Hungary cảnh báo hệ lụy việc đẩy nhanh tiến trình gia nhập EU của Ukraine
Ngày 10/4, Chánh văn phòng Thủ tướng Hungary đã cảnh báo nỗ lực của Liên minh châu Âu nhằm đẩy nhanh quá trình gia nhập của Ukraine sẽ đi ngược lại lợi ích quốc gia của Hungary đồng thời chỉ ra những rủi ro đối với nền kinh tế, nông nghiệp và vấn đề an toàn công cộng.
Chánh văn phòng Thủ tướng Hungary, Gergely Gulyas, phát biểu trong một cuộc họp báo nhấn mạnh động thái như vậy có thể chuyển hướng các quỹ gắn kết của EU khỏi Hungary và làm gián đoạn thị trường thực phẩm, khu vực lao động và năng lực thực thi pháp luật.
Ông cũng đặt câu hỏi về mức độ tin cậy của các cuộc thăm dò ý kiến do EU tài trợ để đánh giá sự ủng hộ của công chúng tại Hungary đối với việc Ukraine gia nhập EU. Ông bày tỏ những cuộc khảo sát này không phản ánh quan điểm thực sự của người dân Hungary mà nhằm vào mục đích chính trị. Để đáp lại động thái này, chính phủ Hungary sẽ khởi động một cuộc tham vấn toàn quốc vào tuần tới, gửi biểu mẫu bỏ phiếu đến các hộ gia đình để lấy ý kiến.

Chánh văn phòng Thủ tướng Hungary, Gergely Gulyas. (Ảnh minh họa: AFP/TTXVN).
Nhận xét của ông Gulyas phù hợp với lập trường thận trọng hơn của Hungary đối với sự hội nhập của Ukraine với các thể chế phương Tây. Kể từ khi bắt đầu cuộc xung đột giữa Nga-Ukraine vào năm 2022, chính phủ của Thủ tướng Viktor Orban đã tránh gửi viện trợ quân sự cho Ukraine và duy trì mối quan hệ chặt chẽ với Nga so với hầu hết các thành viên EU và NATO.
Nước này cũng đã trì hoãn các gói tài trợ chung của EU cho Kiev và phản đối sự tham gia của Ukraine vào các cuộc họp của NATO, vì những quan ngại về vấn đề chủ quyền quốc gia và cách đối xử với cộng đồng thiểu số Hungary tại Ukraine.
Hungary cho rằng Ukraine chưa sẵn sàng gia nhập EU vì nhiều vấn đề, trong đó nổi bật là các tranh chấp lãnh thổ đang diễn ra, bất ổn kinh tế và thách thức về thể chế. Các quan chức Hungary đã nhiều lần khẳng định việc chấp nhận một quốc gia đang có xung đột và phụ thuộc vào các nguồn chi phí tài trợ từ EU trong hoạt động quân sự và chi phí tái thiết sau chiến tranh, sẽ tạo gánh nặng không công bằng cho các quốc gia thành viên EU hiện tại.
Trước đó, các nhà lãnh đạo châu Âu đã cấp cho Ukraine tư cách ứng cử viên EU vào tháng 6 năm 2022 và đồng ý mở các cuộc đàm phán gia nhập vào tháng 12 năm 2023.