Hưng Yên: Nhiều nhà đầu tư đất vỡ mộng, chính quyền nêu giải pháp ổn định thị trường

Đua theo giá đất nền tăng cao, nhiều nhà đầu tư nhỏ lẻ vỡ mộng khi không thoát được hàng, trong khi nợ ngân hàng khoản tiền lớn. Sở Xây dựng Hưng Yên đã tham mưu UBND tỉnh triển khai nhiều giải pháp ổn định thị trường bất động sản trên địa bàn.

Vỡ mộng vì... "ôm" đất

Anh Dương Quốc Hưng ở huyện Thanh Miện (Hải Dương) đang mắc kẹt khi trót ôm 2 lô đất ở khu dân cư phía bắc thị trấn Ân Thi, tỉnh Hưng Yên.

Nhiều lô đất thuộc khu dân cư phía bắc thị trấn Ân Thi có giá trúng đấu giá từ 60 - 70 triệu đồng/m2.

Nhiều lô đất thuộc khu dân cư phía bắc thị trấn Ân Thi có giá trúng đấu giá từ 60 - 70 triệu đồng/m2.

Cuối tháng 2, nghe lời rủ của nhóm bạn, anh Hưng dồn tiền, vay thêm ngân hàng mua 2 lô đất tại khu dân cư phía bắc thị trấn Ân Thi vừa được UBND huyện Ân Thi tổ chức đấu giá. Anh Hưng nhập 2 lô, giá 65 triệu/m2, tổng số tiền đầu tư 13 tỷ đồng.

"Thời điểm đó, lô đất đã qua tay 3 người, chênh so với giá trúng đấu giá gần 10 triệu đồng/m2. Tôi cũng không ngờ "sóng" khu này lại qua nhanh thế. Giờ sắp đến lúc trả hết tiền rồi mà vẫn chưa có khách hỏi mua", anh Hưng buồn bã nói.

Tại khu dân cư mới xã Dân Tiến, huyện Khoái Châu, anh Hoàng Văn Ba ở TP Hưng Yên cùng nhóm bạn cũng đang mắc kẹt 3 lô đất. Anh Ba cho biết, ngày 5/3, hơn 40 lô đất ở xã Dân Tiến được UBND huyện Khoái Châu đấu giá thành công. Trong đó, lô trúng cao nhất có giá lên tới 158,2 triệu đồng/m2, cao gấp hơn 3 lần giá khởi điểm. Lô trúng thấp nhất cũng có giá 66,8 triệu đồng/m2.

"Nhóm của tôi mua hồ sơ tham gia đấu giá nhưng do không lường được giá bị đẩy lên cao thế nên không trúng lô nào. Tuy nhiên, thấy "sóng" đánh mạnh quá, chúng tôi cũng đầu tư 3 lô với giá chênh so với giá trúng đấu giá 5 triệu đồng/m2", anh Ba kể.

Anh Ba và nhóm bạn không ngờ đất ở đây lại khó "lướt" đến vậy. Theo anh, giá trúng đấu giá cao hơn khá nhiều so với mặt bằng chung của khu vực nên phải là người thực sự có tiềm lực mới dám mua. Sau khi qua tay mấy "cò", giá đã cao lại càng cao hơn.

Theo đánh giá của Sở Xây dựng Hưng Yên, thời gian gần đây, thị trường bất động sản trên địa bàn tỉnh có dấu hiệu tăng "nóng" bất thường. Giá trị bất động sản ở một số nơi tăng cao, nhất là các địa phương giáp ranh Hà Nội như Văn Giang, Văn Lâm, thị xã Mỹ Hào, các khu vực có những dự án đô thị lớn, khu công nghiệp, dự án hạ tầng giao thông đang triển khai hoặc nằm trong quy hoạch.

Điều này ảnh hưởng không tốt đến thị trường bất động sản, việc thu hồi đất phục vụ giải phóng mặt bằng, mức độ hấp dẫn của môi trường đầu tư, năng lực cạnh tranh của tỉnh.

Anh Ba than thở: "Mấy lô đất mà nhóm đầu tư thấp nhất cũng gần chục tỷ đồng/lô, trong khi đất trong dân 5 - 7 tỷ đồng. Mức chênh lệch khá lớn nên vẫn không bán được, dù sắp đến hạn cuối nộp tiền. Có lẽ chúng tôi phải chấp nhận cắt lỗ vì "chôn" mấy chục tỷ vào đây, riêng trả lãi ngân hàng đã khó rồi".

Anh Vũ Văn T - chủ một văn phòng bất động sản trên địa bàn TP Hưng Yên cho hay, thời gian qua, các huyện, thành phố, thị xã trên địa bàn tỉnh Hưng Yên tổ chức nhiều cuộc đấu giá quyền sử dụng đất cho dân làm nhà ở. Điểm chung là mặt bằng giá trúng đấu giá cao hơn giá khởi điểm và cao hơn mặt bằng chung khá nhiều. Trung bình, giá lô đất trúng đấu giá cao hơn giá khởi điểm từ 1 - 2 lần, có những lô cao hơn giá khởi điểm từ 3 - 4 lần. So với giá thị trường, đất tại các khu tổ chức đấu giá cao hơn 2 - 3 lần.

