Hướng dẫn phương pháp điều trị bệnh sởi tại nhà hiệu quả

Hiện nay chưa có phương pháp điều trị sởi đặc hiệu riêng nhưng các chuyên gia khuyến cáo thực hiện các phương pháp kiểm soát triệu chứng bệnh cho đến khi bệnh tự khỏi theo thời gian.

Triệu chứng nổi ban đỏ điển hình của bệnh sởi. (Ảnh: Đinh Hằng/TTXVN)

Triệu chứng nổi ban đỏ điển hình của bệnh sởi. (Ảnh: Đinh Hằng/TTXVN)

Sởi là một bệnh nhiễm virus cấp tính với các triệu chứng sốt, phát ban, chảy nước mũi, ho, mắt đỏ... bệnh có thể gặp ở trẻ em, người lớn nếu không có miễn dịch phòng bệnh, có thể gây thành dịch.

Bệnh sởi tuy ít gây tử vong nhưng biến chứng có thể gặp là viêm tai giữa, viêm phổi, tiêu chảy, khô loét giác mạc mắt và đôi khi viêm não sau sởi, đặc biệt ở trẻ em suy dinh dưỡng...

1. Triệu chứng bệnh sởi

Virus sởi có hình cầu, đường kính rất nhỏ, chỉ khoảng 100-250nm. Khi người bệnh nói chuyện, ho hoặc hắt hơi, virus gây bệnh có thể phát tán ra ngoài không khí. Người chưa có miễn dịch hít vào sẽ bị lây bệnh.

Các triệu chứng của bệnh gồm sốt cao từ 39-40 độ C, người nhức mỏi, mắt đỏ do viêm kết mạc, mũi chảy dịch, ho, hắt hơi, đau họng, chán ăn, người xuất hiện các nốt phát ban đỏ li ti.

Các nốt phát ban thường mọc ở mặt, vùng vai gáy trước rồi lan dần ra khắp cơ thể. Trong quá trình phát ban, người bệnh sẽ sốt, đau mỏi cơ liên tục cho đến khi các nốt ban phủ kín từ đầu đến chân.

Sau vài ngày, các nốt ban sẽ bay dần đi tạo thành các vết thâm da. Khoảng 1-2 tuần sau các vết thâm mới biến mất. Thông thường, bệnh sởi kéo dài khoảng từ 7-10 ngày.

 Đặc trưng của bệnh sởi là sốt, phát ban. (Ảnh: Đinh Hằng/TTXVN)

Đặc trưng của bệnh sởi là sốt, phát ban. (Ảnh: Đinh Hằng/TTXVN)

2. Các điều trị bệnh sởi

Hiện nay chưa có phương pháp điều trị sởi đặc hiệu riêng. Tuy nhiên, các chuyên gia khuyến cáo thực hiện các phương pháp kiểm soát triệu chứng bệnh cho đến khi bệnh tự khỏi theo thời gian.

Dùng thuốc hạ sốt

Triệu chứng thường gặp của bệnh sởi là sốt cao kèm cảm giác mệt mỏi, khó chịu, sốt cao còn có thể gây co giật ở trẻ nhỏ.

Thuốc hạ sốt có thể giúp giảm các tình trạng trên. Loại thuốc hạ sốt thường được sử dụng là hạ sốt nhóm acetaminophen, ibuprofen hoặc naproxen sodium.

Bổ sung vitamin A

Trẻ em có bị thiếu vitamin A có nguy cơ chuyển nặng khi mắc bệnh sởi hơn những trẻ khác. Cho trẻ uống vitamin A có thể làm giảm mức độ nghiêm trọng của bệnh.

Uống nhiều nước

Uống nhiều nước hoặc nước trái cây để bổ sung lượng nước trong cơ thể bị mất do bệnh.

