Hướng đến nghề cá bền vững

(Báo Quảng Ngãi)- Thời gian qua, các cấp, ngành và ngư dân trong tỉnh đã nỗ lực thực hiện nhiều giải pháp chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU), góp sức cùng cả nước gỡ “thẻ vàng” cho thủy sản.

Khai thác hải sản đúng quy định

Sau 20 ngày bám biển, tàu cá của ngư dân Võ Hải, ở xã Bình Châu (Bình Sơn), đã cập cảng cá Tịnh Hòa (TP.Quảng Ngãi) để bốc dỡ hải sản. Phiên biển cuối năm 2024 tuy không thắng lớn do thời tiết bất lợi, nhưng anh Hải và các thuyền viên trên tàu vẫn vui vẻ vì chuyến biển an toàn, có thêm thu nhập để chi tiêu trong dịp Tết. Ngư dân Hải chia sẻ, mặc dù hoạt động đánh bắt thủy sản trên biển đôi lúc gặp khó khăn, nhưng chúng tôi luôn tuân thủ các quy định về chống khai thác IUU. Nếu khai thác thủy sản bất hợp pháp, ngư dân không chỉ bị thiệt hại về kinh tế, mà có thể sẽ phải đối mặt với xử lý hình sự.

Tháng 7/2024, thuyền trưởng Võ Thành Vinh, ở xã Tịnh Khê (TP.Quảng Ngãi), tham dự buổi tuyên truyền về phòng chống IUU do BĐBP tỉnh và các ngành chức năng tổ chức. Sau khi nghe thông tin, anh cùng các ngư dân khác được lực lượng BĐBP tặng cờ Tổ quốc, ảnh Bác Hồ và đặc biệt có chiếc móc khóa khắc số điện thoại liên lạc của các đồn biên phòng. Mô hình “móc khóa đường dây nóng” là sáng kiến từ các đơn vị biên phòng quản lý tuyến biên giới đất liền, đã được BĐBP tỉnh áp dụng cho tuyến biên giới biển của tỉnh.

Bộ đội Biên phòng tỉnh tặng cờ Tổ quốc và móc khóa đường dây nóng cho ngư dân. Ảnh: Xuân thiên

Bộ đội Biên phòng tỉnh tặng cờ Tổ quốc và móc khóa đường dây nóng cho ngư dân. Ảnh: Xuân thiên

Anh Vinh chia sẻ, trước đây, lực lượng BĐBP tổ chức tuyên truyền pháp luật, phát tờ rơi, hướng dẫn một số nội dung về khu vực đánh bắt trên biển cho ngư dân. Năm nay, BĐBP tặng thêm chiếc móc khóa có số điện thoại của các đồn biên phòng, giúp chúng tôi liên hệ dễ dàng với đất liền khi cần thiết. Những món quà này được chúng tôi mang theo trên tàu, nhắc mỗi ngư dân phải chấp hành các quy định, chung tay gỡ “thẻ vàng” thủy sản.

Quảng Ngãi là một trong 3 tỉnh có số lượng tàu thuyền lớn nhất cả nước. Tính đến cuối năm 2024, tổng số tàu cá của tỉnh đã đăng ký hơn 4.700 tàu; 100% tàu cá đã đăng ký được đánh dấu. Có hơn 3.600 tàu cá được cấp giấy phép khai thác thủy sản theo hạn ngạch mới, đạt 75%. Toàn tỉnh có hơn 2.980 tàu cá có chiều dài 15m trở lên đã lắp đặt thiết bị giám sát hành trình (VMS), đạt 99%.

Toàn tỉnh hiện có 5 cảng cá được Bộ NN&PTNT chỉ định là cảng cá đủ điều kiện xác nhận nguồn gốc thủy sản gồm: Tịnh Kỳ, Tịnh Hòa, Lý Sơn, Mỹ Á và Sa Huỳnh. Những năm qua, từ các nguồn vốn, UBND tỉnh đã quan tâm đầu tư hàng chục tỷ đồng để nâng cấp, mở rộng hạ tầng các cảng cá, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu neo trú và bốc dỡ hải sản, tạo việc làm cho ngư dân.

Nhiều giải pháp đồng bộ

Gỡ “thẻ vàng” IUU không chỉ nâng cao thương hiệu, uy tín, tăng kim ngạch xuất khẩu thủy sản, mà còn là động lực để phát triển thủy sản Việt Nam theo hướng bền vững. Trong năm 2024, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Kế hoạch số 279-KH/TU ngày 27/5/2024 về thực hiện Chỉ thị số 32-CT/TW ngày 10/4/2024 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác chống khai thác IUU và phát triển bền vững ngành thủy sản. UBND tỉnh đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo các sở, ban, ngành, địa phương nỗ lực triển khai các nhiệm vụ, giải pháp chống khai thác IUU trên địa bàn tỉnh và đã đạt được một số kết quả nhất định theo các khuyến nghị của Ủy ban Châu Âu (EC).

