Hướng dẫn xử trí đúng khi bị bong gân
Bong gân là chấn thương phổ biến nhưng nếu không được xử trí đúng cách có thể gây ảnh hưởng đến khả năng vận động.

Xử trí bong gân đúng cách giúp hạn chế để lại di chứng lâu dài. Ảnh: Shutterstock.
Bong gân là một dạng tổn thương dây chằng, xảy ra khi dây chằng bị kéo giãn quá mức hoặc rách do chấn thương. Tình trạng này thường gặp ở các khớp cổ chân, đầu gối, cổ tay, gây đau, sưng, bầm tím và hạn chế cử động.
Theo bác sĩ chuyên khoa I Lâm Nguyễn Thùy An, khoa Y học cổ truyền, Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM cơ sở 3, việc xử lý đúng cách ngay từ đầu có vai trò quan trọng trong giảm tổn thương và đẩy nhanh quá trình hồi phục.
Trong tình huống này, phương pháp RICE được khuyến nghị sử dụng để hỗ trợ người bệnh phục hồi hiệu quả:
Rest (Nghỉ ngơi): Tránh hoạt động gây áp lực lên khu vực bị bong gân để ngăn ngừa tổn thương thêm.
Ice (Chườm đá): Chườm túi đá lên vùng bị thương trong 15-20 phút mỗi 2-3 giờ trong 48 giờ đầu để giảm sưng và đau.
Compression (Băng ép): Sử dụng băng thun để băng khu vực bị thương, giúp giảm sưng.
Elevation (Nâng cao): Nâng cao vùng bị thương cao hơn mức tim (mỗi khi có thể) để giảm sưng.
Các mức độ bong gân
Bong gân là chấn thương phổ biến, nhưng nếu không được điều trị đúng cách có thể gây ảnh hưởng lâu dài đến khả năng vận động. Do đó, việc nhận biết mức độ tổn thương và có hướng xử trí phù hợp là điều quan trọng để đảm bảo quá trình hồi phục diễn ra thuận lợi.
Bong gân độ 1: Đây là mức độ nhẹ nhất, dây chằng chỉ bị kéo giãn mà không bị rách, khớp vẫn giữ được sự ổn định.
Triệu chứng: Người bệnh có thể cảm thấy đau nhẹ, khớp bị sưng nhưng không đáng kể, có thể xuất hiện bầm tím ít hoặc không có. Khả năng vận động khớp gần như bình thường, dù có thể gây khó chịu khi cử động.
Điều trị: Áp dụng phương pháp R.I.C.E để giảm đau và sưng. Thông thường, người bệnh có thể hồi phục hoàn toàn sau 1-2 tuần.
Bong gân độ 2: Dây chằng bị rách một phần, dẫn đến tình trạng khớp kém ổn định hơn so với bình thường.
Triệu chứng: Sưng nhiều hơn, cơn đau rõ rệt, xuất hiện bầm tím nhanh và lan rộng. Người bệnh có thể bị hạn chế vận động, đặc biệt là khi di chuyển khớp.
Điều trị: Ngoài phương pháp R.I.C.E, bác sĩ có thể kê đơn thuốc giảm đau, chống viêm. Trong một số trường hợp, nẹp khớp hoặc bó bột có thể cần thiết để hạn chế cử động, giúp dây chằng hồi phục. Thời gian hồi phục thường kéo dài từ 3-6 tuần.
Bong gân độ 3: Đây là mức độ nghiêm trọng nhất, khi dây chằng bị rách hoặc đứt hoàn toàn, làm khớp mất ổn định đáng kể.
Triệu chứng: Người bệnh có thể bị sưng to, đau dữ dội, bầm tím lan rộng và có nguy cơ biến dạng khớp. Việc vận động khớp gần như không thể thực hiện được.
Điều trị: Các trường hợp bong gân độ 3 có thể cần can thiệp phẫu thuật để tái tạo dây chằng. Sau phẫu thuật, quá trình phục hồi chức năng với vật lý trị liệu là bắt buộc để lấy lại sự linh hoạt và sức mạnh cho khớp. Thời gian hồi phục có thể kéo dài từ vài tháng đến hơn một năm, tùy thuộc vào mức độ tổn thương và quá trình tập phục hồi.
Bị bong gân khi nào cần đi khám bác sĩ?
Việc phân độ bong gân chỉ mang tính chất đánh giá ban đầu. Để chẩn đoán chính xác và có hướng điều trị phù hợp, người bệnh nên thăm khám bác sĩ chuyên khoa. Trong những trường hợp nghiêm trọng, bác sĩ có thể chỉ định các xét nghiệm như X-quang, MRI hoặc siêu âm khớp để đánh giá mức độ tổn thương.
Người bệnh cần đến cơ sở y tế ngay nếu xuất hiện các dấu hiệu sau:
Cơn đau nghiêm trọng, không thể chịu đựng được.
Không thể đặt trọng lượng lên vùng bị thương.
Khớp có biến dạng rõ ràng hoặc nghi ngờ gãy xương.
Xuất hiện tình trạng tê bì hoặc mất cảm giác tại khu vực bị tổn thương.
Các phương pháp điều trị bong gân
Trong y học hiện đại, điều trị bong gân chủ yếu tập trung vào việc kiểm soát cơn đau, giảm viêm và phục hồi chức năng khớp. Các phương pháp phổ biến bao gồm:
Sử dụng thuốc: Các loại thuốc giảm đau, chống viêm như ibuprofen hoặc paracetamol giúp kiểm soát triệu chứng và hỗ trợ quá trình hồi phục.
Vật lý trị liệu: Khi cơn đau giảm, các bài tập phục hồi chức năng sẽ giúp khôi phục phạm vi vận động và tăng cường sức cơ, tránh tình trạng cứng khớp hay teo cơ do bất động lâu ngày.
Phẫu thuật: Trong các trường hợp dây chằng bị rách hoàn toàn, đứt hoàn toàn hoặc không đáp ứng với điều trị bảo tồn, bác sĩ có thể chỉ định phẫu thuật để tái tạo dây chằng, giúp phục hồi khả năng vận động của khớp.