Hướng dẫn thực hiện phân quyền trong lĩnh vực hàm, cấp ngoại giao
Bộ Ngoại giao ban hành Thông tư số 10/2025/TT-BNG quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành Điều 13 và Điều 14 của Nghị định số 134/2025/NĐ-CP ngày 12/6/2025 của Chính phủ quy định về phân quyền, phân cấp trong lĩnh vực đối ngoại. Thông tư này có hiệu lực từ ngày 1/7/2025.

Bộ Ngoại giao hướng dẫn trình tự, thủ tục thực hiện thẩm quyền thành lập Hội đồng tư vấn về hàm, cấp ngoại giao và cấp giấy chứng nhận về hàm, cấp ngoại giao.
Cụ thể,thông tư này quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành việc thực hiện thẩm quyền thành lập, quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức bộ máy và quy chế làm việc của Hội đồng Tư vấn về hàm, cấp ngoại giao; thẩm quyền quy định Mẫu giấy chứng nhận và thủ tục cấp giấy chứng nhận về hàm, cấp ngoại giao quy định tại Điều 13 và Điều 14 Nghị định số 134/2025/NĐ-CP ngày 12/6/2025 của Chính phủ quy định về phân quyền, phân cấp trong lĩnh vực đối ngoại.
Thông tư này áp dụng đối với các cơ quan hành chính nhà nước ở trung ương, các tổ chức, cá nhân có liên quan trong lĩnh vực đối ngoại.
Bộ trưởng Bộ Ngoại giao quyết định thành lập Hội đồng tư vấn về hàm, cấp ngoại giao
Thông tư số 10/2025/TT-BNG nêu rõ: Định kỳ hằng năm, Vụ trưởng Vụ Tổ chức Cán bộ trình Bộ trưởng Bộ Ngoại giao quyết định thành lập Hội đồng tư vấn về hàm, cấp ngoại giao (sau đây gọi chung là Hội đồng).
Hội đồng có chức năng nghiên cứu, tư vấn, giúp Bộ trưởng Bộ Ngoại giao quyết định việc xét phong hàm, thăng hàm, hạ hàm, tước hàm ngoại giao.
Hội đồng có nhiệm vụ, quyền hạn xem xét, cho ý kiến đối với kiến nghị phong hàm, thăng hàm, hạ hàm, tước hàm ngoại giao để tư vấn cho Bộ trưởng Bộ Ngoại giao xem xét, quyết định hoặc kiến nghị cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.
Về tổ chức bộ máy của Hội đồng,Thông tư quy địnhthành phần Hội đồng gồm các thành viên:Chủ tịch Hội đồng là Thứ trưởng Bộ Ngoại giao.Phó Chủ tịch Hội đồng là Vụ trưởng Vụ Tổ chức Cán bộ, Bộ Ngoại giao.Các thành viên khác của Hội đồng bao gồm Phó Bí thư chuyên trách Đảng ủy Bộ Ngoại giao, Thủ trưởng các đơn vị hành chính thuộc Bộ Ngoại giao và Giám đốc Học viện Ngoại giao.
Thông tư cũng quy định quy chế làm việc của Hội đồng, cụ thể: Hội đồng làm việc theo nguyên tắc tập trung, dân chủ. Chủ tịch Hội đồng chịu trách nhiệm trước Bộ trưởng Bộ Ngoại giao về việc thực hiện nhiệm vụ được giao; tổ chức thực hiện các nhiệm vụ của Hội đồng; điều hành, phân công nhiệm vụ cho các thành viên của Hội đồng; triệu tập, chủ trì và kết luận các cuộc họp của Hội đồng.
Thành viên Hội đồng làm việc theo chế độ kiêm nhiệm, có trách nhiệm tham gia đầy đủ các hoạt động của Hội đồng, chịu trách nhiệm cá nhân trước Chủ tịch Hội đồng về những nhiệm vụ được phân công.
Hội đồng họp khi có ít nhất 70% tổng số thành viên tham dự. Thành viên vì lí do bất khả kháng không tham dự họp được phép bỏ phiếu vắng mặt và cử cấp Phó tham dự và trình bày ý kiến của thành viên trước Hội đồng. Chủ tịch Hội đồng chủ trì hoặc ủy quyền cho Phó Chủ tịch Hội đồng chủ trì phiên họp.
Đối với các hồ sơ đăng ký phong hàm, thăng hàm, hạ hàm, tước hàm Đại sứ, Hội đồng cho ý kiến bằng hình thức bỏ phiếu kín. Chủ tịch Hội đồng quyết định trên cơ sở nguyên tắc đa số (trên 75% số phiếu).
Đối với các hồ sơ đăng ký phong hàm, thăng hàm, hạ hàm, tước hàm từ Tùy viên đến Công sứ, Hội đồng cho ý kiến bằng văn bản. Chủ tịch Hội đồng quyết định trên cơ sở nguyên tắc đa số (trên 75% số phiếu).
Cấp giấy chứng nhận về hàm, cấp ngoại giao trong vòng 30 ngày
Thông tư số 10/2025/TT-BNG quy định cụ thể thẩm quyền, trình tự, thủ tục, hồ sơ cấp giấy chứng nhận về hàm, cấp ngoại giao:
Trường hợp đã được phong hàm, cấp ngoại giao, cá nhân gửi 01 bộ hồ sơ bao gồm: 01 đơn đề nghị cấp giấy chứng nhận theo mẫu quy định tại Phụ lục 2 kèm theo Thông tư này, 01 bản sao quyết định phong hàm ngoại giao, đến Vụ Tổ chức Cán bộ Bộ Ngoại giao. Vụ Tổ chức Cán bộ thẩm định hồ sơ và trình Bộ trưởng cấp giấy chứng nhận trong vòng 30 ngày kể từ ngày nhận được hồ sơ.
Trường hợp đang đề nghị phong hàm ngoại giao, cá nhân gửi 01 bộ hồ sơ bao gồm: 01 đơn đề nghị cấp giấy chứng nhận theo mẫu quy định tại Phụ lục 2 kèm theo Thông tư này. Hồ sơ được gửi kèm theo hồ sơ đăng ký phong hàm ngoại giao. Vụ Tổ chức Cán bộ Bộ Ngoại giao trình Bộ trưởng cấp giấy chứng nhận trong vòng 30 ngày kể từ ngày quyết định phong hàm ngoại giao có hiệu lực.
Số lượng giấy chứng nhận được cấp là 01 bản gốc.
Thông tư cũng nêu rõ: Trường hợp cá nhân bị tước, hạ hàm ngoại giao, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao ban hành văn bản thu hồi giấy chứng nhận và gửi cho cá nhân đã được cấp giấy chứng nhận. Giấy chứng nhận hết hiệu lực kể từ ngày cơ quan có thẩm quyền ban hành văn bản thu hồi.
Trong thời hạn 30 ngày, cá nhân được cấp giấy chứng nhận phải nộp giấy chứng nhận đã cấp cho Vụ Tổ chức Cán bộ Bộ Ngoại giao.