Hướng dẫn thực hiện Kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng công chức, viên chức ngành KSND năm 2025
VKSND tối cao vừa có công văn gửi Viện trưởng Viện kiểm sát quân sự Trung ương; Thủ trưởng đơn vị thuộc VKSND tối cao; Viện trưởng VKSND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương hướng dẫn thực hiện Kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng công chức, viên chức ngành KSND năm 2025.
Về đối tượng và số lượng cử đi đào tạo, bồi dưỡng, Hướng dẫn nêu rõ: Căn cứ Quy chế đào tạo, bồi dưỡng công chức, viên chức ngành KSND ban hành kèm theo Quyết định số 303/QĐ-VKSTC ngày 25/8/2020 của Viện trưởng VKSND tối cao, Kế hoạch số 19/KH-VKSTC và thông báo tổ chức các lớp đào tạo, bồi dưỡng; đề nghị các đơn vị trong Ngành đăng ký cử công chức, viên chức tham gia các khóa đào tạo, bồi dưỡng đảm bảo đúng đối tượng, tiêu chuẩn, điều kiện theo quy định và phải đảm bảo ít nhất bằng số lượng đã đăng ký nhu cầu để không ảnh hưởng đến kế hoạch tổ chức các lớp đào tạo, bồi dưỡng tại các cơ sở đào tạo của Ngành.
Đối tượng cử tham gia các khóa đào tạo, bồi dưỡng phải phù hợp với lĩnh vực công tác, vị trí việc làm, đáp ứng yêu cầu công việc và nhu cầu của công chức, viên chức. Riêng đối với việc cử công chức, viên chức tham gia dự tuyển các chương trình đào tạo, bồi dưỡng ở nước ngoài từ 12 tháng trở lên, phải được cấp ủy có thẩm quyền kết luận tiêu chuẩn chính trị theo quy định của Đảng và của ngành KSND về công tác bảo vệ chính trị nội bộ.

Quang cảnh một Hội thảo khoa học sinh viên do Trường Đại học Kiểm sát tổ chức. (Ảnh minh họa)
Các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng trong Ngành gồm Trường Đại học Kiểm sát và Phân hiệu Trường có trách nhiệm xây dựng, tổ chức thực hiện chương trình công tác và kế hoạch mở các lớp đào tạo, bồi dưỡng công chức, viên chức ngành KSND năm 2025 (Lưu ý: Không mở các lớp bồi dưỡng vào thời gian sơ kết, tổng kết).
Rà soát, bổ sung và hoàn thiện hệ thống giáo trình, chương trình, tài liệu đào tạo, bồi dưỡng bảo đảm phù hợp với những quy định mới của pháp luật để phục vụ công tác nghiên cứu, giảng dạy và học tập.
Chủ động phối hợp với các đơn vị thuộc VKSND tối cao, VKSND cấp cao và VKSND cấp tỉnh nghiên cứu, biên soạn chương trình bồi dưỡng trình Hội đồng thẩm định VKSND tối cao theo quy định. Căn cứ chương trình bồi dưỡng do VKSND tối cao ban hành, các cơ sở đào tạo bồi dưỡng của Ngành đặt bài các chuyên gia và mời các chuyên gia này tham gia giảng dạy (gồm giảng viên tại các cơ sở đào tạo của Ngành, Trường Đại học Luật, Học viện Cảnh sát nhân dân... và các chuyên gia có trình độ chuyên môn phù hợp, kinh nghiệm thực tiễn của ngành Kiểm sát, Công an, Tòa án...).
Về việc thực hiện đào tạo, bồi dưỡng tại VKSND các cấp, Hướng dẫn nêu rõ: Tăng cường công tác đào tạo và tự đào tạo cán bộ thông qua phân công giao việc đảm bảo nguyên tắc "chọn người theo yêu cầu công việc", việc tổ chức các lớp bồi dưỡng, tập huấn và chọn cử công chức, viên chức tham gia các lớp đào tạo, bồi dưỡng phải theo yêu cầu của công việc.
Về giảng viên thỉnh giảng: Các đơn vị trong Ngành cần tạo điều kiện thuận lợi để công chức, viên chức của đơn vị là giảng viên thỉnh giảng tham gia công tác đào tạo, bồi dưỡng tại các cơ sở đào tạo của Ngành. Đồng thời, tiếp tục giới thiệu những công chức, viên chức có trình độ chuyên môn, khả năng giảng dạy, nhất là những Kiểm sát viên có kinh nghiệm thực tiễn để báo cáo lãnh đạo VKSND tối cao quyết định cử làm giảng viên thỉnh giảng tại các cơ sở đào tạo của Ngành.