Hướng đến '4 không'

Sau 20 năm triển khai, dịch vụ công trực tuyến của Việt Nam hiện xếp hạng 76/193 quốc gia. Đến tháng 8/2024, tỷ lệ dịch vụ công trực tuyến toàn trình ước đạt 51,5%. Đặc biệt, 43/53 dịch vụ công trực tuyến thiết yếu đã triển khai, giúp tiết kiệm cho nhà nước, xã hội gần 3.500 tỷ đồng mỗi năm.

Ảnh: minh họa

Ảnh: minh họa

Thực hiện Chiến lược phát triển Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030, môi trường pháp lý cho triển khai dịch vụ công trực tuyến cơ bản được hoàn thiện, tạo thuận lợi cho triển khai cung cấp dịch vụ công trực tuyến, theo hướng toàn diện, toàn trình.

Cụ thể, 100% cơ quan nhà nước đã được triển khai mạng truyền số liệu chuyên dùng đến cấp xã để trao đổi, chia sẻ dữ liệu. 100% bộ, ngành, địa phương được trang bị Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính, trên quy mô quốc gia có Cổng dịch vụ công Quốc gia. Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư đã kết nối, chia sẻ, xác thực, làm sạch dữ liệu với 18 bộ, ngành, 63 địa phương, 4 doanh nghiệp nhà nước. 87,7 triệu thẻ căn cước công dân gắn chíp đã được cấp và trên 57 triệu tài khoản định danh điện tử VNeID đã được kích hoạt.

Theo các chuyên gia, dịch vụ công trực tuyến toàn trình mang lại hiệu quả thực sự khi người dân, doanh nghiệp có thể thực hiện đơn giản, thuận tiện toàn bộ quy trình dịch vụ công trên môi trường mạng và không phải hiện diện tại cơ quan nhà nước, thể hiện qua tỷ lệ số hóa hồ sơ (kết quả giải quyết thủ tục hành chính tại các bộ, ngành đạt 43,4%, tăng 23% so với năm 2023; tại địa phương đạt 64,3%, tăng 35% so với năm 2023).

Cùng với đó, từ năm 2021 đến nay, các cơ quan chức năng đã cắt giảm, đơn giản hóa gần 3.000 quy định kinh doanh; phân cấp cho địa phương gần 700 thủ tục hành chính. Nhờ đó, mức độ hài lòng của người dân, doanh nghiệp về giải quyết thủ tục hành chính lên đến 93%.

Tuy nhiên, các bộ, ngành, địa phương phải nỗ lực hơn nữa mới thực hiện thành công mục tiêu đến năm 2025 có 100% thủ tục hành chính đủ điều kiện được cung cấp dưới hình thức dịch vụ công trực tuyến toàn trình; tối thiểu 80% hồ sơ thủ tục hành chính được xử lý hoàn toàn trực tuyến; hoàn thành cung cấp toàn bộ 53/53 dịch vụ công thiết yếu theo Đề án 06.

Nhiều chuyên gia thẳng thắn chỉ rõ những hạn chế về sự chậm trễ trong công tác xây dựng, hoàn thiện môi trường pháp lý, cơ chế, chính sách về cung cấp và sử dụng dịch vụ công trực tuyến; thủ tục hành chính vẫn còn rườm rà; chất lượng cung cấp dịch vụ công trực tuyến chưa chuyển biến rõ nét; kết quả giải quyết thủ tục hành chính được số hóa chưa cao... Trong đó, đáng lo ngại là nhân lực số, hạ tầng số chưa đáp ứng được yêu cầu, chưa có đột phá; công tác thông tin, truyền thông, tạo đồng thuận trong xã hội nhằm thúc đẩy dịch vụ công trực tuyến và triển khai Đề án 06 nhiều nơi chưa được coi trọng...

Dịch vụ công trực tuyến trong giai đoạn mới sẽ phát triển theo chiều sâu, thực chất là phổ cập dịch vụ công trực tuyến theo hướng trực tuyến toàn trình. Vì vậy, các bộ, ngành, địa phương cần đẩy mạnh tái cấu trúc quy trình, thiết kế, cung cấp các dịch vụ công trên cơ sở cắt giảm, đơn giản hóa tối đa thủ tục hành chính, tái sử dụng dữ liệu, liên thông điện tử. Phấn đấu phát triển dịch vụ công trực tuyến toàn trình ngay trong năm 2024, để đến năm 2025, tỉ lệ hồ sơ trực tuyến toàn trình đạt tối thiểu 85% đối với các bộ, ngành và đạt tối thiểu 70% đối với các địa phương.

Hướng đến mục tiêu “4 không” (không giấy tờ, không tiền mặt, không tiếp xúc nếu pháp luật không yêu cầu, không để ai bị bỏ lại phía sau), từng cấp, từng ngành cần tăng cường đầu tư hạ tầng số, công khai, minh bạch, đơn giản hóa thủ tục hành chính gắn với tích hợp, kết nối, chia sẻ dữ liệu, phát triển nhân lực số... để dịch vụ công trực tuyến tạo thuận lợi và phục vụ tốt nhất cho người dân, doanh nghiệp.

Thanh Thảo

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/huong-den-4-khong-post480415.html
Zalo