Ngư dân phường Phổ Thạnh (TX.Đức Phổ) vươn khơi đánh bắt hải sản. Ảnh: Ngọc viên

Ngư dân phường Phổ Thạnh (TX.Đức Phổ) vươn khơi đánh bắt hải sản. Ảnh: Ngọc viên

Chung tay gỡ “thẻ vàng” cho ngành thủy sản, BĐBP tỉnh đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp, trong đó có đổi mới trong công tác tuyên truyền, góp phần nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của ngư dân để chống khai thác IUU. Trong năm 2024, BĐBP tỉnh đã phối hợp tổ chức 73 buổi tuyên truyền phòng chống IUU, với gần 6.000 lượt ngư dân tham gia. Qua các buổi tuyên truyền, BĐBP đã cấp phát hơn 5.800 tờ rơi, tặng 4.500 móc khóa đường dây nóng, 4.500 cờ Tổ quốc cho ngư dân; tổ chức cho 956 chủ tàu, thuyền trưởng ký cam kết không vi phạm IUU. Cùng với đó, để tạo điều kiện cho một số thuyền trưởng, máy trưởng cập nhật kiến thức, Đồn Biên phòng Phổ Quang còn phối hợp với một trường đào tạo nghề tại TP.Hồ Chí Minh mở 2 khóa đào tạo thuyền trưởng, máy trưởng cho ngư dân địa phương.

Theo Đại tá Trần Tuấn Anh - Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh, trong công tác tuyên truyền, BĐBP đã thực hiện phương châm “đi từng ngõ gõ từng nhà” để vận động ngư dân đăng ký các loại giấy tờ cho tàu cá. Đối với chủ tàu cá “3 không” (không đăng ký, không đăng kiểm, không cấp phép) được mời làm việc để hoàn thiện các thủ tục nhưng không chấp hành, thì đề nghị chính quyền công khai trên hệ thống đài truyền thanh cơ sở để nhắc nhở. Biện pháp này đã mang lại hiệu quả tích cực, khi phần lớn chủ tàu đã tiến hành đăng ký các thủ tục theo quy định. Cùng với đó, BĐBP tỉnh tích cực phối hợp với ngành chức năng và địa phương liên quan triển khai nhiều giải pháp để hạn chế tình trạng vi phạm IUU, có chính sách hỗ trợ cho những trường hợp ngư dân khó khăn...
Năm 2024, BĐBP tỉnh phối hợp, triển khai gần 1.000 lượt tuần tra, kiểm tra ven biển, với 3.451 lượt cán bộ, chiến sĩ và các lực lượng chức năng tham gia. Qua đó giúp ngư dân yên tâm khai thác; đồng thời kịp thời phát hiện các sai phạm để xử lý. Ngoài ra, BĐBP tỉnh bố trí 5 cán bộ thường trực tại văn phòng kiểm soát nghề cá tại các cảng cá: Tịnh Kỳ, Tịnh Hòa, Mỹ Á, Sa Huỳnh và Lý Sơn, để phối hợp với lực lượng chức năng của ngành thủy sản tiến hành kiểm tra, kiểm soát, thanh tra các hoạt động của tàu cá và thuyền viên ra, vào cảng theo quy định; xử lý các hành vi vi phạm pháp luật theo thẩm quyền, chức năng, nhiệm vụ của mỗi bên.

Năm 2024, sản lượng thủy sản của tỉnh ước đạt trên 289 nghìn tấn, tăng 2,2% so với năm 2023, vượt 4,8% kế hoạch năm. Trong đó, thủy sản khai thác ước đạt trên 278 nghìn tấn, tăng 1,7% so với năm 2023, vượt 5% kế hoạch năm; sản lượng thủy sản nuôi trồng đạt gần 11 nghìn tấn, tăng gần 16% so với năm 2023.

Theo Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh Nguyễn Văn Mười, nhờ đẩy mạnh tuyên truyền cùng với thực thi các chế tài xử lý đã giúp ngư dân nâng cao ý thức chấp hành pháp luật, hạn chế vi phạm khai thác IUU. Tình hình ngư dân và tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài để khai thác hải sản trái phép đã dần được kiểm soát, ngăn chặn. Công tác quản lý tàu cá ngày càng chặt chẽ. Cơ quan chức năng đã thực hiện tốt công tác theo dõi, kiểm tra, kiểm soát hoạt động tàu cá trên biển. Công tác kiểm tra tàu cá tại cảng, giám sát sản lượng thủy sản bốc dỡ qua cảng phục vụ truy xuất nguồn gốc, cấp xác nhận, chứng nhận thủy sản được thực hiện đồng bộ, đảm bảo theo quy định.

Trong thời gian tới, Chi cục Thủy sản tỉnh tiếp tục phối hợp với các lực lượng chức năng tăng cường thực thi pháp luật đảm bảo việc tuần tra, kiểm tra, kiểm soát trên biển, tại các cửa biển, cảng cá. Tập trung xử lý dứt điểm tàu cá “3 không”; thu nhật ký khai thác thủy sản và xác nhận, chứng nhận thủy sản từ khai thác. Hướng dẫn ngư dân cài đặt, sử dụng phần mềm truy xuất nguồn gốc thủy sản điện tử (eCDT VN). Tham mưu cho Sở NN&PTNT trình cấp thẩm quyền phê duyệt, triển khai đầu tư xây dựng, nâng cấp hạ tầng cảng cá, đảm bảo phục vụ hoạt động khai thác thủy sản và chống khai thác IUU, hướng đến phát triển nghề cá bền vững.

TRUNG KIÊN - XUÂN BẢO

Nguồn Quảng Ngãi: http://baoquangngai.vn/kinh-te/bien-kinh-te-bien/202501/huong-den-nghe-ca-ben-vung-df04782/
Zalo