Hudland trước bài toán tăng vốn khi kinh doanh lao dốc

Đang nợ tiền sử dụng đất 1.272,1 tỷ đồng, Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển Bất động sản Hudland (mã HLD) đẩy mạnh kế hoạch chào bán cổ phiếu bổ sung vốn đầu tư dự án dang dở.

Lãi mỏng khi thâm hụt dòng tiền liên tục

Là đơn vị thành viên của Tổng công ty Đầu tư Phát triển Nhà và Đô thị - một doanh nghiệp nhà nước, Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển Bất động sản Hudland (mã HLD) cũng sở hữu nhiều lợi thế về quy mô đất và vị trí các dự án. Các dự án Công ty từng triển khai là Dự án Vân Canh, Dự án Chung cư cao tầng CT17 Việt Hưng, Dự án Đầu tư xây dựng nhà vườn khu B… và đang tập trung nguồn lực cho Dự án Bình Giang - Hải Dương.

Thực tế, sau giai đoạn 2019-2020 với mức lãi từ 74,26 tỷ đến 75,87 tỷ đồng, Hudland bước vào giai đoạn lao dốc, lợi nhuận năm sau thấp hơn năm trước. Trong đó, năm 2021 giảm 79,5% về 15,22 tỷ đồng, năm 2022 tiếp tục giảm 67,9% về 4,88 tỷ đồng, năm 2023 giảm thêm 32,4% về 3,3 tỷ đồng và 9 tháng năm 2024 tiếp tục giảm 53% về 0,92 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, Hudland duy trì thâm hụt dòng tiền khi năm 2022 âm 128,08 tỷ đồng, năm 2023 âm 61,97 tỷ đồng và 9 tháng năm 2024 tiếp tục âm thêm 57,19 tỷ đồng. Từ ngày 1/1/2020 đến 30/9/2024, lượng tiền mặt giảm 83,2% so với đầu kỳ, tương ứng giảm 178,36 tỷ đồng, về 35,92 tỷ đồng, chiếm 1,9% tổng tài sản. Ngược lại, tổng nợ vay tăng 303% so với đầu kỳ, tương ứng tăng 118,57 tỷ đồng, lên 157,66 tỷ đồng và bằng 37,1% vốn chủ sở hữu.

Như vậy, kinh doanh lao dốc, mô hình thâm hụt dòng tiền dẫn tới quy mô tiền mặt giảm, nợ vay tăng, Hudland đang cạn dần tiền mặt và gặp khó khăn trong triển khai dự án trọng điểm Bình Giang - Hải Dương.

Trong 9 tháng năm 2024, khoản mục tồn kho bất ngờ tăng 366,3% so với đầu năm, tương ứng tăng 1.252,1 tỷ đồng, lên 1.721,2 tỷ đồng, chiếm 91,1% tổng tài sản. Nhiều khả năng, tồn kho chủ yếu liên quan tới Dự án Bình Giang - Hải Dương.

Điểm đáng lưu ý, cùng với sự mở rộng của tồn kho, Hudland còn bất ngờ ghi nhận 1.272,1 tỷ đồng thuế và các khoản phải nộp cho Nhà nước (đầu năm không ghi nhận) trong 9 tháng năm 2024. Công ty thuyết minh rằng, đây là thuế nhà đất, tiền thuê đất khi tháng 3/2024, Hudland nhận được thông báo nộp tiền của Cục Thuế tỉnh Hải Dương về Dự án Bình Giang - Hải Dương với số tiền sử dụng đất là 1.358 tỷ đồng.

Như vậy, dù đã có giấy phép xây dựng hạ tầng Dự án Bình Giang - Hải Dương, nhưng Hudland vẫn đang nợ nghĩa vụ tiền sử dụng đất. Với lượng tiền mặt hạn chế, Công ty sẽ phải tìm cách huy động vốn để thực hiện nghĩa vụ với Nhà nước, đồng thời bổ sung nguồn vốn để triển khai các dự án thành phẩm trước khi mở bán ra bên ngoài.

Đang tìm cách huy động vốn từ cổ đông

Để có vốn đối ứng, Hudland vừa thông qua kế hoạch chào bán 23,4 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu với giá 10.000 đồng/cổ phiếu để huy động 234 tỷ đồng, triển khai trong năm 2025. Trong đó, Công ty dự kiến dùng 185 tỷ đồng để đầu tư Dự án Khu dân cư Bình Giang - Hải Dương; 22 tỷ đồng đầu tư Dự án Khu đô thị Đồng Tâm - Yên Bái; 10 tỷ đồng bổ sung chi phí giải phóng mặt bằng cho các dự án mới; còn lại 17 tỷ đồng bổ sung vốn lưu động.

Ngoài kết quả kinh doanh của Hudland lao dốc, cổ phiếu HLD đang giao dịch với thanh khoản tương đối thấp, trung bình trong 20 phiên giao dịch gần nhất tính tới ngày 20/12 chỉ khớp lệnh 30.000 cổ phiếu trên phiên. Vì vậy, Hudland cũng đang không thu hút được nhà đầu tư quan tâm do thanh khoản quá thấp, điều này cũng cản trở khả năng gọi vốn.

Lý giải việc phải tăng vốn ở thời điểm hiện tại, ông Phạm Cao Sơn, Chủ tịch HĐQT Hudland cho biết, tăng vốn để nâng cao năng lực tài chính của Công ty, qua đó đáp ứng được các điều kiện tham gia và tăng khả năng trúng thầu các dự án trong tương lai; cải thiện các chỉ tiêu tài chính, qua đó tăng mức xếp hạng tín nhiệm, tạo điều kiện thuận lợi trong quá trình đàm phán vay vốn của Công ty và các ngân hàng; bổ sung nguồn vốn phục vụ sản xuất - kinh doanh.

Thực tế, dù huy động vốn thành công, nhưng số tiền 185 tỷ đồng để đầu tư Dự án Khu dân cư Bình Giang - Hải Dương vẫn thấp hơn nhiều số tiền sử dụng đất tại Dự án mà Hudland vẫn chưa thanh toán cho Nhà nước.

Vì vậy, khó khăn lớn nhất hiện nay của Hudland là phải thực hiện nhiều giải pháp cải thiện hiệu quả kinh doanh, tăng sức hấp dẫn của cổ phiếu trước đợt tăng vốn để thu hút nhà đầu tư, tránh việc huy động vốn bất thành.

Duy Bắc

Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/hudland-truoc-bai-toan-tang-von-khi-kinh-doanh-lao-doc-d235812.html
Zalo