HTX Dệt thổ cẩm Chiềng Châu giúp chị em có việc làm và thu nhập ổn định

Kể từ ngày thành lập và đi vào hoạt động, Hợp tác xã (HTX) Dệt thổ cẩm và Dịch vụ du lịch Chiềng Châu (huyện Mai Châu, tỉnh Hòa Bình) đã tạo việc làm và thu nhập ổn định cho hơn 100 chị em phụ nữ ở địa phương. Đồng thời góp phần quảng bá thương hiệu đặc sản địa phương đến với khách du lịch trong và ngoài nước.

Trong khu nhà xưởng rộng hàng trăm m2 tại xóm Chiềng Châu, xã Chiềng Châu, với hàng chục chiếc khung dệt truyền thống và máy khâu hiện đại, những phụ nữ dân tộc Thái đang miệt mài sản xuất các mặt hàng thổ cẩm truyền thống độc đáo như túi xách, khăn, áo, váy, ba lô…vv. Mỗi sản phẩm đều mang đậm nét văn hóa truyền thống của người dân tộc Thái với các loại hoa văn thêu thùa hình quả trám, hình ve sầu, hình cây, hình rau bợ, hình con khỉ… vô cùng sinh động.

Bà Vì Thị Oanh, Phó Giám đốc HTX Dệt thổ cẩm và Dịch vụ du lịch Chiềng Châu, cho biết, phụ nữ người Thái ai cũng biết nghề dệt thổ cẩm. Trước đây, họ chủ yếu chỉ làm để phục vụ nhu cầu sử dụng trong gia đình, hầu như không có mục đích mua bán. Kể từ ngày các mô hình du lịch cộng đồng phát triển ở Mai Châu, nhu cầu mua sắm hàng thổ cẩm truyền thống của du khách đến đây cũng rất lớn.

Vì vậy, được Hội LHPN huyện và xã ủng hộ, bà Oanh đã vận động chị em và huy động nguồn lực thành lập HTX với số vốn ban đầu 500 triệu đồng mở nhà xưởng, mua máy móc sản xuất.

Bà Vì Thị Oanh - Phó Giám đốc HTX Dệt thổ cẩm và Dịch vụ du lịch Chiềng Châu

Bà Vì Thị Oanh - Phó Giám đốc HTX Dệt thổ cẩm và Dịch vụ du lịch Chiềng Châu

“Thời gian đầu gặp rất nhiều khó khăn, hàng hóa làm ra rất đẹp nhưng lại rất khó tiếp cận với thị trường tiêu thụ vì chúng tôi làm theo quan niệm về cái đẹp của bản thân. Sau này, khi tìm hiểu thêm về xu thế, thị hiếu của người tiêu dùng, tôi bắt đầu thiết kế các mẫu mã sản phẩm có tính ứng dụng cao, đáp ứng nhu cầu của du khách nên các sản phẩm dần được người tiêu dùng chấp nhận, giải quyết được khó khăn về đầu ra cho sản phẩm” - bà Oanh nhớ lại.

Đến nay, HTX có khu nhà xưởng hàng trăm m2, 14 máy may, hơn 40 khung dệt với 21 nhân công làm việc chính tại xưởng và 100 nhân công làm việc bán thời gian. Thu nhập trung bình của chị em dao động từ 3,5 - 5 triệu đồng/tháng.

Một số sản phẩm thổ cẩm của HTX Dệt thổ cẩm và Dịch vụ du lịch Chiềng Châu

Một số sản phẩm thổ cẩm của HTX Dệt thổ cẩm và Dịch vụ du lịch Chiềng Châu

Với hơn 10 năm hình thành và phát triển, có những lúc HTX phải đối diện với rất nhiều khó khăn, tưởng chừng không thể trụ vững, đặc biệt là thời điểm xảy ra đại dịch Covid-19. Bằng sự nỗ lực của Ban lãnh đạo HTX và chị em thành viên cũng như sự động viên của chính quyền địa phương, đặc biệt là Hội LHPN các cấp đã tạo động lực cho HTX vươn lên, đi vào hoạt động sản xuất ngay sau khi hết dịch bệnh.

Chị Lò Thị Vân, một thành viên HTX cho biết: “Nhờ có HTX mà có hơn 100 chị em có việc làm ổn định. Mỗi tháng có thu nhập ổn định, so với việc đi làm công nhân ở các khu công nghiệp thì không cao bằng, nhưng làm ở đây thì thuận lợi là chị em ở ngay gần nhà. Thậm chí có chị em chỉ nhận việc về làm tại nhà, khi nào hoàn thành thì mang đến bàn giao cho lãnh đạo HTX, nên chị em đều rất vui”.

Với tiêu chí sản xuất sản phẩm đảm bảo chất lượng, đáp ứng tốt nhất nhu cầu của khách hàng, của thị trường để phát triển ổn định lâu dài, HTX thường cải tiến và sáng tạo thêm các sản phẩm hàng lưu niệm để cho ra các sản phẩm phù hợp với xu thế hội nhập và thị hiếu khách hàng như túi xách, giày dép, thú nhồi bông. Đến nay, HTX đã trở thành đơn vị sản xuất cung cấp hàng cho nhiều đơn vị tiêu thụ ở các thành phố lớn như Hà Nội, Đà Nẵng, Hồ Chí Minh và xuất cho cả một số công ty tại Pháp.

Bà Hà Thị Yên, Chủ tịch Hội LHPN xã Chiềng Châu, cho biết: “HTX Dệt thổ cẩm và Dịch vụ du lịch Chiềng Châu là một trong những mô hình điển hình ở địa phương. HTX không chỉ góp phần tạo việc làm, đem lại thu nhập cho chị em phụ nữ mà còn góp phần bảo tồn phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của người dân tộc Thái bản địa. Từ khi Hội LHPN tỉnh triển khai thực hiện Đề án "Hỗ trợ hợp tác xã do phụ nữ tham gia quản lý, tạo việc làm cho lao động nữ đến năm 2030, chúng tôi thường động viên các nữ lãnh đạo HTX như bà Vì Thị Oanh tham gia các lớp tập huấn kiến thức về quản lý hợp tác xã do Hội LHPN các cấp tổ chức. Hội LHPN tỉnh và huyện cũng rất quan tâm, thường xuyên tổ chức đưa sản phẩm của HTX đi quảng bá, hỗ trợ tìm đầu ra cho sản phẩm”.

Bà Vì Thị Oanh chia sẻ, nhờ sự hỗ trợ của Hội LHPN địa phương, công tác quản lý vận hành HTX của bà ngày càng tốt hơn, giúp HTX phát triển bền vững và hiệu quả hơn. Những năm gần đây, doanh thu của HTX không ngừng tăng, từ 500 triệu đồng lên 2 tỷ đồng và hiện nay là 3 tỷ đồng.

“Với những thành công bước đầu đã đạt được, hiện nay trăn trở lớn nhất của tôi là diện tích đất mở xưởng bị hạn chế, không có đất để thuê. Tôi hy vọng trong thời gian tới, lãnh đạo địa phương có những chính sách tạo điều kiện cho các HTX do phụ nữ tham gia quản lý, điều hành có thể tiếp cận được quỹ đất tại địa phương, thuê mặt bằng mở rộng quy mô sản xuất, từ đó có thể tạo thêm việc làm cho nhiều người lao động hơn nữa” - bà Vì Thị Oanh cho hay.

Trường Sa

Nguồn Phụ Nữ VN: https://phunuvietnam.vn/htx-det-tho-cam-chieng-chau-giup-chi-em-co-viec-lam-va-thu-nhap-on-dinh-2024101614512008.htm
Zalo