Huế khuyến cáo nóng trước tình hình dịch tả heo châu Phi lan rộng ở miền Trung

Nhằm đảm bảo an toàn, phòng chống dịch bệnh ở heo, ngành thú y Huế khuyến cáo người trước khi vào chuồng trại phải tắm gội sạch sẽ, thay áo quần.

Ngày 16-7, Sở Y tế TP Huế cho biết từ đầu năm đến nay địa phương này đã ghi nhận tổng cộng 37 ca bệnh liên cầu khuẩn lợn, trong đó 14 ca khỏi bệnh, 1 ca tử vong và 3 ca bệnh nặng xin về nhà. Ngoài truyền thông rộng rãi trong cộng đồng thì Sở Y tế TP Huế cũng tổ chức tập huấn "Kiểm soát và điều trị bệnh liên cầu lợn". Qua đó, cập nhật nâng cao kiến thức, năng lực phát hiện, khoanh vùng cho tuyến cơ sở, đồng thời phối hợp chặt chẽ với các đơn vị y tế trên địa bàn trong việc điều trị bệnh.

Trước tình trạng nhiều người nhiễm liên cầu lợn, việc tiêu thụ thịt heo tại Huế đang giảm, nhiều quầy sạp đóng cửa.

Trước tình trạng nhiều người nhiễm liên cầu lợn, việc tiêu thụ thịt heo tại Huế đang giảm, nhiều quầy sạp đóng cửa.

Ông Nguyễn Văn Hưng, Chi Cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y TP Huế khẳng định đến thời điểm này địa phương chưa ghi nhận tình trạng heo bị bệnh tai xanh hay dịch tả lợn châu Phi. Theo ông Hưng thì Huế là địa phương nuôi ít heo, theo mô hình an toàn sinh học, nuôi có đăng kí, mô hình nuôi của các doanh nghiệp được khép kín.

Chuồng trại nuôi heo ở Huế được khép kín, đảm bảo an toàn sinh học.

Chuồng trại nuôi heo ở Huế được khép kín, đảm bảo an toàn sinh học.

Theo thống kê tại Huế thì trên 80% heo thuộc diện tiêm vắc-xin đã được tiêm phòng 4 loại bệnh nên miễn dịch cộng đồng tốt. Tuy nhiên, trước tình trạng nhiều người nhiễm liên cầu khuẩn lợn nên ảnh hưởng rất lớn đến người chăn nuôi và thị trường tiêu thụ thịt heo giảm mạnh.

Bệnh liên cầu khuẩn lợn là gì?

Theo tài liệu tuyên truyền của Sở Y tế TP Huế, bệnh liên cầu khuẩn lợn có tên khoa học là Streptococcus suis là tác nhân gây bệnh ở lợn và một số gia súc khác như trâu, bò, dê, ngựa... mang mầm bệnh, đôi khi gây bệnh trên người. Bệnh ở lợn biểu hiện bằng viêm màng não, nhiễm khuẩn huyết, viêm phổi, viêm nội tâm mạc và viêm khớp. Thông thường người bị nhiễm vi khuẩn do tiếp xúc trực tiếp với lợn ốm, lợn chết hoặc ăn tiết canh, thịt lợn ốm, thịt lợn chết chưa nấu chín. Ở người, vi khuẩn gây hai bệnh cảnh chính là viêm màng não và nhiễm khuẩn huyết, có thể gây sốc nhiễm khuẩn. Nếu không được phát hiện bệnh sớm và điều trị kịp thời thì người bệnh có thể tử vong.

Ngành thú y hiện đang phối hợp với các cơ quan chức năng tăng cường kiểm tra lâm sàng, kiểm soát giết mổ chặt chẽ tại các cơ sở, kiên quyết xử lý các trường hợp heo bệnh, nghi mắc bệnh, chết do vận chuyển. Đồng thời tuyên truyền, khuyến cáo người dân không ăn tiết canh, lòng heo hoặc thịt heo chưa nấu chín kỹ; không giết mổ, tiêu thụ heo bệnh hoặc heo chết bất thường.

Đối với các cơ sở, trại chăn nuôi phải đảm bảo an toàn sinh học, chuồng nuôi phải đảm bảo đảm cho hoạt động chăn nuôi và có hệ thống xử lý chất thải chăn nuôi, có biện pháp bảo vệ môi trường, phải có tường rào, lưới bao bọc xung quanh chuồng để hạn chế các tác nhân lây bệnh, phải có ô cách ly cho động vật mới nhập về nuôi.

Chi cục Chăn nuôi và Thú y TP Huế khuyến cáo các chủ nuôi cần kiểm soát người, phương tiện và động vật ra vào chuồng nuôi. Người trước khi vào phải tắm gội sạch sẽ; thay quần áo, giày dép và mặc quần áo, dụng cụ bảo hộ; không cho động vật nuôi khác như chó, mèo, thú cưng xâm nhập vào khu chuồng nuôi. Ông Hưng cho biết đó là yêu cầu trong nuôi heo đảm bảo an toàn sinh học. Vì vậy, nhiều chủ chuồng trại rất kỹ khi có người lạ muốn vào chuồng.

Q.Nhật

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/hue-khuyen-cao-nong-truoc-tinh-hinh-dich-ta-heo-chau-phi-lan-rong-o-mien-trung-196250716104213297.htm
Zalo