HTX Dịch vụ nông lâm nghiệp Thành Tiến: Đa dạng hóa sản phẩm giúp người dân tiêu thụ chè xanh
Minh Long là huyện miền núi của tỉnh Quảng Ngãi. Tổng diện tích đất tự nhiên của huyện là 21.689,69 ha, chiếm 4,2 % tổng diện tích toàn tỉnh Quảng Ngãi với 5 đơn vị hành chính (5 xã) đều là xã vùng cao của tỉnh.
Với chính sách tạo thuận lợi cho phát triển hàng hóa miền núi, nhiều sản phẩm đặc trưng vùng được các Hợp tác xã và đồng bào dân tộc tổ chức sản xuất, thu mua chế biến, tiêu thụ lan tỏa sản phẩm trong và ngoài tỉnh.
Theo thống kê, hiện nay tỉnh Quảng Ngãi có khoảng 65 HTX đóng tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi. Trong đó có gần 50 HTX đang hoạt động với hàng nghìn thành viên, trong đó người đồng bào dân tộc thiểu số chiếm khoảng 70%. Các HTX đã bán sát địa bàn, cùng với người dân khai thác tiềm năng, lợi thế ở từng địa phương, lan tỏa sản phẩm đến với thị trường trong, ngoài tỉnh.
Trong các HTX trên địa bàn miền núi của huyện Minh Long, Hợp tác xã Dịch vụ nông lâm nghiệp Thành Tiến (thôn Hà Bôi, xã Long Hiệp, huyện Minh Long, tỉnh Quảng Ngãi) thời gian qua đã phát huy được vai trò cầu nối giúp người dân trên địa bàn trồng, sản xuất và tiêu thụ hiệu quả sản phẩm cây chè xanh trên địa bàn.
Hợp tác xã Dịch vụ nông lâm nghiệp Thành Tiến (HTX Tiến Thành) được thành lập năm 2020. Đây là HTX của các hộ gia đình người H're, với 15 thành viên. Sau 4 năm hoạt động, vận hành HTX Thành Tiến đã chủ động nắm bắt được quy trình trồng, sản xuất, chế biến và tìm đầu ra cho sản phẩm chè xanh cho hợp tác xã và người dân địa phương.
Bình quân HTX Thành Tiến thu mua, tiêu thụ từ 3 - 5 tấn chè xanh thương phẩm/tháng. Sản phẩm hiện nay của HTX Thành Tiến là chè xanh, bột chè xanh, bột Matcha…đã được công nhận đạt sản phẩm OCOP 3 sao và được tiêu thụ trong toàn tỉnh. Đặc biệt là, sau khi tham gia vào HTX, nhiều thành viên đã mạnh dạn đầu tư, mở rộng diện tích trồng chè xanh trên địa bàn.
Trong hoạt động, HTX Thành Tiến đã trở thành “cầu nối” giúp người dân trên địa bàn xã Hà Bôi huyện Minh Long tiêu thụ sản phẩm chè xanh truyền thống ổn định và nâng cao thu nhập. Sản lượng chè tiêu thụ tăng cao đã thu hút người dân tham gia vào HTX, mở rộng thêm diện tích trồng chè xanh.
Ông Đinh Văn Khó – Giám đốc Hợp tác xã Dịch vụ nông lâm nghiệp Thành Tiến cho biết: Phát huy kế quả đạt được, HTX mong muốn nhận được sự quan tâm hơn nữa của các cấp lãnh đạo địa phương trong đầu tư công nghệ chế biến, đa dạng sản phẩm và phát triển thị trường tiêu thụ sản phẩm. Tiếp tục triển khai kế hoạch xây dựng cơ sở sơ chế chè xanh tập trung để từng bước nâng tầm sản phẩm từ OCOP 3 sao lên OCOP 4 sao. Bên cạnh đó, các thành viên HTX đang phát triển thêm lĩnh vực chăn nuôi heo bản địa, nhằm đa dạng sản phẩm của HTX, từng bước mở rộng thị trường./.