Nếu cần, bạn có thể mua các dung dịch bù nước (oresol) mà không cần toa bác sỹ. Các dung dịch này chứa nước và muối theo tỷ lệ cụ thể để bổ sung chất điện giải cần thiết cho cơ thể.

Nghỉ ngơi đầy đủ

Bạn nên nghỉ ngơi trong thời gian bệnh và cung cấp đủ dinh dưỡng cần thiết để cơ thể hồi phục nhanh chóng. Việc nghỉ ngơi sẽ vô cùng quan trọng bởi việc chống chọi lại căn bệnh đã khiến cơ thể bạn tiêu hao khá nhiều năng lượng rồi.

Vệ sinh mắt, miệng và da

Một trong các triệu chứng của bệnh sởi là gây viêm tại mắt và miệng. Chính vì vậy, bạn cần vệ sinh răng miệng, nhỏ rửa mắt để tránh nhiễm khuẩn. Bên cạnh đó, bạn nên tắm bằng nước ấm, xà phòng và lau người bằng khăn mềm.

Bệnh nhân sởi không nên kiêng nước, điều này không giúp bạn nhanh khỏi bệnh mà ngược lại sẽ ảnh hưởng đến việc vệ sinh, dẫn đến viêm da, viêm tắc mũi họng, thậm chí viêm loét hoại tử răng miệng hoặc có thể dẫn đến biến chứng loét giác mạc nếu không phát hiện kịp thời.

3. Khi nào cần gặp bác sỹ?

Bạn nên đến gặp bác sỹ để được chẩn đoán và được hướng dẫn điều trị một cách chính xác nhất khi nghi ngờ bản thân có các dấu hiệu hay triệu chứng của bệnh sởi như sốt; ho khan; sổ mũi; viêm họng; viêm kết mạc; xuất hiện các đốm trắng nhỏ trên nền đỏ trên niêm mạc bên trong má - còn được gọi là đốm koplik; phát ban.

 Khoa Nhiễm-Thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng 1 Thành phố Hồ Chí Minh tiếp nhận hàng chục ca mắc sởi mỗi ngày. (Ảnh: Đinh Hằng/TTXVN)

Khoa Nhiễm-Thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng 1 Thành phố Hồ Chí Minh tiếp nhận hàng chục ca mắc sởi mỗi ngày. (Ảnh: Đinh Hằng/TTXVN)

4. Các phòng ngừa bệnh sởi

Có 4 biện pháp chủ động, đơn giản và hiệu quả để phòng ngừa bệnh sởi gồm:

Tiêm phòng

Theo chương trình tiêm chủng mở rộng, trẻ đủ 9 tháng được khuyến cáo tiêm vaccine phòng bệnh sởi miễn phí tại các cơ sở y tế. Cùng với đó, để đảm bảo tạo ra miễn dịch bền vững cần phải tiêm nhắc lại mũi thứ 2 lúc trẻ 18 tháng tuổi.

Cách ly trẻ bệnh

Bệnh sởi lây lan rất nhanh nên khi phát hiện trẻ bệnh cần ngay lập tức đưa trẻ đến các cơ sở y tế để khám và chữa trị, đồng thời cách ly nguồn bệnh tránh lây lan cho cộng đồng.

Phòng bệnh cho nhân viên y tế và người nhà

Đeo khẩu trang y tế khi chăm sóc trẻ bệnh, đây cũng là biện pháp phòng tránh sự lây nhiễm chéo cho các trẻ khác tại các bệnh viện có bệnh nhân mắc sởi.

Vệ sinh sạch sẽ

Rửa tay sạch sẽ, đầy đủ các bước rửa tay thường quy được hướng dẫn trước và sau khi chăm sóc trẻ bệnh với mục tiêu phòng ngừa sự lây nhiễm chéo./.

(Vietnam+)

Nguồn VietnamPlus: https://www.vietnamplus.vn/huong-dan-phuong-phap-dieu-tri-benh-soi-tai-nha-hieu-qua-post1010773.vnp
Zalo