Hướng đến mục tiêu xanh và bền vững
Nhiều dự án (DA) tại cuộc thi 'Tuổi trẻ miền Trung sáng tạo xanh 2024' do Trường đại học Phú Xuân, Trung tâm Khởi nghiệp Đổi mới Sáng tạo và Tập đoàn Equest tổ chức tại thành phố Huế đoạt giải, được đánh giá có nhiều tiềm năng và triển vọng ứng dụng vào thực tiễn cuộc sống hiện nay.
“Rơm vàng, sâm quý”
DA “Hương sắc quê nhà - Rơm vàng sâm quý” của nhóm sinh viên Trường Đại học Khoa học, Đại học Huế đoạt giải và được đánh giá cao tại chung kết cuộc thi “Tuổi trẻ miền Trung sáng tạo xanh 2024” diễn ra vào cuối tháng 12/2024 vừa qua. DA này để lại ấn tượng, thuyết phục không chỉ với ban tổ chức, ban giám khảo mà cả nhiều chuyên gia, giảng viên, sinh viên.
Sinh viên Phạm Lê Nhật Duy, đại diện nhóm DA “Hương sắc quê nhà - Rơm vàng sâm quý” chia sẻ, rơm có nhiều công dụng như làm thức ăn gia súc, ủ phân bón cho cây trồng… Song những hình thức này chưa khai thác hết tiềm năng kinh tế của loại phụ phẩm nông nghiệp này. Đây chính là nguyên nhân dẫn đến tình trạng đốt rơm rạ sau thu hoạch vẫn phổ biến, gây ô nhiễm môi trường và ảnh hưởng đến sức khỏe con người.
Ngoài rơm, nhiều phế phẩm nông nghiệp khác cũng chưa được tận dụng hiệu quả. Chẳng hạn, sâm Bố Chính - loài cây được trồng phổ biến để lấy hoa làm trà và rễ làm sâm, nhưng phần thân lại thường bị bỏ phí. Việc xử lý không đúng cách, như đốt hoặc thải bỏ không chỉ gây lãng phí tài nguyên mà còn phát thải khí NH3, CO2 và nhiều khí độc hại đến môi trường.
Nhận thấy những điều này, nhóm DA “Hương sắc quê nhà - Rơm vàng sâm quý” đã kết hợp rơm và thân cây sâm để tạo ra giấy thân thiện với môi trường. Sáng kiến này không chỉ góp phần giảm lượng gỗ nguyên liệu cần dùng trong sản xuất giấy mà còn hạn chế phát thải CO2 từ việc xử lý phế phẩm nông nghiệp.
Dựa trên nền tảng DA “Chuyến đi của rơm” từng đoạt nhiều giải thưởng trong nước và quốc tế, nhóm tiếp tục nghiên cứu nâng cấp, kết hợp sâm Bố Chính để tạo ra các loại giấy mới hiệu quả hơn. Đây là bước tiến nhằm góp phần xây dựng tương lai xanh, phát triển bền vững và hướng đến mục tiêu Net Zero.
Bao bì sinh học từ bèo lục bình
Sinh viên Nguyễn Thị Xuân Quỳnh, Trường Đại học Bách khoa Đà Nẵng, Đại học Đà Nẵng cho rằng, bao bì đóng một vai trò quan trọng trong việc bảo vệ, bảo quản và vận chuyển hàng hóa. Tuy nhiên, sự gia tăng về sử dụng bao bì từ nhựa dẻo truyền thống đã tạo ra những vấn đề tác hại về môi trường. Môi trường kinh doanh và nhận thức xã hội đang thúc đẩy nhu cầu tìm kiếm các vật liệu thân thiện với môi trường để thay thế nhựa truyền thống, từ đó giảm bớt gánh nặng của chúng trên hệ sinh thái.
