt công nghệ.

Phóng viên Một Thế Giới đã có cuộc trao đổi nhanh với GS-TS Nguyễn Trường Thịnh, Viện trưởng Viện Công nghệ thông minh và tương tác, Đại học Kinh tế TP.HCM (UEH) xoay quanh vấn đề này.

- Thưa ông, nhìn nhận một cách khái quát, ông đánh giá thế nào về chất lượng nhân sự lĩnh vực công nghệ thông tin của Việt Nam hiện nay?

- GS-TS Nguyễn Trường Thịnh: Hiện nay, chất lượng nhân sự trong lĩnh vực công nghệ thông tin của Việt Nam đang có những chuyển biến tích cực và đáng ghi nhận.

Nhiều bạn trẻ được đào tạo bài bản, có tư duy sáng tạo, khả năng tự học tốt và nắm bắt nhanh các công nghệ mới như AI, dữ liệu lớn hay blockchain.

Đặc biệt, trong lĩnh vực AI, đây chính là một trụ cột công nghệ của tương lai, vì vậy Việt Nam cần sớm có chiến lược đầu tư dài hạn và bài bản để phát triển đội ngũ chuyên gia, hình thành các trung tâm nghiên cứu mạnh và từng bước làm chủ công nghệ cốt lõi.

GS-TS Nguyễn Trường Thịnh, Viện trưởng Viện Công nghệ thông minh và tương tác, Đại học Kinh tế TP.HCM (UEH)

GS-TS Nguyễn Trường Thịnh, Viện trưởng Viện Công nghệ thông minh và tương tác, Đại học Kinh tế TP.HCM (UEH)

Nhân sự CNTT Việt Nam hiện không chỉ đáp ứng nhu cầu trong nước mà còn từng bước khẳng định vị thế trên thị trường quốc tế qua các dự án phần mềm, khởi nghiệp công nghệ và tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu.

Tuy nhiên, để phát triển bền vững và vươn xa hơn, chúng ta cần tiếp tục đầu tư mạnh mẽ vào đào tạo chuyên sâu, kỹ năng mềm, tư duy hệ thống và khả năng làm việc trong môi trường quốc tế. Nếu làm tốt điều này, tôi tin rằng Việt Nam hoàn toàn có thể trở thành trung tâm công nghệ và đổi mới sáng tạo của khu vực trong thập niên tới.

- Nhiều doanh nghiệp than phiền thiếu nhân sự trình độ cao, đặc biệt là trong các lĩnh vực như AI, blockchain, an ninh mạng... Vậy theo ông, đâu là hạn chế trong đào tạo nhân lực công nghệ hiện nay?

- GS-TS Nguyễn Trường Thịnh: Đúng là hiện nay, nhiều doanh nghiệp đặc biệt trong các lĩnh vực công nghệ cao như AI, blockchain hay an ninh mạng, hiện đang gặp khó khăn trong việc tìm kiếm và giữ chân đội ngũ nhân sự chất lượng cao.

Theo tôi, nguyên nhân cốt lõi nằm ở sự thiếu gắn kết giữa đào tạo hàn lâm và nhu cầu thực tiễn của thị trường. Nhiều chương trình đào tạo vẫn còn nặng lý thuyết, thiếu tính cập nhật với xu hướng công nghệ toàn cầu, trong khi kỹ năng thực hành, tư duy hệ thống và khả năng làm việc trong môi trường đa ngành, đa văn hóa chưa được chú trọng đúng mức.

Hơn nữa, việc đầu tư cho nghiên cứu và phát triển (R&D) tại các trường đại học và trung tâm đào tạo vẫn còn hạn chế, dẫn đến thiếu các sân chơi, dự án lớn để sinh viên và giảng viên rèn luyện chuyên môn ở tầm cao.

Muốn khắc phục điều này, chúng ta cần một hệ sinh thái đào tạo mở, trong đó nhà trường, doanh nghiệp và nhà nước cùng phối hợp xây dựng chương trình học tiên tiến, gắn với thực tiễn, thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp sáng tạo và đào tạo liên tục theo định hướng suốt đời.

- Luật Công nghiệp công nghệ số vừa được Quốc hội thông qua quy định nhiều chính sách thu hút nhân tài trong lĩnh vực công nghiệp công nghệ số. Ông đánh giá thế nào về những chính sách này?

- GS-TS Nguyễn Trường Thịnh: Luật Công nghiệp công nghệ số, có hiệu lực từ ngày 1.1.2026, là một bước tiến thể chế đột phá khi Việt Nam trở thành một trong những quốc gia đầu tiên có luật riêng cho ngành này.

Cần chính sách thu hút nhân tài, ưu đãi doanh nghiệp phát triển công nghệ

Cần chính sách thu hút nhân tài, ưu đãi doanh nghiệp phát triển công nghệ

Các chính sách ưu đãi từ miễn giảm thuế thu nhập cá nhân 5 năm, tạo cơ chế thẻ tạm trú 5 năm cho chuyên gia nước ngoài, đến hỗ trợ tín dụng, đất đai, R&D và ưu tiên đặt hàng sản phẩm “Make in Vietnam” trong các dự án ngân sách rõ ràng đã tạo ra môi trường hấp dẫn để thu hút nhân tài, đặc biệt trong các lĩnh vực như AI, bán dẫn, an ninh mạng.

Tuy nhiên, chúng ta cần bổ sung các chính sách mang tính đột phá hơn như miễn thuế lâu dài, đơn giản hóa thủ tục lưu trú, tăng cường hỗ trợ sinh viên giỏi, để thực sự cạnh tranh nguồn nhân lực toàn cầu.

