Hướng đến giá trị chân-thiện-mỹ

Thấm nhuần quan điểm của Đảng, tư tưởng Hồ Chí Minh về văn hóa và mối quan hệ chặt chẽ giữa văn hóa với các lĩnh vực khác, cấp ủy, chính quyền và nhân dân Quảng Bình luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm, chăm lo xây dựng và phát triển văn hóa toàn diện, hướng đến chân-thiện-mỹ. Qua đó, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của địa phương, dân tộc, gắn với xây dựng các chuẩn mực đạo đức con người Quảng Bình, khẳng định văn hóa thực sự là 'nền tảng tinh thần vững chắc của xã hội', 'là sức mạnh nội sinh' quan trọng, bảo đảm sự phát triển bền vững của quê hương.

Học Bác chính là học văn hóa làm người

Đọc, nghiên cứu tư tưởng, quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh, là cán bộ, đảng viên, ai cũng nhận thức được rằng, văn hóa với Bác không phải là cái gì cao siêu, trừu tượng mà được thể hiện ra ngay trong cuộc sống hàng ngày của mỗi người, rất dễ thấy, dễ hiểu.

Theo Bác, thực hành đời sống mới là “cần, kiệm, liêm, chính”; là lối sống có văn hóa của con người trong cách ăn, cách mặc, cách ở, cách đi lại, cách làm việc; dần dần trở thành thói quen của mỗi người, thành phong tục, tập quán của cả cộng đồng, địa phương và mở rộng ra cả nước. Bác chính là tấm gương văn hóa sống khiêm tốn, giản dị, chừng mực, điều độ, ngăn nắp, yêu lao động, biết quý trọng thời gian, ít lòng tham muốn về vật chất, chức, quyền, danh, lợi. Trong quan hệ với nhân dân, bạn bè, đồng chí, anh em thì cởi mở, chân tình, ân cần, tế nhị, giàu tình yêu thương, quý mến, trân trọng. Đối với mình thì chặt chẽ, đối với người thì khoan dung, độ lượng.

Phó trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Lê Minh Tuyên nhấn mạnh: “Di sản Hồ Chí Minh là một thể thống nhất giữa lý tưởng chính trị với đạo đức, văn hóa, nhân văn, nhân cách, lối sống hàng ngày. Toàn bộ cuộc đời và sự nghiệp của Người được tỏa sáng trong từng việc làm, cử chỉ, từng mối quan tâm, ứng xử với mọi người, truyền lại cho chúng ta một đạo lý làm người là phải biết yêu thương và sống với nhau sao cho có tình, có nghĩa. Học tập tư tưởng, đạo đức, nhân cách và tấm gương vĩ đại của Bác chính là học văn hóa làm người. Tất cả ở Bác đã trở thành một hệ thống những giá trị văn hóa cao quý, trường tồn để mỗi cán bộ, đảng viên và người dân mãi mãi học tập và làm theo”.

Hoạt động văn hóa đặc trưng, để lại dấu ấn của Tuần Văn hóa-Du lịch TP. Đồng Hới.

Hoạt động văn hóa đặc trưng, để lại dấu ấn của Tuần Văn hóa-Du lịch TP. Đồng Hới.

Hoàn thiện các chuẩn mực giá trị văn hóa

Học tập và làm theo tấm gương văn hóa của Bác, thời gian qua, cấp ủy, chính quyền và hệ thống chính trị các cấp trong tỉnh luôn quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng, hoàn thiện các chuẩn mực giá trị văn hóa và con người, tăng cường công tác quản lý nhà nước về văn hóa, con người. Tỉnh cũng đã ban hành nhiều văn bản lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai xây dựng môi trường văn hóa, xây dựng văn hóa trong hệ thống chính trị, cộng đồng dân cư, doanh nghiệp, cơ quan, đơn vị. Việc xây dựng môi trường văn hóa được thực hiện rộng rãi trong nhân dân, lồng ghép với các phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh…

Thông qua các phong trào, đã xuất hiện nhiều cách làm mới, sáng tạo, gương điển hình tiên tiến, “tình làng, nghĩa xóm” được thắt chặt hơn. Phong trào văn hóa, văn nghệ quần chúng được triển khai hiệu quả, chất lượng tại các địa phương. Công tác giáo dục đạo đức, lối sống được cấp ủy, chính quyền các cấp đặc biệt quan tâm, góp phần phát huy giá trị tốt đẹp các mối quan hệ trong gia đình. Các hoạt động lễ hội văn hóa, thể thao truyền thống được duy trì và quy mô, chất lượng ngày càng nâng lên, từ đó, xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, giữ gìn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống của các dân tộc.

Là trung tâm chính trị, kinh tế-xã hội của tỉnh, TP. Đồng Hới luôn quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, đô thị văn minh, ưu tiên đầu tư nguồn lực cho lĩnh vực văn hóa gắn với bảo tồn, phát huy di sản văn hóa và phát triển du lịch trên địa bàn.

Trao đổi với phóng viên, Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Đồng Hới Lê Thị Thu Cúc chia sẻ: “Học tập và làm theo tấm gương vĩ đại của Bác, đồng thời, nhận thức sâu sắc vị trí, vai trò của văn hóa đối với sự phát triển bền vững, Ban Thường vụ Thành ủy Đồng Hới đã kịp thời cụ thể hóa các chỉ thị, nghị quyết cấp trên, xây dựng nhiều nghị quyết, chương trình, kế hoạch hành động về văn hóa để lãnh đạo, chỉ đạo các cấp ủy, chính quyền, Mặt trận, đoàn thể, cán bộ, đảng viên và nhân dân thực hiện. Một trong những điểm nhấn và cũng là bước đột phá trong xây dựng văn hóa và con người Đồng Hới là thành phố đã ban hành và triển khai thực hiện quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức và người lao động trong các cơ quan, đơn vị; quy tắc ứng xử văn hóa trong các trường học trên địa bàn và một số quy định về thực hiện nếp sống văn minh đô thị trong cộng đồng dân cư...”.

