Hướng dẫn mới nhất của Bộ về môn Nội dung địa phương vẫn chung chung quá!

Việc biên soạn sách giáo khoa cần phải hoàn tất trước khi năm học mới bắt đầu và tập huấn cho giáo viên giảng dạy để tránh mỗi trường mỗi kiểu.

Đối với chương trình giáo dục phổ thông 2018, môn Nội dung giáo dục địa phương được đưa vào các cấp học phổ thông và đây là môn học bắt buộc. Ở cấp trung học cơ sở và trung học phổ thông, môn học này gồm 6 phân môn khác nhau, đó là: Ngữ văn, Lịch sử, Địa lí, Âm nhạc và Mĩ thuật, Giáo dục công dân (cấp trung học phổ thông là Giáo dục kinh tế và pháp luật).

Nếu so sánh với các môn học khác của cả 3 cấp học phổ thông khi triển khai chương trình giáo dục phổ thông 2018, môn Nội dung giáo dục địa phương là một trong những môn có số tiết ít nhất/ năm học. Mỗi năm học, môn học này chỉ có 35 tiết, trung bình mỗi tuần có 1 tiết học.

Tuy nhiên, trong 35 tiết này, nhà trường bắt buộc phải trừ lại 4 tiết cho kiểm tra định kỳ (2 bài giữa kỳ, 2 bài cuối kỳ). Còn lại 31 tiết, phải phân bổ thêm thời gian cho 4 bài kiểm tra thường xuyên theo hướng dẫn của Thông tư 22/ 2021/ TT- BGDĐT.

Trong khi đó, giáo viên ở nhiều địa phương chưa được tập huấn, chỉ vài dòng hướng dẫn chung chung trong năm học kể từ cấp Bộ trở xuống. Khi thực hiện gặp nhiều khó khăn và trách nhiệm này thường được giao cho các tổ trưởng chuyên môn thực hiện làm kế hoạch, phân bổ thời điểm giảng dạy, tính toán kiểm tra, nhập điểm, nhận xét cho từng phân môn.

Ảnh minh họa: Báo Lao động

Ảnh minh họa: Báo Lao động

Đọc chỉ đạo của Bộ trong 3 năm về môn Nội dung giáo dục địa phương vẫn thấy khó hiểu

Năm học 2021-2022, môn Nội dung giáo dục địa phương được ngành giáo dục triển khai giảng dạy ở lớp 6. Ngày 23/6/2021, Bộ ban hành Công văn số 2613/BGDĐT-GDTrH về việc triển khai thực hiện chương trình giáo dục trung học năm học 2021-2022 và hướng dẫn thực hiện môn Nội dung giáo dục địa phương như sau:

“Nội dung giáo dục của địa phương bao gồm những vấn đề cơ bản về văn hóa, lịch sử, địa lí, kinh tế, xã hội, môi trường, hướng nghiệp,... của địa phương. Căn cứ vào nội dung giáo dục của địa phương, hiệu trưởng phân công giáo viên dạy học các chủ đề phù hợp với năng lực của giáo viên;

Kế hoạch dạy học Nội dung giáo dục của địa phương được xây dựng theo từng chủ đề phù hợp với điều kiện tổ chức dạy học của nhà trường và kế hoạch dạy học các môn học có liên quan, tạo thuận lợi cho học sinh liên hệ, vận dụng những nội dung kiến thức đã học trong các môn học với thực tiễn tại địa phương;

Giáo viên dạy học chủ đề nào thực hiện việc kiểm tra, đánh giá thường xuyên đối với chủ đề đó theo kế hoạch. Bài kiểm tra, đánh giá định kì được xây dựng phù hợp với điều kiện thực tiễn của nhà trường, nội dung kiểm tra, đánh giá bao gồm nội dung các chủ đề đã dạy học đến thời điểm kiểm tra, đánh giá”. [1]

Năm học 2022-2023, Nội dung giáo dục địa phương được triển thêm ở lớp 7 và lớp 10, Bộ ban hành Công văn số 1496/BGDĐT-GDTrH về việc triển khai thực hiện chương trình giáo dục trung học năm học 2022-2013 và hướng dẫn môn Nội dung địa phương cũng giống như nội dung Công văn số 2613/BGDĐT-GDTrH, không khác một từ ngữ nào.