Như vậy, với các chính sách hiện nay cùng tinh thần triển khai quyết liệt, Việt Nam đã đi đúng hướng. Song nếu muốn trở thành điểm đến hàng đầu cho nhân tài công nghệ cao, chúng ta cần linh hoạt hơn và tiếp tục hoàn thiện cơ chế, đảm bảo quyền lợi đủ sâu, đủ rộng và thủ tục thực thi thực sự thông thoáng.

- Trong chiến lược "Make in Vietnam", theo ông vai trò của nhân lực công nghệ bản địa quan trọng thế nào? Làm sao để lực lượng này không chỉ là người thực thi, mà còn là người sáng tạo, dẫn dắt công nghệ?

- GS-TS Nguyễn Trường Thịnh: Trong chiến lược “Make in Vietnam”, nhân lực công nghệ tại địa phương đóng vai trò then chốt, không chỉ là lực lượng thực thi mà cần trở thành trung tâm sáng tạo, làm chủ công nghệ và kiến tạo giá trị mới. Đây là yếu tố quyết định để Việt Nam không chỉ gia công cho thế giới mà thực sự xây dựng được các sản phẩm, nền tảng công nghệ mang dấu ấn riêng, có năng lực cạnh tranh toàn cầu.

Để hiện thực hóa điều này, chúng ta cần thay đổi cách tiếp cận trong đào tạo và sử dụng nhân lực. Trước hết, phải xây dựng một hệ sinh thái phát triển nhân tài bền vững, nơi các trường đại học, viện nghiên cứu và doanh nghiệp công nghệ cùng phối hợp để đào tạo gắn với thực tiễn; khuyến khích tư duy phản biện, giải quyết vấn đề, và đổi mới sáng tạo ngay từ giảng đường.

Thay đổi cách tiếp cận trong đào tạo và sử dụng nhân lực để thoát gia công, kiến tạo giá trị công nghệ

Thay đổi cách tiếp cận trong đào tạo và sử dụng nhân lực để thoát gia công, kiến tạo giá trị công nghệ

Song song đó, cần tạo ra các cơ chế hỗ trợ mạnh mẽ hơn cho nghiên cứu ứng dụng, khởi nghiệp công nghệ, và chuyển giao tri thức, để các kỹ sư, chuyên gia công nghệ Việt Nam có môi trường phát huy năng lực và dám dấn thân vào những bài toán lớn của đất nước.

Khi đó, lực lượng này sẽ không còn chỉ là người làm theo, mà sẽ là người kiến tạo đúng với tinh thần “Make in Vietnam” với các sản phẩm thiết kế tại Việt Nam, sáng tạo tại Việt Nam và làm chủ bởi người Việt Nam.

- Theo ông, cần thêm những giải pháp gì để phát triển nguồn nhân lực công nghệ số tại Việt Nam lớn mạnh, để đáp ứng nhiệm vụ đưa KH-CN, đổi mới sáng tạo trở thành động lực tăng trưởng mới?

- GS-TS Nguyễn Trường Thịnh: Để phát triển nguồn nhân lực công nghệ số đáp ứng yêu cầu đưa khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo trở thành động lực tăng trưởng mới, Việt Nam cần một chiến lược tổng thể, nhất quán và có chiều sâu.

Trước hết, cần đổi mới mạnh mẽ chương trình đào tạo ở tất cả các cấp, nhất là trong các lĩnh vực then chốt như AI, dữ liệu lớn, an ninh mạng, công nghệ bán dẫn... Chương trình học phải bám sát thực tiễn, cập nhật nhanh xu hướng toàn cầu và khơi dậy tư duy sáng tạo, liên ngành.

Ngoài ra, việc xây dựng hệ sinh thái hợp tác giữa nhà nước, nhà trường và doanh nghiệp là vô cùng quan trọng, trong đó doanh nghiệp giữ vai trò dẫn dắt, kết nối thực tế với đào tạo.

Không chỉ ưu đãi, việc xây dựng hệ sinh thái hợp tác giữa nhà nước, nhà trường và doanh nghiệp cũng vô cùng quan trọng

Không chỉ ưu đãi, việc xây dựng hệ sinh thái hợp tác giữa nhà nước, nhà trường và doanh nghiệp cũng vô cùng quan trọng

Tôi cho rằng cũng rất cần thiết triển khai các chính sách ưu đãi vượt trội để thu hút và giữ chân nhân tài từ chuyên gia cao cấp đến sinh viên giỏi. Chính sách cần được thiết kế với tầm nhìn cạnh tranh quốc tế, đi kèm là một môi trường làm việc sáng tạo, mở và khuyến khích đổi mới.

Cuối cùng, đầu tư vào hạ tầng nghiên cứu và các trung tâm đổi mới sáng tạo sẽ là điều kiện then chốt để nhân lực công nghệ số có không gian thử nghiệm, khởi nghiệp và tạo ra giá trị thực tiễn.

Khi con người được đặt vào vị trí trung tâm của chiến lược phát triển công nghệ số, Việt Nam sẽ có nền tảng vững chắc để bứt phá và trở thành quốc gia dẫn đầu trong cuộc cách mạng công nghiệp mới.

- Xin cảm ơn ông!

Trí Lâm (thực hiện)

Nguồn Một Thế Giới: https://1thegioi.vn/gs-ts-nguyen-truong-thinh-nhan-luc-cong-nghe-noi-dia-la-chia-khoa-cua-make-in-vietnam-234500.html
Zalo