Ngoài ra, để tạo nền tảng cơ sở cho phát triển văn hóa, thành phố cũng tập trung nhiều nguồn lực cho công tác chỉnh trang đô thị, từng bước hoàn thiện vững chắc các tiêu chí của đô thị loại II, hướng đến xây dựng Đồng Hới thành thành phố du lịch, đô thị thông minh. Việc thực hiện các đề án xã hội hóa trong xây dựng cơ sở hạ tầng đô thị trên địa bàn thành phố, như: Vỉa hè, phát triển hệ thống giao thông quy mô nhỏ, xây dựng hệ thống điện chiếu sáng các tuyến đường giao thông, phát triển hệ thống cây xanh đường phố, vệ sinh môi trường... đã làm thay đổi diện mạo, kiến tạo cảnh quan, văn hóa của thành phố và nâng cao mức hưởng thụ đời sống cho nhân dân, góp phần quan trọng trong việc xây dựng và phát triển văn hóa, con người Đồng Hới hướng đến chân-thiện-mỹ.

Xây dựng người Quảng Bình phát triển toàn diện

Quán triệt sâu sắc quan điểm của Đảng, tư tưởng Hồ Chí Minh về văn hóa, coi văn hóa là bộ phận quan trọng của sự nghiệp cách mạng, là “nền tảng tinh thần vững chắc của xã hội”, “là sức mạnh nội sinh” quan trọng, một trong những trụ cột bảo đảm sự phát triển bền vững, cấp ủy, chính quyền các cấp trong tỉnh luôn chú trọng xây dựng con người Quảng Bình phát triển toàn diện.

Văn hóa được xây dựng và bồi đắp nên trong suốt chiều dài lịch sử, làm nên nền tảng tinh thần của một xã hội, giữ vai trò quan trọng vừa là mục tiêu, vừa là động lực thúc đẩy sự phát triển kinh tế-xã hội. Tấm gương của Bác đã giúp mỗi cán bộ, đảng viên và người dân cảm nhận sâu sắc bài học phải làm gì để mãi mãi giữ gìn những giá trị cao đẹp về văn hóa, đạo đức của con người, giữ gìn lòng dạ ngay thẳng, trong sáng. Văn hóa trong tư tưởng Hồ Chí Minh là những điều bình dị mà ai cũng có thể học tập và làm theo.

Bên cạnh tập trung chăm lo, bồi dưỡng cho cán bộ, đảng viên và nhân dân tinh thần yêu nước, lòng tự hào dân tộc, ý thức tôn trọng pháp luật, ý chí tự lực tự cường, lối sống lành mạnh, trung thực, đoàn kết, sáng tạo, có trách nhiệm đối với bản thân, gia đình và xã hội, tỉnh tăng cường chỉ đạo giáo dục con người toàn diện trong từng cấp học nhằm nâng cao trí tuệ, cải thiện tầm vóc người Quảng Bình.

Việc xây dựng và phát huy lối sống “Mỗi người vì mọi người, mọi người vì mỗi người” được triển khai sôi nổi, rộng khắp. Thông qua các phong trào “đền ơn, đáp nghĩa”, “uống nước nhớ nguồn”, giúp đỡ trẻ em có hoàn cảnh khó khăn, người tàn tật, người già neo đơn, cứu trợ bão lụt, thiên tai, dịch bệnh… đã khơi dậy, phát huy tinh thần yêu nước, lòng tự hào dân tộc, đoàn kết, “tương thân, tương ái”, tính tích cực xã hội của nhân dân. Các thiết chế văn hóa được chú trọng đầu tư, thúc đẩy cuộc vận động “Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại”, thể dục, thể thao quần chúng, thể thao thành tích cao của tỉnh ngày càng phát triển, đạt được nhiều thành tích nổi bật. Thể lực, tầm vóc con người Quảng Bình được cải thiện, ý thức bảo vệ môi trường sống được nâng lên.

Xây dựng người Quảng Bình phát triển toàn diện, nhiều cơ quan, đơn vị, địa phương trong tỉnh đã có nhiều cách làm hay, sáng tạo, mang lại ý nghĩa nhân văn sâu sắc. Tiêu biểu là Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh với các mô hình, như: “Nâng bước em tới trường” và “Con nuôi đồn biên phòng”; Hội Liên hiệp Phụ nữ các cấp với mô hình “Mẹ đỡ đầu-kết nối yêu thương”; Hội Chữ thập đỏ tỉnh với mô hình “Mỗi tổ chức, mỗi cá nhân gắn với một địa chỉ nhân đạo”; Sở Văn hóa-Thể thao với mô hình: “Ông bà, cha mẹ mẫu mực, con cháu thảo hiền”, “Ngôi nhà an toàn, trường học an toàn”; Công an tỉnh với các mô hình: “Năng động trong công tác tuyên truyền, nhân văn trong hoạt động tình nghĩa, xây dựng hình ảnh người chiến sĩ Công an Quảng Bình đẹp trong lòng dân”, “Dân vận khéo” trong công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo...

Hiền Chi

Nguồn Quảng Bình: https://www.baoquangbinh.vn/chinh-tri/202409/huong-den-gia-tri-chan-thien-my-2220693/
Zalo