Trong bối cảnh đó, nhựa sinh học đã trở thành một giải pháp hứa hẹn để giảm thiểu tác động tiêu cực lên môi trường từ ngành công nghiệp bao bì. Nhựa sinh học được sản xuất từ các nguồn tài nguyên thực vật tái tạo và có khả năng phân hủy tự nhiên, giúp giảm thiểu lượng rác thải nhựa tích tụ trong môi trường tự nhiên. Nó sẽ góp phần vào việc bảo vệ và duy trì hệ sinh thái của chúng ta. Tuy nhiên, các loại nhựa sinh học hiện nay ngoài ưu điểm thân thiện với môi trường và người tiêu dùng thì vẫn còn một số nhược điểm như dễ thấm nước, có độ bền không cao.
Qua tìm hiểu, sinh viên Nguyễn Thị Xuân Quỳnh cùng các cộng sự nhận thấy, bèo lục bình có thể được tận dụng và kết hợp với tinh bột để chế tạo ra các sản phẩm nhựa sinh học thay thế cho sản phẩm nhựa nguyên thủy. Để cải tiến sản phẩm nhựa sinh học trở nên bền và ít thấm nước nhưng vẫn thân thiện với môi trường, có thể thay thế các sản phẩm trước đó, nhóm DA của Quỳnh tiến hành nghiên cứu đề tài "Bao bì nhựa sinh học từ cellulose lục bình" với mục đích là chuyển những phế phẩm từ các sông ngòi thành những sản phẩm ứng dụng xanh, không độc hại và thân thiện với môi trường.
Chế phẩm sinh học Bioboots
Sinh viên Nguyễn Hoàng Cường, Trường Đại học Nha Trang, chủ DA “Chế phẩm sinh học Bioboots” trao đổi, Việt Nam là một nước có nền nông nghiệp phát triển, chất lượng nông sản ngày càng nâng cao, tuy nhiên phải đối mặt với nhiều mối nguy đến từ phân bón hóa học để tăng năng suất cây trồng và thuốc trừ sâu nhằm hạn chế tác hại từ nấm bệnh thực vật gây ra, ảnh hưởng trực tiếp đến hộ nông dân và người tiêu dùng. Hàng năm, ngành nông nghiệp thải ra môi trường hơn một triệu tấn phụ phẩm. Nền công nghiệp trồng nấm nước ta phát triển theo bởi có thể tận dụng được nguồn phụ phẩm này làm nấm ăn, nấm dược liệu. Đồng thời thải ra môi trường một lượng lớn phụ phẩm từ ngành công nghiệp này.
Nhóm DA “Chế phẩm sinh học Bioboots” nhận thấy tiềm năng của nguồn phụ phẩm này đã nghiên cứu và phát triển dòng sản phẩm thân thiện với môi trường, an toàn sức khỏe cho con người. Sản phẩm phẩm sinh học Bioboots này là kết quả của việc tận dụng nguồn phụ phẩm đáng lẽ phải thải bỏ ngoài môi trường tự nhiên, gây ra ô nhiễm môi trường và tiềm ẩn nhiều mối nguy hại. Tận dụng nuôi cấy Trichoderma nhằm thu bào tử nấm để sản xuất chế phẩm sinh học ứng dụng trong nhiều lĩnh vực trồng trọt như làm phân bón sinh học và nấm Trichoderma còn là tác nhân đối kháng nấm bệnh thực vật, hỗ trợ cây trồng chống lại tác nhân gây hại, nâng cao năng suất cây trồng, bảo vệ người tiêu dùng.
Nhiều DA khác đoạt giải tại chung kết cuộc thi “Tuổi trẻ miền Trung sáng tạo xanh 2024” vừa qua, như DA “Xây dựng mô hình tái chế rác thải thành sản phẩm Decor ban công”; DA “GREENBRICK: Sản xuất gạch sinh thái từ vỏ trái cây”; DA “GREEN SCHOOL: Kiến tạo ý thức từ môi trường”; DA “GREEN: Sản xuất gạch sinh thái từ vỏ trái cây”; DA “Avi - Ứng dụng an toàn sức khỏe và kiểm tra an toàn thực phẩm”; DA “Ứng dụng sức khỏe Việt”…