Chuẩn bị cho năm học 2023-2024 tới đây, ngày 03/8/2023 vừa qua, Bộ ban hành Công văn số 3899/BGDĐT-GDTrH về việc hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ giáo dục trung học năm học 2023-2024.

Theo đó, môn Nội dung giáo dục của địa phương được hướng dẫn: “Ưu tiên phân công giáo viên đảm nhận các nội dung phù hợp với chuyên môn của giáo viên. Xây dựng kế hoạch dạy học các chủ đề/bài học Nội dung giáo dục của địa phương phù hợp với kế hoạch dạy học các môn học có nội dung liên quan”. [2]

Một khi Bộ hướng dẫn như vậy thì các kế hoạch năm học của Sở, Phòng Giáo dục cũng coppy theo hướng dẫn của Bộ để gửi về các nhà trường. Ban giám hiệu nhà trường lại đẩy cho các tổ chuyên môn, phân công một tổ trưởng làm kế hoạch chung rồi các tổ chuyên môn cùng thực hiện.

Bất cập khi thực hiện môn Nội dung giáo dục địa phương vẫn chưa được gỡ

Nếu như các môn học khác dù là tập huấn online nhưng ít nhiều giáo viên còn có một hướng đi cụ thể, hoặc muốn tra các tài liệu có thể vào trang tập huấn của các nhà xuất bản tham khảo thêm.

Trong khi, môn Nội dung giáo dục địa phương chuẩn bị bước vào năm thứ 3 (cấp trung học cơ sở) và năm thứ 2 (cấp trung học phổ thông) nhưng có những địa không tập huấn cho giáo viên và cũng chẳng có tài liệu gì để tham khảo.

Ngay cả sách giáo khoa Nội dung giáo dục địa phương thì 2 năm qua mãi đến học kỳ II mới có sách, học kỳ I thì thầy và trò đều được “trải nghiệm” bằng file PDF. Tất cả các công việc triển khai đều do các nhà trường “tự chủ”, hay nói đúng hơn là các tổ chuyên môn mò mẫm thực hiện.

Đọc hướng dẫn của Bộ, của bộ phận chuyên môn Sở, Phòng thì có lẽ mơ hồ, chung chung quá. Chẳng hạn, Công văn số 3899/BGDĐT-GDTrH hướng dẫn: “Xây dựng kế hoạch dạy học các chủ đề/bài học Nội dung giáo dục của địa phương phù hợp với kế hoạch dạy học các môn học có nội dung liên quan” nên các bài học thường phải dạy sau các chủ đề của các môn học liên quan.

Ví dụ: môn Ngữ văn 7 có chủ đề về tục ngữ, ca dao ở đầu học kỳ II nên phải dạy xong chủ đề của Ngữ văn 7 thì mới dạy phân môn Ngữ văn (cũng chủ đề tục ngữ, ca dao địa phương) của môn Nội dung giáo dục địa phương.

Vì thế, có những phân môn phải dạy vào lúc cuối học kỳ, thậm chí có phân môn phải dạy dồn cùng với thời điểm kiểm tra học kỳ.

Đối với Công văn số 2613/BGDĐT-GDTrH và Công văn số 1496/BGDĐT-GDTrH thì hướng dẫn: “Giáo viên dạy học chủ đề nào thực hiện việc kiểm tra, đánh giá thường xuyên đối với chủ đề đó theo kế hoạch” nhưng theo Thông tư 22/ 2021/ TT- BGDĐT thì những môn dưới 35 tiết/ năm sẽ thực hiện mỗi kỳ 2 bài kiểm tra thường xuyên/ học kỳ (4 bài kiểm tra thường xuyên cho cả năm).

