Hướng đến tăng trưởng tín dụng an toàn, hiệu quả
Với quy mô lao động dưới 200 người, tổng nguồn vốn dưới 100 tỷ đồng hoặc tổng doanh thu của năm trước liền kề không quá 300 tỷ đồng, các doanh nghiệp nhỏ và vừa phải đối mặt với nhiều khó khăn trên thương trường. Ngoài ra, do thiếu tài sản bảo đảm, phương án kinh doanh chưa khả thi, báo cáo tài chính chưa chuẩn xác nên nhiều doanh nghiệp nhỏ và vừa gặp khó trong tiếp cận vốn tín dụng từ ngân hàng.
Trao đổi với phóng viên, TS Tô Hoài Nam, Phó chủ tịch Thường trực kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam (VINASME) đánh giá, thời gian qua, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cùng các ngân hàng thương mại đã rất cố gắng trong việc hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa. Đặc biệt là công tác hỗ trợ vay vốn và miễn, giảm lãi suất cho người dân, doanh nghiệp tại các khu vực bị ảnh hưởng bởi bão số 3 cũng như những doanh nghiệp có nhu cầu vay vốn phục vụ sản xuất trong dịp cuối năm. Một số ngân hàng đã tích cực thực hiện tiết giảm chi phí hoạt động, san sẻ một phần lợi nhuận để dành hỗ trợ giảm lãi suất cho vay đối với khách hàng như: Agribank, Vietcombank, BIDV, VietinBank, SeABank, SHB...
Về mặt mục tiêu của hoạt động ngân hàng, đó là góp phần kiểm soát tỷ lệ lạm phát, bảo đảm an ninh tiền tệ, phối hợp hài hòa chính sách tiền tệ với chính sách tài khóa để thực hiện các mục tiêu kinh tế vĩ mô mà Chính phủ đề ra. Trước ảnh hưởng của cơn bão số 3, đã có nhiều doanh nghiệp nhỏ và vừa bị thiệt hại nặng nề nên đến kỳ trả nợ lãi vay ngân hàng mà họ không trả được thì ngành ngân hàng phải có giải pháp xử lý phù hợp. “Ngành ngân hàng cần dành sự quan tâm đặc biệt để giúp các doanh nghiệp nhỏ và vừa bị ảnh hưởng bởi bão số 3 sớm thoát khỏi khó khăn, phục hồi và phát triển sản xuất. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện cần phải có chính sách minh bạch, rõ ràng, đúng đối tượng thụ hưởng, tránh tình trạng một số doanh nghiệp nhỏ và vừa không bị ảnh hưởng bởi bão số 3 nhưng tìm cách trục lợi để trốn tránh việc trả nợ, dẫn đến làm nợ xấu tăng lên”, TS Tô Hoài Nam lưu ý.
Về tăng trưởng tín dụng, tính đến ngày 31-10-2024, tín dụng tăng 10,08%. Các chuyên gia cho rằng, để mục tiêu tăng trưởng tín dụng năm 2024 đạt 15% thì Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cần thực hiện các giải pháp điều hành tín dụng chủ động, linh hoạt, phù hợp với diễn biến kinh tế vĩ mô, lạm phát, đáp ứng nhu cầu vốn cho nền kinh tế. Ngành ngân hàng phải hướng đến tăng trưởng tín dụng an toàn, hiệu quả, hướng tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên và các động lực tăng trưởng theo chủ trương của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Đồng thời kiểm soát tín dụng vào các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro; rà soát, đơn giản hóa thủ tục, hồ sơ vay vốn, tài sản bảo đảm, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp (nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa) và người dân tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng; tạo điều kiện cho khách hàng vay vốn mà không có tài sản bảo đảm nhưng vẫn kiểm soát hiệu quả nợ xấu.