Hungary sẵn sàng từ bỏ dầu mỏ của Nga với một điều kiện
Hungary tuyên bố sẵn sàng từ bỏ dầu mỏ Nga, nhưng với một điều kiện: Liên minh châu Âu phải hỗ trợ tài chính cho quá trình chuyển đổi. Với chi phí dự kiến lên tới 500 triệu USD, động thái này cho thấy thách thức năng lượng của Hungary và đặt ra bài toán lớn cho chính sách năng lượng của toàn EU trong bối cảnh áp lực địa chính trị gia tăng.
Theo tờ Politico, trong một diễn biến đáng chú ý về chính sách năng lượng của châu Âu, Hungary mới đây đã bày tỏ sự sẵn sàng chấm dứt sự phụ thuộc vào dầu mỏ Nga, nhưng với một điều kiện quan trọng: Liên minh châu Âu (EU) phải hỗ trợ tài chính cho quá trình chuyển đổi này.
Tiến sĩ György Bacsa, Phó Chủ tịch điều hành phụ trách hoạt động chiến lược tại tập đoàn MOL - đơn vị điều hành nhà máy lọc dầu duy nhất của Hungary nhập khẩu dầu thô từ Nga, khẳng định công ty có thể hoàn tất việc chuyển đổi trước thời hạn không chính thức năm 2027 của EU.
"Các nhà máy lọc dầu của Hungary có thể sẵn sàng hoạt động mà không cần dầu thô của Nga vào cuối năm 2026", ông Bacsa nói. Tuy nhiên, quá trình này đòi hỏi một khoản đầu tư đáng kể.
Theo ước tính của MOL, chi phí điều chỉnh các nhà máy lọc dầu để xử lý các loại dầu thô khác lên tới 500 triệu đô la Mỹ. Công ty này mong muốn EU hỗ trợ "vài trăm triệu USD" để thực hiện quá trình chuyển đổi.
Hiện tại, Hungary là một trong số ít quốc gia EU vẫn được phép nhập khẩu dầu của Nga. Mặc dù khối này đã cấm mọi hoạt động nhập khẩu dầu từ Nga qua đường biển vào năm 2022, họ vẫn cho phép dầu đường ống chảy đến các quốc gia phụ thuộc nhiều vào dầu của Moskva, trong đó có Hungary.
Thực tế cho thấy Hungary không chỉ duy trì mà còn gia tăng sự phụ thuộc vào dầu mỏ Nga. MOL hiện có hợp đồng dài hạn về dầu thô với Lukoil - công ty dầu tư nhân lớn nhất của Nga, có hiệu lực đến tháng 6 năm sau. Tiến sĩ Bacsa cho biết công ty sẽ gia hạn hợp đồng này "nếu có thể thực hiện được về mặt pháp lý".
Các chuyên gia chỉ ra rằng một phần lý do Hungary tiếp tục nhập khẩu dầu Nga là do được hưởng mức giá ưu đãi. Theo Fitch Ratings, Chính phủ Hungary gián tiếp sở hữu gần một phần ba cổ phiếu của MOL và đã áp dụng nhiều khoản thuế đặc biệt với công ty, thu về hàng tỷ đô la Mỹ để bù đắp thâm hụt ngân sách.
Tình hình trở nên phức tạp hơn vào tháng 7 năm nay khi Ukraine áp đặt lệnh trừng phạt đối với Lukoil, cấm công ty này vận chuyển dầu qua lãnh thổ Ukraine. Tuy nhiên, MOL đã tìm được giải pháp thông qua một thỏa thuận với Kiev, cho phép họ tiếp quản quyền sở hữu dầu của Nga khi dầu đi vào Ukraine, biến nó thành dầu của Hungary thay vì dầu của Nga.
Tuy nhiên, giải pháp này có thể không được EU chấp nhận. Dan Jørgensen, người có khả năng trở thành ủy viên năng lượng mới của EU vào tháng 12 tới, dự kiến sẽ coi việc nhập khẩu dầu của MOL qua Ukraine vẫn là dầu của Nga.
Trong bối cảnh đó, ông Bacsa bày tỏ lo ngại về việc EU có thể đưa ra thời hạn cụ thể hoặc áp dụng thêm các biện pháp trừng phạt. Ông cảnh báo rằng bất kỳ kế hoạch nào cũng cần tính đến sự khác biệt trong mức độ phụ thuộc vào nhập khẩu giữa các khu vực của EU. "Từ Tây Âu và Đan Mạch thì có vẻ dễ dàng. Nhưng từ Slovakia, từ Hungary, có vẻ như chúng ta bị bỏ lại một mình", Tiến sĩ Bacsa lưu ý.