Huế tháng 3/1975 qua thư của nhạc sĩ Trần Hoàn
Cách đây 50 năm, dịp 26/3/1975, nhạc sĩ Trần Hoàn đang phụ trách công tác văn hóa văn nghệ ở Huế. Công việc rất nhiều nhưng thỉnh thoảng, ông tranh thủ biên thư về cho vợ đang ở miền Bắc. Đọc những dòng thư của ông, chúng ta dễ hình dung không khí những ngày Huế và miền Nam sục sôi khí thế cách mạng, hàng triệu trái tim Việt Nam chung nhịp đập nỗi vui mừng non sông thống nhất.

Nhạc sĩ Trần Hoàn. Ảnh: Tư liệu
Trước hết là những dòng thư từ chiến khu Thừa Thiên. “Trường Sơn, ngày 8/1/75. Em thân yêu và các con! Tình hình chiến trường độ này rất sôi động. Ta đang tấn công mạnh… Vừa rồi em và các con có nghe bài hát mới của anh “Tiếng đàn trên Đường 9” không? Anh làm để tặng Huy Thục, tác giả bài “Tiếng đàn Talư” đó. Nghe cũng tàm tạm. Rồi anh sẽ tiếp tục sáng tác, vì lòng anh vẫn vui, trẻ như dạo nào…
Ngày 18/4/1975, ông viết một bức thư rất dài cho vợ và các con, mỗi câu chữ thể hiện nỗi vui mừng tột độ: “Giữa thành phố Huế giải phóng từ 26/3, mà nay anh mới viết thư về. Anh xin nhận lỗi, không bào chữa. Nhưng mong em, mẹ và các con hẵng vui cái vui quá sức to lớn, quá sức bất ngờ, mà chắc em và cả miền Bắc không thể lường tới được về sự kiện tháng Ba vừa qua. Cũng như mọi người ở đây, anh đã sống những ngày đêm không ngủ, làm những việc quá sức mình, chớp thời cơ ngàn năm có một, làm công việc tiếp quản trong chiến tranh, với sự bỡ ngỡ gần như toàn diện.
Tháng Ba đã đi qua như một giấc mộng cực kỳ đẹp đẽ và huy hoàng. Anh nhớ rõ, đầu tháng, cơ quan đã rục rịch chờ lệnh, đưa các đoàn tuyên truyền xung phong xuống núi để phát động quần chúng khởi nghĩa. Dự định là xuống một đợt ngắn rồi về tập trung ở hậu cứ (…). Cơ quan cũng đã chuẩn bị sẵn hai con lợn to. Định đến ngày 8/3, anh em ở đồng bằng về sơ kết, sẽ có buổi liên hoan, rồi lại tiếp tục đi đợt hai. Sau đó lại về để sơ kết đợt hai, liên hoan chào mừng Ngày Thanh niên (26/3), rồi tiếp tục xuống sâu và dài hơn nữa. Nhưng khoảng mồng 10, quân ta đánh Ban Mê Thuột. Chính các anh trong này cũng bất ngờ. Chiến thắng Ban Mê Thuột đã đánh một đòn chí tử vào quân ngụy. Gia Lai, Kontum, địch tháo chạy trong hỗn loạn. Chiến trường miền Nam sôi lên. Trị Thiên - Huế sẵn sàng chờ lệnh.
Ngày 17/3, các anh được lệnh của Khu ủy vào ngay A Lưới. Mỗi cơ quan để lại một ít người để bảo vệ, còn tất cả sẵn sàng hành trang đợi lệnh.
Vượt một ngày, một đêm qua dốc Chè, vừa mệt vừa mất ngủ, nhưng chưa bao giờ các anh khấp khởi mừng thầm như lúc này.
… Ngày 19, (…) khí thế tiến quân như triều dâng thác đổ. Thừa thắng theo đường một, quân ta tiến vào giải phóng Thừa Thiên. Từ trên rừng, các đơn vị của Quân khu Trị Thiên áp sát Hương Trà, Phong Điền và chia cắt quân địch. Phía Phú Lộc, Quân đoàn 2 xuất kích cắt đường 1, chặn đường rút của ngụy từ Huế chạy vào Đà Nẵng. Cùng một lúc, ba vùng, ba mũi giáp công… Pháo ta bắn chặn ở cửa biển Thuận An. Cả một vùng sôi lên như chảo lửa. Chưa bao giờ có cảnh chạy hoảng loạn, tan tác đến như vậy. (…)
Tối 24, các anh được Thường vụ Khu ủy ra lệnh sáng hôm sau hành quân theo đường 12, từ A Lưới về Huế. Gần 40km đường dày đặc mìn. Đoàn quân vừa đi bộ vừa chờ gỡ mìn. Từ sáng sớm đến tối mịt mới về đến lăng Minh Mạng. Với 5 chiếc thuyền trưng dụng, các anh đã xuôi dòng sông Hương ngay trong đêm, và đến bến đò Thừa Phủ giữa lòng thành phố Huế lúc 12 giờ đêm.