Tréo ngoe ở chỗ, Bộ hướng dẫn kiểm tra thường xuyên môn Nội dung giáo dục địa phương 2 năm qua như sau: “Giáo viên dạy học chủ đề nào thực hiện việc kiểm tra, đánh giá thường xuyên đối với chủ đề đó” [1]- có nghĩa phân môn nào cũng phải kiểm tra thường xuyên.

Trong khi, Nội dung giáo dục địa phương có đến 6 phân môn, môn Ngữ văn được bố trí 9 tiết; phân môn Âm nhạc 4 tiết; phân môn Mĩ thuật 4 tiết; các phân môn Giáo dục công dân, Lịch sử, Địa lý mỗi phân môn 6 tiết.

Hơn nữa, theo hướng dẫn hiện hành, các môn: Ngữ văn, Lịch sử, Địa lý, Giáo dục công dân đang được hướng dẫn việc đánh giá kết quả học tập của học sinh bằng điểm số và nhận xét. Các môn Âm nhạc, Mĩ thuật đánh giá kết quả bằng nhận xét (Đạt; Chưa đạt) nhưng hướng dẫn của môn Nội dung giáo dục địa phương là đánh giá bằng nhận xét.

Vì thế, kiểm tra thường xuyên, định kỳ tất cả các phân môn đều quy về đánh giá, xếp loại theo mức Đạt; Chưa đạt. Nhưng, có giáo viên nào lại xếp cho học sinh Chưa đạt vì môn học có tới 3 phân môn/ học kỳ. Vậy nên, tất cả học sinh đều xếp ở mức Đạt.

Việc nhập đánh giá và nhận xét chủ yếu là theo cảm tính. Vì tất cả các cột điểm đều dừng lại với chữ “Đ” (mức Đạt). Còn việc nhận xét phẩm chất, năng lực của học trò có lẽ cũng chung chung, na ná như nhau vì có những phân môn giáo viên chỉ dạy 4 tiết/ năm thì đến cái tên học sinh còn chưa biết, làm sao biết “năng lực, phẩm chất” của học trò ở ngưỡng nào mà nhận xét cho chính xác.

Thiết nghĩ, Bộ cũng cần có chỉ đạo cụ thể về môn Nội dung giáo dục địa phương về việc bố trí, phân công giáo viên giảng dạy. Bên cạnh đó, việc biên soạn sách giáo khoa cần phải hoàn tất trước khi năm học mới bắt đầu và tập huấn cho giáo viên giảng dạy các phân môn của môn học này chứ không thể để mỗi trường mỗi kiểu.

Cụm từ chỉ đạo của Bộ: “Hiệu trưởng phân công giáo viên dạy học các chủ đề phù hợp với năng lực của giáo viên” [1] nghe chung chung và mơ hồ quá vì không chỉ môn Nội dung địa phương mà các môn Khoa học tự nhiên; Lịch sử và Địa lý cũng hướng dẫn như vậy.

Tuy nhiên, ngoài chuyện “phù hợp với năng lực của giáo viên” thì hiệu trưởng còn phải cân đối nhân sự; số tiết dạy của giáo viên theo định mức; kinh phí của nhà trường, chứ bố trí theo “phù hợp với năng lực của giáo viên” thì những giáo viên “không phù hợp với năng lực” sẽ làm gì?

Tài liệu tham khảo:

[1] https://luatvietnam.vn/giao-duc/cong-van-2613-bgddt-gdtrh-2021-thuc-hien-chuong-trinh-giao-duc-trung-hoc-2021-2022-204323-d6.html

[2] https://thuvienphapluat.vn/cong-van/Giao-duc/Cong-van-3899-BGDDT-GDTrH-2023-nhiem-vu-giao-duc-trung-hoc-nam-hoc-2023-2024-574670.aspx

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

HƯƠNG MAI

Nguồn Giáo Dục VN: https://giaoduc.net.vn/huong-dan-moi-nhat-cua-bo-ve-mon-noi-dung-dia-phuong-van-chung-chung-qua-post237287.gd
Zalo