Theo anh T, những khu đất đấu giá tại các huyện Ân Thi và Khoái Châu, TP Hưng Yên bị đẩy lên quá cao so với thị trường. "Văn phòng tôi cũng trúng mấy lô ở huyện Ân Thi và TP Hưng Yên nhưng đến giờ vẫn chưa bán được. Nếu chấp nhận giảm 15 - 20%, chúng tôi may ra có khách", anh T chia sẻ.

Kiểm soát để tránh gây ảnh hưởng tiêu cực đến xã hội

Bà Lý Thị Kim Dung, Trưởng phòng Quản lý Hạ tầng kỹ thuật và Nhà ở (Sở Xây dựng Hưng Yên) cho biết, tình trạng tăng "nóng" bất thường của thị trường bất động sản trên địa bàn tỉnh thời gian qua cần được kiểm soát, tránh gây ảnh hưởng tiêu cực đến phát triển kinh tế - xã hội, làm ảnh hưởng trực tiếp quyền lợi của người dân. Đồng thời, hiện tượng này cũng có khả năng phát sinh tranh chấp, khiếu kiện, ảnh hưởng an ninh trật tự, an toàn xã hội.

Nhiều lô đất ở xã Dân Tiến, huyện Khoái Châu (Hưng Yên) có giá lên tới hàng trăm triệu đồng/m2.

Nhiều lô đất ở xã Dân Tiến, huyện Khoái Châu (Hưng Yên) có giá lên tới hàng trăm triệu đồng/m2.

Sở Xây dựng Hưng Yên đã có văn bản tham mưu UBND tỉnh Hưng Yên triển khai nhiều giải pháp tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra, giám sát, nhằm ổn định thị trường bất động sản trên địa bàn.

Thời gian tới, Sở Xây dựng Hưng Yên tiếp tục phối hợp các sở, ngành, UBND các huyện, thành phố, thị xã rà soát, kiểm soát việc thực hiện quy hoạch xây dựng. Kịp thời công bố, công khai thông tin về quy hoạch xây dựng, các dự án nhà ở, phát triển đô thị.

Tăng cường kiểm tra xử lý vi phạm trong huy động vốn của dự án phát triển nhà ở, đặc biệt là hình thức huy động vốn bằng việc bán, cho thuê, mua nhà ở hình thành trong tương lai. Tăng cường quản lý, kiểm soát chặt chẽ việc thành lập, hoạt động của các sàn giao dịch bất động sản…

Sở Xây dựng Hưng Yên cũng tham mưu UBND tỉnh Hưng Yên chỉ đạo Sở Nông nghiệp và Môi trường tổ chức rà soát, lập điều chỉnh, công khai quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất. Công bố công khai thông tin các dự án đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Kịp thời tham mưu xác định giá đất trình phê duyệt để chủ đầu tư thực hiện nghĩa vụ tài chính, bảo đảm chặt chẽ, đúng quy định.

Sở Tư pháp tăng cường giám sát thực hiện tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất làm nhà ở theo quy định. Yêu cầu các văn phòng công chứng rà soát, kiểm tra, chỉ thực hiện công chứng hồ sơ giao dịch bất động sản đối với những dự án bất động sản đã đủ điều kiện đưa vào kinh doanh theo quy định. Thường xuyên kiểm tra, xử lý hành vi vi phạm pháp luật trong hoạt động công chức liên quan lĩnh vực bất động sản…

Đồng thời, Thanh tra tỉnh cần đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra dự án nhà ở, bất động sản, nhất là tại những dự án chậm hoàn thành nghĩa vụ tài chính, có dấu hiệu vi phạm trong việc phân lô, bán nền, giao dịch bất động sản khi chưa bảo đảm điều kiện theo quy định của pháp luật.

Bên cạnh đó, Sở Xây dựng cũng tham mưu UBND tỉnh Hưng Yên chỉ đạo UBND các huyện, thành phố, thị xã kiểm tra, kiểm soát hoạt động mua đi, bán lại các bất động sản trao tay nhiều lần, đặc biệt là đất nền tại các khu hạ tầng kỹ thuật chia lô hoặc khu vực người dân xin tách thửa để thực hiện chuyển nhượng cho tổ chức, cá nhân có hiện tượng tăng giá bất thường gây "sốt ảo" thị trường.

Thanh tra, kiểm tra, có biện pháp chấn chỉnh hành vi thổi giá, làm giá, đầu cơ, xử lý hành vi vi phạm pháp luật về đất đai, kinh doanh bất động sản và pháp luật liên quan. Tổ chức kiểm tra, nắm rõ tình hình, làm rõ nguyên nhân gây biến động giá của từng loại bất động sản thời gian qua. Chủ động đề xuất biện pháp điều tiết, bảo đảm thị trường phát triển ổn định, lành mạnh, bền vững…

Vị Thủy

Nguồn Xây Dựng: https://baoxaydung.vn/hung-yen-nhieu-nha-dau-tu-dat-vo-mong-chinh-quyen-neu-giai-phap-on-dinh-thi-truong-192250505221321516.htm
Zalo