Hungary từ chối nộp tiền phạt vì vi phạm các quy định tị nạn của EU
Liên minh châu Âu (EU) đã bắt đầu quá trình thu hồi hàng trăm triệu euro tiền quỹ dự kiến chuyển cho Hungary sau khi nước này từ chối nộp khoản tiền phạt khổng lồ vì vi phạm các quy định về tị nạn của khối.
Vào tháng 6, Tòa án tối cao của EU đã ra lệnh cho Hungary phải trả 200 triệu euro (223 triệu USD) vì liên tục tước đoạt quyền xin tị nạn của người di cư. Tòa án đã áp dụng khoản tiền phạt bổ sung là 1 triệu euro cho mỗi ngày Hungary không tuân thủ. Trước đó, năm 2020, Tòa án Công lý châu Âu phát hiện Hungary đã hạn chế quyền tiếp cận sự bảo vệ quốc tế, giam giữ trái phép những người xin tị nạn và không tôn trọng quyền được ở lại của họ trong khi đơn xin tị nạn được xử lý.
Tòa án Công lý châu Âu mô tả hành động của Hungary là "hành vi vi phạm luật pháp EU chưa từng có và cực kỳ nghiêm trọng". Thủ tướng Hungary Viktor Orbán chỉ trích phán quyết của tòa là "vô lý và không thể chấp nhận được".
Cơ quan hành pháp của EU, Ủy ban châu Âu (EC), cho biết, do Budapest không trả tiền hoặc không cung cấp thông tin về ý định của mình, Brussels đang "chuyển sang thủ tục bù trừ" bằng cách lấy tiền từ các quỹ chung - khoản tiền dự định chuyển cho Hungary.
“Vì vậy, những gì chúng tôi sẽ làm bây giờ là khấu trừ 200 triệu euro từ ngân sách EU cho Hungary”, người phát ngôn của EC Balazs Ujvari cho biết. Theo ông, sẽ mất thời gian để xác định những phần nào trong nguồn tài trợ cho Hungary có thể được khấu trừ. Hiện, EC cũng đã gửi yêu cầu thanh toán đầu tiên về khoản tiền phạt hằng ngày lên tới 93 triệu euro (103 triệu USD) cho đến nay. “Tính từ khi nhận được, chính quyền Hungary sẽ có 45 ngày để thực hiện khoản thanh toán đó”, ông Ujvari nói thêm.
Chính phủ Hungary đã có lập trường cứng rắn đối với những người nhập cảnh vào nước này kể từ khi có hơn 1 triệu người đến châu Âu vào năm 2015, phần lớn trong số họ chạy trốn khỏi cuộc xung đột ở Syria.
Vụ kiện chống lại chính phủ liên quan đến những thay đổi mà Hungary đã thực hiện đối với hệ thống tị nạn của mình sau cuộc khủng hoảng đó, khi khoảng 400.000 người đã đi qua Hungary trên đường đến Tây Âu.
Các khu vực trung chuyển đã bị đóng cửa vào năm 2020, ngay sau phán quyết đó.
Nhưng ủy ban, đơn vị chịu trách nhiệm giám sát việc tuân thủ luật chung của 27 quốc gia thành viên EU, đã đưa ra quan điểm rằng, Budapest vẫn chưa tuân thủ và yêu cầu Tòa án Công lý châu Âu phạt tiền.
Sau khi đại dịch Covid-19 bùng phát vào năm 2020, chính phủ cũng đã thông qua một đạo luật buộc những người xin tị nạn phải đến Belgrade hoặc Kiev để nộp đơn xin giấy phép đi lại tại các đại sứ quán của họ ở đó trước khi vào Hungary.