Chao ôi, chưa bao giờ anh hồi hộp như đêm đó. Dạo đánh Huế, anh có về Kim Long, nhưng làm sao mà ung dung đi đò trên sông Hương đến tận Trường Tiền như bây giờ. Em biết không, khi đò cập bến, trong khi chờ đợi tập kết vào Thư viện Trường Đại học, anh rủ một người bạn chạy lên phía Trường Quốc Học gần đó để nhìn cái nơi mình từng học lúc còn trẻ.
Sáng 26/3, Huế hoàn toàn giải phóng. Lá cờ giải phóng bay cao trên đỉnh Phu Văn Lâu. Trên một chiếc Honđa, anh được một cơ sở nội thành đưa đi thăm các cơ sở văn hóa, nghệ thuật của ngụy để lại, vào Đại Nội, xuống cửa Đông Ba. Cờ đỏ phấp phới bay trên sông Hương, cả phía xa trên đỉnh núi Ngự.
Huế đã được giải phóng. Anh đã sống trong những ngày có một không hai trong đời mình. Và rất nhanh, với cảm xúc trào dâng, anh viết một mạch bài hát “Nắng tháng Ba”. Bài hát được trình diễn ngay trên Đài Truyền thanh Huế vừa được khôi phục hoạt động. Và cứ sáng sáng, bản điệp khúc của bài hát lại vang lên, bằng một tiếng đàn phong cầm tuy còn lẻ loi, nhưng khá tưng bừng và sảng khoái”.
Rồi đúng ngày 30/4/1975, từ Huế, ông viết cho vợ lá thư hòa nhịp đập cùng nỗi vui mừng non sông thống nhất: “Em Hồng thân yêu! Những ngày qua, cũng như cả nước, Huế sống trong một tâm trạng phấn khởi, tin tưởng và chờ đợi… Huế đã ổn định. Sông Hương lại hiền lành và lặng lẽ trôi như thuở nào. Toàn thành phố đã trở lại sinh hoạt bình thường. Chợ búa, trường học, xưởng thợ, cửa hàng đều đã đông nghịt người.
… Mấy ngày nay, anh đang sống cùng một số bạn hữu ngoại quốc có cảm tình với ta vào thăm Huế. Anh đã kể cho họ nghe về Huế năm 1945, Huế năm 1968, Quảng Trị năm 1972. Anh đã đưa họ đi thăm Kinh thành, lăng tẩm, chùa Thiên Mụ để họ biết chút ít về văn hóa Huế. Họ sống những ngày khá vui và chờ đợi tin ở chiến dịch Hồ Chí Minh vì họ không được vào trong đó… Anh nhớ rõ đêm 29/4, anh và các bạn đó về nghỉ ở khu nhà số 2 đường Lê Lợi, gần ga. Khoảng 6 giờ sáng, hai đồng chí chạy từ gác hai xuống, đùng đùng đi tìm anh, với một chai rượu whisky họ mang từ Hà Nội vào. Họ gõ cửa phòng anh, ôm lấy anh vừa khóc vừa nói: “Sài Gòn giải phóng rồi!”. Tin ở đâu? - Anh hỏi. Chúng tôi vừa nghe đài BBC và Hoa Kỳ xong. - Thật ư? - Đúng vậy. Hoan hô. Nào chúng ta hãy uống mừng cho sự nghiệp của các Đảng chúng ta đi”.
Họ cùng nhau chia vui, rồi bỗng người đảng viên Cộng sản Mỹ chợt ứa nước mắt: “Càng vui với Sài Gòn được giải phóng bao nhiêu, chúng tôi càng khổ tâm bấy nhiêu, nhục nhã bấy nhiêu!”. “Tại sao?”. Ông ta trả lời: “Vì là dân nước Mỹ mà chúng tôi không ngăn chặn được bọn đế quốc Mỹ làm những chuyện ngu xuẩn, dại dột trong một cuộc chiến tranh xâm lược tàn bạo nhất thế giới này”.
Về sau ông còn viết nhiều lá thư gửi ra Bắc, tràn trề niềm vui: “Có nỗi vui nào vui hơn. Đất nước ta không còn giới tuyến nữa rồi. Gia đình ta sẽ đoàn tụ”.