Hưng Yên: Thông qua nghị quyết thành lập các cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh
Ngày 18.2, HĐND tỉnh Hưng Yên Khóa XVII đã tổ chức Kỳ họp thứ 25 (kỳ họp không thường lệ) để xem xét, quyết định một số nội dung thuộc thẩm quyền.
Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Trần Quốc Toản; Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Lê Xuân Tiến; Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Trần Thị Tuyết Hương chủ tọa điều hành kỳ họp.
Phát biểu khai mạc kỳ họp, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Trần Quốc Toản cho biết, nhằm bảo đảm công tác quản lý nhà nước, kịp thời có giải pháp thúc đẩy việc thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, tại kỳ họp này, HĐND tỉnh tiến hành xem xét, đánh giá, quyết định một số nội dung quan trọng thuộc thẩm quyền.

Các đại biểu tham dự kỳ họp
Đặc biệt, để kịp thời giải quyết những nội dung, công việc mang tính cấp thiết, quan trọng trong triển khai, thực hiện chủ trương sắp xếp tổ chức bộ máy theo hướng "Tinh - Gọn - Mạnh - Hiệu năng - Hiệu lực - Hiệu quả", HĐND tỉnh sẽ xem xét, quyết nghị việc sắp xếp, cơ cấu lại tổ chức bộ máy của các cơ quan chuyên môn cấp tỉnh, đảm bảo tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả theo đúng định hướng của Trung ương và tinh thần Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 25.10.2017 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Khóa XII, gắn với công tác chuẩn bị và tổ chức Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XX, nhiệm kỳ 2025 - 2030. Đồng thời, HĐND tỉnh sẽ xem xét, ban hành chính sách hỗ trợ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong thực hiện sắp xếp bộ máy của hệ thống chính trị tỉnh; xem xét, miễn nhiệm thành viên UBND tỉnh do được nghỉ công tác và cho thôi làm nhiệm vụ đại biểu HĐND tỉnh theo nguyện vọng cá nhân.
Những vấn đề được xem xét, thảo luận và quyết định tại kỳ họp lần này là cần thiết, cấp bách và đúng thẩm quyền. Do đó, Chủ tịch HĐND tỉnh Trần Quốc Toản đề nghị, các đại biểu nêu cao tinh thần trách nhiệm, tích cực nghiên cứu, tham gia vào các tờ trình, dự thảo Nghị quyết, đóng góp ý kiến chân thành, thẳng thắn, chất lượng để toàn bộ các nội dung trong chương trình kỳ họp được xem xét, thông qua với sự thống nhất, đồng thuận cao nhất, đáp ứng các yêu cầu của thực tiễn và nhiệm vụ chính trị của tỉnh.
Tại kỳ họp, sau khi nghe các tờ trình của UBND tỉnh và Báo cáo thẩm tra của các Ban HĐND tỉnh, các đại biểu đã thảo luận và biểu quyết thông qua 2 nghị quyết về công tác cán bộ và 11 nghị quyết chuyên đề. Trong đó, có những nghị quyết quan trọng, tạo cơ sở pháp lý để thực hiện hoàn thành các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh trong năm 2025 và giai đoạn 2021-2026. Đơn cử như các nghị quyết về: thành lập các cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh; quy định hỗ trợ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong thực hiện sắp xếp bộ máy của hệ thống chính trị tỉnh Hưng Yên giai đoạn 2025-2030; sáp nhập 2 thôn để thành lập thôn mới của xã Đại Đồng thuộc huyện Văn Lâm; Quy định chính sách hỗ trợ xóa nhà tạm, nhà dột nát trên địa bàn tỉnh Hưng Yên năm 2025; quy định về chính sách hỗ trợ học phí trình độ trung cấp, trình độ cao đẳng trên địa bàn tỉnh Hưng Yên; thông qua Đề án đề nghị công nhận Đô thị Văn Giang, tỉnh Hưng Yên đạt tiêu chuẩn đô thị loại III; quy định mức chi hoạt động khuyến công trên địa bàn tỉnh...

Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Trần Quốc Toản phát biểu bế mạc kỳ họp. Ảnh: Bách Hợp
Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Trần Quốc Toản đề nghị UBND tỉnh nhanh chóng chỉ đạo, cụ thể hóa các nghị quyết của HĐND tỉnh. Trong đó, chỉ đạo các cơ quan liên quan bắt tay triển khai, thực hiện ngay, hiệu quả nghị quyết của HĐND tỉnh; khẩn trương ban hành Quy định cụ thể chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức của các cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh đảm bảo đúng hướng dẫn của Chính phủ và các Bộ, ngành Trung ương đảm bảo không để gián đoạn công việc, hoạt động hiệu lực, hiệu quả ngay. Rà soát, bố trí sử dụng cơ sở vật chất, trang thiết bị và phương tiện phục vụ hoạt động của các cơ quan sau khi thành lập bảo đảm hợp lý, tiết kiệm, hiệu quả, tránh lãng phí.
Tiếp tục bám sát các nghị quyết, kết luận của Trung ương, của Quốc hội, Chính phủ và Tỉnh ủy để hoàn thành việc sắp xếp tổ chức bộ máy các cơ quan, đơn vị trên địa bàn. Chủ động rà soát, ban hành các quy định cụ thể để xử lý một số nội dung liên quan nhằm bảo đảm hoạt động của các cơ quan, doanh nghiệp được liên tục, thông suốt, thuận lợi cho Nhân dân khi thực hiện sắp xếp tổ chức bộ máy.
Chỉ đạo các sở ngành chuyên môn và các huyện, thị xã, thành phố trên cơ sở các quy định của pháp luật và nghị quyết của HĐND tỉnh, chủ động rà soát, lập danh sách đầy đủ, đúng các đối tượng thụ hưởng chính sách và triển khai thực hiện kịp thời chính sách hỗ trợ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động ngay sau việc sắp xếp các cơ quan, tổ chức có hiệu lực thi hành.

Quang cảnh Kỳ họp. Ảnh: Bách Hợp
UBND tỉnh chỉ đạo các cơ quan chức năng chủ động, tích cực trong huy động, quản lý, sử dụng nguồn kinh phí hỗ trợ theo quy định; bảo đảm công bằng, dân chủ, công khai, minh bạch và thực hiện đúng quy định, chủ trương của Đảng, Nhà nước, đúng mục đích, đối tượng, điều kiện, tiêu chuẩn hỗ trợ, mức hỗ trợ, không trùng lặp về đối tượng, nguồn kinh phí hỗ trợ; tuân thủ trình tự, thủ tục, quy định của pháp luật; không để xảy ra trục lợi, thất thoát, lãng phí, tham nhũng, tiêu cực; thanh quyết toán kinh phí đúng quy định của pháp luật.
Tăng cường công tác tuyên truyền mục đích, ý nghĩa, nội dung của từng nghị quyết vừa được HĐND tỉnh thông qua nhằm tạo sự đồng thuận, thống nhất cao của Nhân dân trong quá trình tổ chức thực hiện. Có kế hoạch bố trí nguồn lực để thực hiện chính sách, đảm bảo chính sách được ban hành phải thực hiện kịp thời, công khai, minh bạch, đúng quy định. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra để kịp thời phát hiện, chấn chỉnh, khắc phục những hạn chế, yếu kém trong quá trình thực hiện.